Xe

Ô tô Euro 4: Nỗi lo sợ của đại gia đi xe cao cấp

Nếu ô tô, xe máy lưu hành ở Việt Nam phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên thì sự cố về động cơ có nguy cơ tăng lên rõ rệt. Lý do, ô tô Euro 4 đòi hỏi nhiên liệu chất lượng cao, trong khi xăng dầu trong nước khó đáp ứng được.

Động cơ mòn nhanh, tốn tiền sửa chữa

Chưa đầy 2 tháng nữa là tới thời điểm áp dụng tiêu chuẩn Euro 4, nhưng chất lượng xăng dầu đang làm cho cả các DN ô tô xe máy, lẫn người tiêu dùng cảm thấy lo ngại.

Giới chuyên môn thì khẳng định, đây là một trong những điều kiện bắt buộc để áp dụng tiêu chuẩn giảm khí thải. Nếu nhiên liệu không tương thích với chuẩn của động cơ Euro 4 thì xe có thể mắc nhiều lỗi.

Hàm lượng lưu huỳnh càng nhỏ càng tốt cho động cơ

Theo các chuyên gia, hàm lượng lưu huỳnh trong xăng dầu rất đáng quan tâm. Nó tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, tuỳ theo dạng tồn tại có thể gây ăn mòn trực tiếp hay gián tiếp động cơ. Hàm lượng lưu huỳnh càng nhỏ thì càng tốt.

Nếu xăng dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao, vượt tiêu chuẩn cho phép, khi đốt không cháy hết sẽ ăn mòn động cơ xe, phá hỏng dầu nhớt bôi trơn, làm giảm tuổi thọ của động cơ, làm giảm tuổi thọ của hệ thống xử lý khí thải ô tô xe máy.

Khi bị đốt cháy, còn tạo ra khí SO2 (lưu huỳnh dioxit), làm tổn thương niêm mạc trong đường hô hấp và mắt. Có tới 95% khí SO2 từ động cơ ô tô, xe máy được thải ra môi trường.

Với tiêu chuẩn Euro 2 Việt Nam đang áp dụng, hàm lượng lưu huỳnh trong xăng dầu, quy định không vượt quá 500 mg/kg. Tuy nhiên, với tiêu chuẩn Euro 4 thì tối đa chỉ được 50 mg/kg. Nếu xe động cơ Euro 4 mà sử dụng xăng dầu dưới tiêu chuẩn Euro 4 thì rất mệt mỏi, nhất là động cơ diesel, các kỹ sư ô tô nhận định.

Ngoài ra là nỗi lo về chất lượng xăng dầu bị pha tạp vẫn phổ biến ở nước ta, bởi xăng pha tạp cũng gây hại rất lớn cho động cơ xe, khiến hệ chuyển động bị mài mòn nhanh.

Thời gian qua, ghi nhận từ một số trung tâm sửa chữa ô tô cho thấy, những dòng xe cao cấp nhập về Việt Nam, sử dụng động cơ có tiêu chuẩn khí thải cao, từ Euro 4 trở lên, cứ đi khoảng 2 vạn km là phải xử lý đánh cặn, muội trong động cơ và bộ phận phun nhiên liệu. Lý do: nhiên liệu không đáp ứng được chất lượng. Chi phí để làm sạch động cơ và bộ phận phun nhiên liệu, mỗi lần khoảng 3 triệu đồng. Thông thường, nếu nhiên liệu đảm bảo thì có thể đi trên 10 vạn km mới phải xử lý.

Khi các dòng xe con phân phối ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 trở lên thì số lượng xe gặp sự cố về động cơ sẽ tăng lên đáng kể, bởi tiêu chuẩn khí thải mới đòi hỏi nhiên liệu chất lượng cao. Khách hàng sẽ tốn thêm chi phí sửa chữa, đại diện một DN kinh doanh ô tô nhập khẩu, cho hay.

Có ý kiến đề nghị lùi thời hạn thực hiện tiêu chuẩn Euro 4

Mua nhiên liệu Euro 4 ở đâu?

Tất cả các chuyên gia đều khuyến cáo người tiêu dùng, nếu xe có động cơ tiêu chuẩn Euro 4, thì phải lưu ý sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn Euro 4. Tuy nhiên, hiện chưa có công bố nào từ cơ quan chức năng hay DN kinh doanh về nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro 4, cũng như thời điểm bán, mạng lưới phân phối,...

Năm 2015, Bộ KH-CN đã ban hành bộ Quy chuẩn về xăng dầu với 9 loại xăng không chì, gồm Ron90-II; Ron92-II; Ron95-II; Ron92-III; Ron95-III; Ron98-III; Ron92-IV; Ron95-IV; Ron98-IV. Các số II, III, IV thể hiện mức tiêu chuẩn nhiên liệu phù hợp với mức tiêu chuẩn khí thải. Cũng tương tự như vậy là với dầu diesel. Dựa trên Quy chuẩn này, để các DN kinh doanh cung cấp xăng dầu, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải cho các phương tiện giao thông.

Điều này lại càng khiến DN và người tiêu dùng thêm lo ngại. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, với quá nhiều loại xăng dầu như vậy dễ xảy ra gian lận trong kinh doanh mặt hàng này. Chưa kể, khách hàng có thể chọn nhầm nhiên liệu, gây hại cho động cơ.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) mới đây đã đề xuất Chính phủ cần triệt để chuyển đổi nhiên liệu từ Euro 2 sang Euro 4, theo đúng quy định; tức là loại bỏ nhiên liệu dưới tiêu chuẩn Euro 4 ra khỏi thị trường.

Tuy nhiên, điều này cũng khó, bởi Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện không thể sản xuất được xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4; Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sắp đi vào hoạt động cũng tương tự. Như vậy không thể tiêu thụ sản phẩm trong nước. Đợi hai nhà máy này chuyển đổi sang sản xuất xăng dầu đạt tiêu chuẩn Euro 4 phải tới năm 2021.

Nếu sử dụng toàn bộ xăng dầu tiêu chuẩn Euro 4 nhập khẩu với giá thành cao, dẫn đến cước phí vận tải tăng, tác động không tốt tới kinh tế xã hội.

Một số ý kiến thì đề nghị lùi thời hạn thực hiện tiêu chuẩn Euro 4 vì chúng ta vẫn chưa sẵn sàng, hoặc chỉ áp dụng với ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống, sử dụng động cơ xăng.

Tác giả bài viết: Trần Thủy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok