Cuộc sống

Ở nơi, hai vợ chồng chỉ có một cái quần...

"Ngày xưa, cuộc sống người Đàng Hạ rất khó khăn. Họ gần biển nhưng không biết đánh cá, chỉ mải lên rừng kiếm củi đổi cơm. Nhiều nhà, hai vợ chồng chỉ có một cái quần, hễ chồng đi thì vợ ở nhà phải quấn lá cây...", ông Trần Trò, 87 tuổi, kể chuyện.

Chúng tôi đến thăm xóm nhỏ Xuân Đừng, bên cạnh vịnh Vân Phong (xã Vạn Thạnh, H. Vạn Ninh, Khánh Hòa) lúc trời đã đứng bóng. Ở đây, nhà cửa đơn sơ, giản dị, dân cư thưa thớt. Vào sâu bên trong, dưới tán cây điều, một ông lão đang ngồi lặng lẽ ...

Gần 90 tuổi còn chèo thúng ra biển

Ông thấp người, có nước da đen, tóc quăn đã bạc trắng, mày rậm, mũi cao. Ông cứ ngồi như thế, hai tay chống lên cây gậy, mắt dõi nhìn về phía biển.

Ông đột ngột đứng lên đi thật nhanh ra mép nước, với tay kéo chiếc thúng rồi leo lên. Tay ông chèo thúng đi thẳng đến chiếc thuyền đang neo phía xa xa ...

Một lát sau ông quay về ngồi lại chỗ cũ. Hơi thở ông vẫn đều đặn và không lộ chút vẻ mệt nhọc nào. Chúng tôi hỏi ông, ông bơi ra đó làm gì ? Ông nói, tôi ngồi đây để theo dõi có ghe nào mua nước không.

Tôi có khoan một giếng nước ngọt để bán cho các ghe cần lấy nước. Lúc nãy tôi bơi thúng ra để thu tiền và gom ống.

Ông Trần Trò (áo xanh) người Đàng Hạ và ông Võ Thành Trung, Trưởng xóm Xuân Đừng.

Ông là Trần Trò, 87 tuổi. Ông gốc người Đàng Hạ, một tộc người thiểu số sinh sống nhiều đời ở xóm Xuân Đừng này.

Ông cho biết, tuy là người Đàng Hạ nhưng trải qua quá nhiều đời đến nay ông không còn biết gốc tích của dân tộc mình như thế nào. Ngay cả đến tiếng nói, ông cũng không còn nhớ nổi và bây giờ chỉ sử dụng tiếng Kinh để giao tiếp.

Ông kể, ngày xưa, người Đàng Hạ ở gần biển nhưng không biết làm biển. Họ thường lên núi làm nương rẫy không đủ ăn nên thiếu đói triền miên.

Trai tráng người Đàng Hạ phải vào rừng săn bắn thú rừng, chặt củi làm than. Sau đó, họ mang củi, than ra chợ bán, đổi lấy gạo ăn. Cuộc sống của họ vô cùng khó khăn.

Nhiều nhà hai vợ chồng chỉ có một cái quần, hễ chồng đi thì vợ ở nhà phải quấn lá cây. Họ không có phong tục làm đám cưới, đám tang. Vào đúng đêm 30 Tết, trai gái người Đàng Hạ yêu nhau thì dắt về nhà ở chung.

"May sao, nhà nước có chính sách giúp đỡ hướng dẫn người Đàng Hạ cách làm ăn. Đời ông tôi, cha tôi đã biết đi biển đánh cá. Cả tuổi thanh niên của tôi cũng sống bằng nghề này", ông nói.

87 tuổi, ông Trần Trò vẫn bơi thúng ra bè.

Ông Võ Thành Trung, trưởng xóm Xuân Đừng, kể lại: "Nguồn gốc người Đàng Hạ chỉ còn là truyền thuyết. Hiện không còn một dấu tích, một di vật nào chứng minh cho sự hiện diện của họ.

Tuy nhiên theo các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu dân tộc học, có 2 giả thiết có thể xưa kia người Đàng Hạ là những ngư dân Indonesia trên đường hành nghề đánh bắt hải sản gặp cơn bão giữa khơi xô đẩy, trôi dạt vào những đảo nhỏ ở Vạn Thạnh.

Sau nhiều ngày lang thang, họ đã tìm thấy nước ngọt ở Xuân Đừng. Họ dựng chòi, hái rau quả và sinh cơ lập nghiệp ở đó. Cũng có giả thiết cho rằng họ vốn là một nhóm người dân tộc thiểu số nào đó ở miền núi tỉnh Bình Định. Chiến tranh loạn lạc đã khiến cho họ phiêu bạt đến đây".

Dù với giả thiết nào thì ông Trần Trò, trước mắt chúng tôi vẫn được bà con nơi đây xác nhận ông là người Đàng Hạ.

Ông đã sống, đã trải qua vui buồn trọn một đời người với bà con nơi đây...

Moi cát có ngước ngọt

Theo lời ông Trung, hiện tại Xuân Đừng chỉ còn 7 hộ người dân tộc thiểu số với 47 nhân khẩu.

Số người này đang được nhà nước đặc biệt quan tâm giúp đỡ bằng nhiều cách như cất nhà, cấp 6 tháng ăn, cấp tôm giống để nuôi.

Con em của họ được cho vào trường tiểu học. Thế nhưng vì dân trí còn quá thấp - 100% mù chữ - những cố gắng của chính quyền cũng không đạt được thành quả như mong muốn.

Tại trường tiểu học, chỉ vỏn vẹn 3 em theo học với một thầy giáo. Có hôm thầy phải nghỉ vì các em bận lo mưu sinh...

Sát mép biển nhưng chỉ cần moi là có nước ngọt phun ra

Uống nước ngọt từ dưới biển phun lên

Đời sống người Đàng Hạ ở Xuân Đừng là như thế. Trước đây, họ thường đợi đến lúc nước ròng bãi biển trơ cát, chỉ cần moi một lỗ nhỏ là có nước ngọt phun ra. Cứ thế họ gánh về nhà dùng.

Hiện tượng này chỉ có ở bờ biển Xuân Đừng dọc theo vịnh Vân Phong. Mấy năm gần đây, nhờ có điện nên đã xuất hiện nhiều giếng khoan. Mạch nước ngầm ở đây rất dồi dào. Người dân nơi đây đã biết tận dụng đưa nước vào tưới tiêu trong nông nghiệp.

Cả xóm Xuân Đừng có 40 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu nhưng đi một vòng quanh xóm, vắng tanh. Ông Trần Trò cho biết bà con nơi đây làm đủ nghề. Đi lưới, đi câu, đốt than, làm rẫy.

Họ quần quật suốt ngày vật lộn với miếng cơm manh áo. Trẻ em thì không màng chuyện đến trường. Chúng được thuê mướn làm những công việc vừa sức. Mỗi ngày có thể kiếm được vài chục ngàn góp thêm cho thu nhập của gia đình ...

Làm sao để được 100% trẻ ở Xuân Đừng đến trường vẫn là niềm mong mỏi của nhiều người.

Đến một lúc nào đó, hi vọng trẻ em không bị cuốn vào cuộc mưu sinh, trả chúng về với tuổi thơ với con chữ thì mới thấy được tương lai.

Người Hạ ở đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện truyền khẩu rằng: Khi vua Gia Long trên đường bôn ba qua đây, thật ngẫu nhiên, khi không còn lương thực, thực phẩm thì bỗng nhiển mặt biển xuất hiện khá nhiều loại cá nhỏ, vua Gia Long cùng đoàn tùy tùng ăn thay cơm nên từ đó loại cá này được gọi là cá cơm.

Trên bờ biển Xuân Đừng chỗ nào cũng xuất hiện nước ngọt, vua Gia Long cho là điềm lành nên mới ban sắc miễn thuế suốt đời và đặt họ cho người Hạ. Câu chuyện này vẫn còn truyền lại đến hôm nay.

Người Hạ ở Khánh Hòa được người Việt gọi là người Đàng Hạ và chính họ cũng tự nhận mình là người Đàng Hạ.

Cách gọi người Đàng Hạ hay người Hạ Châu còn biểu hiện đặc điểm cư trú khá đặc biệt của tộc người này.

Họ thường sinh sống ở những vị trí khuất nẻo và thấp dưới chân các hòn đảo và bán đảo.

Điều này cũng phần nào lý giải vì sao cho đến nay, đời sống của người Hạ tại thôn Xuân Đừng thuộc bán đảo Vạn Thạnh huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa vẫn còn hết sức khó khăn nếu không muốn nói còn quá lạc hậu và cách biệt với bên ngoài.

Trần Thanh Hưng (VTV Phú Yên)

(Còn tiếp)

Tác giả: Trần Chánh Nghĩa

Nguồn: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok