Xã hội

Ở Hà Nội, có một tiểu đội nữ Cảnh sát đặc nhiệm

“Cỡ như anh mà đánh đối kháng thì tôi chấp 4. Khi thực chiến, chúng tôi còn có những tình huống gay go hơn nhiều” - cô gái ấy vừa che miệng cười, vừa nói với tôi theo kiểu nửa đùa nửa thật.

Tôi bán tín bán nghi trước sự tự tin của các thành viên Tiểu đội nữ đặc nhiệm (Đại đội 2, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, CATP Hà Nội) vốn đầy vẻ nữ tính. Cho đến khi thấy các chị treo mình vắt vẻo bên bức tường cao hàng chục mét, một tay cầm nhẹ tênh cây AKM trong tư thế tác chiến thì tôi tin những lời nói kia là thật.

Vượt lên chính bản thân mình

Trước lúc gặp mặt Lương Thị Thu, tôi cứ hình dung ra các nữ cảnh sát đặc nhiệm của Hà Nội chắc phải “hầm hố” như cỡ “đả nữ” Linda Hamilton trong phim “Terminator” hoặc chí ít cũng “góc cạnh” như ngôi sao võ thuật Dương Tử Quỳnh. Thế nhưng, thực tế trước mắt tôi chỉ là một cô gái nhỏ nhắn cao độ 1m60. Thu cười bảo, “may mà anh hẹn cuối giờ chiều, nếu không em phải bỏ dở buổi tập chạy hàng ngày mất”. Hóa ra tranh thủ lúc đợi tôi, cô đã hoàn thành xong 3 vòng nước rút quanh Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Thuộc thế hệ đi trước trong Tiểu đội nữ gồm 7 chiến sĩ, Lương Thị Thu đến với ngành Công an bằng sự đam mê rất tự nhiên. Đang học dở trường Đại học Luật Hà Nội năm thứ hai, Thu bỗng dưng “đùng đùng” xin bảo lưu kết quả học tập để rút hồ sơ ôn thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân. “Đúng ra là tôi thi năm thứ nhất ở Học viện An ninh nhân dân, nhưng thiếu nửa điểm nên đành theo học Luật.

“Đừng nghĩ lính đặc nhiệm nữ lúc nào cũng chỉ có cơ bắp, súng đạn và vũ lực như nam giới. Khi cần, chúng tôi vẫn nữ tính, nhẹ nhàng và mềm mỏng lắm”.

Thượng sĩ Lương Thị Thu (Đại đội 2, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, CATP Hà Nội)

Đến năm thứ hai thì tôi “đổi chiến thuật” quay sang thi Học viện Cảnh sát Nhân dân với hy vọng bên đó sẽ lấy điểm thấp hơn, ai ngờ năm sau điểm chuẩn còn cao hơn năm trước. Vậy là tôi chỉ đủ điểm để học hệ Trung cấp. Nhưng đã quyết theo học ngành này rồi nên tôi vẫn quyết dứt áo ra đi” - Thu kể lại câu chuyện vào ngành của mình.

Thực ra, quyết định đi thi Học viện Cảnh sát nhân dân của Thu lúc đó bị nhiều bạn bè đánh giá là “điên”. Họ nghĩ, đã học đến năm thứ hai Đại học Luật rồi mà bỏ dở đi thi trường khác, ngộ nhỡ không đỗ thì 2 năm vừa qua thành công cốc. Nhưng kệ, Thu rút học bạ, làm hồ sơ dự thi và đóng cửa tự ôn để chuẩn bị cho kỳ vượt vũ môn.

Cả nhà chẳng có ai công tác trong lực lượng công an, thế nên khi thấy con gái bỏ dở trường Luật để sang học Cảnh sát, cả nhà Thu đều bất ngờ. Chỉ có mẹ cô vốn là một nhà giáo nên hiểu tính nết con gái mình thì lắc đầu: “Làm nghề gì cũng được, miễn làm sao đừng để bố mẹ phải lo nhiều”.

Ngày phân khoa, trong khi bao nhiêu bạn bè đều nộp nguyện vọng vào các ngành “hot” thì Lương Thị Thu lại chọn theo học đặc nhiệm. “Người ta cứ bảo lính đặc nhiệm vất vả, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy. Riêng tôi lại nghĩ khác, tôi thích sự vận động liên tục, thích những thứ mạnh mẽ và đặc biệt là thích những kỹ năng chiến đấu để có cơ hội rèn luyện và vượt lên trên chính bản thân mình” - Thu tâm sự.

Có lẽ nhờ sự đam mê đó nên trong suốt quá trình theo học, chưa một bài huấn luyện nào có thể khiến cô gái này chùn bước. Cho dù đó là những chuyến hành quân đêm mệt nhoài, những bài tập võ thuật chống khủng bố bầm dập hay những tình huống nguy hiểm nghìn cân treo sợi tóc, tất cả chỉ khiến Thu cảm thấy gắn bó và yêu nghề hơn.

Thượng sĩ Lương Thị Thu (bên trái) cùng tiểu đội nữ đặc nhiệm

Khi cần, vẫn nữ tính, nhẹ nhàng và mềm mỏng

Ở Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm, Tiểu đội nữ của Thu được coi là mỳ chính cánh. Đây cũng là Tiểu đội nữ đặc nhiệm đầu tiên của Công an Hà Nội. Tuy thế, từ ngày ra trường, các cô gái này vẫn phải đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ quan trọng không khác gì các đồng nghiệp nam giới. Họ cũng tham gia tuần tra đêm, có mặt làm công tác bảo vệ tại tất cả những kỳ cuộc quan trọng mà cấp trên phân công như bảo vệ Hội nghị Cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017.

Lính đặc nhiệm lúc nào cũng phải trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Vì thế, ngoài nhiệm vụ hàng đêm thì ban ngày các cô gái này gần như thường xuyên có mặt ở thao trường huấn luyện, nhằm đảm bảo các kỹ năng chiến thuật luôn thuần thục. Thu kể: “Tình huống khẩn cấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào và chúng tôi phải luôn luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Do đó, trong quá trình chiến đấu, không ai được phép để xảy ra sai sót. Mọi sai lầm sẽ phải trả bằng máu, vì thế thường xuyên huấn luyện là lẽ đương nhiên.

Ví dụ như ở các bài tập chống khủng bố, giải cứu con tin, lính đặc nhiệm sẽ “xuống dây chiến thuật” từ những tòa nhà cao tầng cao hàng chục mét mà không hề có dây bảo hiểm. Chưa nói đến bị khủng bố tấn công, chỉ cần mình sơ sảy hay tuột tay là có thể ngã chết người như chơi. Chỉ khi nào những kỹ năng chiến đấu đó thành thói quen thì sơ suất mới hạn chế tối đa được”.

Nhớ ngày mới ra trường về tiểu đoàn nhận nhiệm vụ, có lần trong một chuyến tuần tra đêm, tiểu đội của Thu gặp một nhóm lưu manh đang trên đường đi tìm đối thủ để thanh toán. Trong cơn hăng máu, những gã thanh niên xăm trổ đầy người này ngang nhiên xách dao, phóng xe máy dàn hàng ngang trên đường. Lập tức, cả tiểu đội áp sát yêu cầu các đối tượng dừng xe. Biết rằng nếu để cảnh sát bắt giữ được thì sẽ lĩnh hậu quả nên chúng tăng ga tháo chạy.

Trong quá trình truy đuổi, xe của Thu bị một gã ngồi sau đạp thẳng vào tay lái khiến cô cùng đồng nghiệp ngã ra đường văng xa hàng chục mét. Bất chấp đau đớn, Thu bật dậy dựng xe cùng đồng đội tiếp tục theo sát đối tượng. Đại úy Đinh Văn Sang - Đại đội trưởng Đại đội 2 nói: “Sự quyết liệt tấn công tội phạm của những thành viên tiểu đội nữ đặc nhiệm khiến không ai dám nghi ngờ về tinh thần quả cảm và khả năng chiến đấu của họ. Thậm chí khi cần, ở họ còn có những điểm mạnh mà nam giới khó lòng theo được. Đó là sự mềm dẻo và khả năng thuyết phục đối tượng chấp hành mà không cần sử dụng đến vũ lực”.

Dấu ấn của sự mềm dẻo ấy từng được Thu thể hiện trong một chuyến tuần tra đêm khác cách đây vài tháng. Hôm đó, tổ công tác của cô đang trên đường làm nhiệm vụ thì phát hiện 2 thanh niên đi xe máy với dấu hiệu khả nghi. Khi bị dừng xe yêu cầu kiểm tra hành chính, cả 2 đối tượng này phản ứng quyết liệt và nhất quyết không cho khám người.

Với con mắt nghề nghiệp, cả đội tin chắc các đối tượng này “có vấn đề”. Để giảm bớt sự quá khích của đối tượng, Thu trực tiếp ra nói chuyện, thuyết phục đối tượng chấp hành yêu cầu của tổ công tác. Sau một hồi phân tích, cuối cùng cả 2 thanh niên đã chấp hành để rồi sau đó, Thu cùng các đồng đội đã bàn giao đối tượng cùng số ma túy tổng hợp chúng giấu trong người cho công an phường sở tại.

“Thế nên, anh đừng nghĩ lính đặc nhiệm nữ chúng tôi lúc nào cũng chỉ có cơ bắp, súng đạn và vũ lực như nam giới. Khi cần, chúng tôi vẫn nữ tính, nhẹ nhàng và mềm mỏng lắm” - Thu cười hóm hỉnh. Tôi cũng tin là vậy và chợt nghĩ, giá như Công an Hà Nội có thêm vài tiểu đội nữ đặc nhiệm nữa thì công việc và hình ảnh của những người CSCĐ trong mắt người dân sẽ thi vị hơn biết bao nhiêu.

Tác giả: Nguyễn Long

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok