Du lịch

Ở Canada, trộm lấy đồ còn gửi lại tiền xin lỗi chủ nhà

Tại Ontario, một tên trộm sau khi đột nhập vào nhà người khác để lấy đồ, hôm sau gửi trả lại 50 USD cùng món đồ và một tờ giấy xin lỗi vì đã khiến gia chủ bị thiệt hại.

Vào mỗi tháng 8 hàng năm, gia đình nhà báo Eric Weiner lại bắt đầu du lịch và thường đi về hướng bắc. Một trong những điểm dừng của họ là Canada - quốc gia nổi tiếng bởi khí hậu dễ chịu, con người thân thiện, chu đáo và tử tế.

"Chúng tôi có cơ hội được trải nghiệm sự tử tế của người Canada ngay từ biên giới. Biên phòng của Mỹ lúc nào cũng cộc cằn và chỉ có công việc. Còn người Canada, ngược lại hoàn toàn, luôn lịch sự ngay cả khi hỏi chúng tôi về số lượng chai rượu mang vào đất nước họ", nhà báo Eric chia sẻ trên BBC.

Nhiều người sống ở Canada thừa nhận, người dân nước này rất ngại va chạm. Ảnh: BBC.


"Có lần, tôi đã không nói về việc cô con gái 9 tuổi của mình có hộ chiếu đã hết hạn. Nhưng họ vẫn lịch thiệp cho chúng tôi đi qua".

Và sự tử tế, lịch sự đó của người Canada còn được gia đình Eric chứng kiến trong suốt hành trình của họ. "Mọi người đều rất tử tế, những người bồi bàn, phục vụ phòng, nhân viên khách sạn và cả người lạ".

Giao thông ở Toronto, Montreal là hai điểm luôn tắc đường nhưng hầu như bạn sẽ không bao giờ nghe thấy một tiếng còi xe. Thậm chí nếu đó là thời điểm tắc đường cao điểm, người dân dù mệt mỏi đến mấy cũng không bao giờ bấm còi để yêu cầu người khác nhường đường. Họ nhẫn nại, chờ đợi đến lượt mình nhích lên từng chút xíu. "Bóp còi ở Canada được coi là hành động hung hăng một cách không cần thiết", Jeffrey Dvorkin, giáo sư báo chí ở Đại học Toronto cho biết.

Nếu ở Mỹ, các tin giật gân, scandal về nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ được thường xuyên nhắc đến, thì tại Canada lại là những câu chuyện ca ngợi sự tử tế của người dân. Một trong số đó là câu chuyện được đăng trên tờ National Post: Sinh viên luật Derek Murray sống ở Edmonton do không biết nên đã bật đèn pha xe hơi suốt ngày. Khi quay ra lấy xe, anh thấy pin xe đã cạn và nhận được một lời nhắn để lại trên kính chắn gió: "Tôi thấy bạn để đèn xe mà không tắt nên có thể pin sẽ hết, không thể khởi động máy được. Tôi để lại cho bạn một cái sạc pin bên trong hộp các-tông cạnh hàng rào ấy".

Còn ở Ontario, một tên trộm sau khi lấy đồ đã gửi trả lại gia chủ cùng 50 USD và một bức thư xin lỗi cầu mong sự tha thứ.

Theo nhiều du khách, người Canada không chỉ lịch thiệp, họ còn khiêm tốn đến mức khó tin. Thậm chí, họ không muốn được khen ngợi dù việc làm của họ xứng đáng ca ngợi như một anh hùng.

Tháng 10/2014, một tay súng tấn công nhà Quốc hội Canada và bị Kevin Vickers, một nhân viên làm việc trong tòa nhà, bắn. Khi được báo chí ca ngợi về hành động anh hùng, Kevin thậm chí còn không muốn được nhắc đến.

Kevin Vickers vẫn rất khiêm nhường khi được vinh danh tại tòa nhà quốc hội Canada năm 2014. Ảnh: BBC.


Một nghiên cứu chỉ ra rằng người Canada không muốn làm tổn thương người khác. Đó là lý do họ luôn tử tế và lịch sự quá mức cần thiết với nhau và với người lạ. Những cụm từ khách sáo như "có thể", "vui lòng", "không tệ" hay "xin lỗi" được họ dùng nhiều nhất. Thậm chí, họ sẵn sàng xin lỗi vì bất kỳ lý do nào.

"Tôi xin lỗi cái cây mà tôi đâm vào", nhà báo Micheal Valpy cho biết không chỉ ông mà người dân nước mình cũng làm điều tương tự nếu họ vô tình đâm vào một cái cây.

Còn Taras Gresvoe, một nhà văn ở Montreal, lý giải sự tử tế của người dân nước mình rằng: "Đất nước chúng tôi quá rộng lớn mà người dân thì lại ít. Chúng tôi hiểu rằng để sinh tồn thì phải chăm sóc lẫn nhau. Đó là lý do chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, thay vì hung hăng".

Du khách luôn được người dân nước này đón tiếp với thái độ thân thiện. Ảnh: BBC.


Nhà báo Eric cũng thừa nhận rằng, sự tử tế của người Canada có sức mạnh lây truyền sang người khác. Mỗi năm đến Canada để du lịch, ông lại thấy mình như sống chậm lại, nói "cảm ơn", "xin vui lòng" nhiều hơn thường lệ.

Tác giả bài viết: Anh Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok