Thế giới

"Nước Nga dưới thời Putin không cúi đầu trước Mỹ"

Với vị thế và sức mạnh hiện tại, sẽ là sai lầm khi cho rằng nước Nga dưới thời Putin sẽ chịu nhường bước trước làn sóng trục xuất ngoại giao do Mỹ và châu Âu khởi xướng.

Cuộc chiến trục xuất ngoại giao mở đầu cho những đòn đánh mới nhắm vào Nga.

Với mối quan hệ ngày càng tiến sâu vào căng thẳng giữa Washington và Moscow, nguy cơ khiến hai cường quốc có thể rơi vào một cuộc đối đầu quân sự đang gia tăng, tờ National Interest đánh giá.

Trong những ngày gần đây, Mỹ và gần 20 nước châu Âu đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga - để ủng hộ lời cáo buộc Moscow đầu độc cựu điệp viên ở Anh.

Kremlin đã có những động thái đáp trả lại giữa lúc mối quan hệ giữa Nga và Mỹ chìm xuống điểm thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

"Nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng chúng ta có đang đương đầu với một cuộc Chiến tranh Lạnh mới", Dimitri Simes, Chủ tịch National Interest nói hôm 26/3.

"Tuy nhiên một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có thể khác về nhiều khía cạnh so với cuộc chiến cũ. Đầu tiên là sự cân bằng giữa hai bên khác nhau. Thứ hai, Nga thiếu vắng một hệ tư tưởng giống như trong quá khứ. Thứ ba, rõ ràng là Nga đang tiếp xúc nhiều hơn với phương Tây hơn là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đầu tiên. Do đó hai bên có thể có những động thái khác nhau”, ông Simes nhận định.

Tuy nhiên các nhà phân tích đều có chung quan điểm rằng, cuộc đấu với Nga vào thời điểm này sẽ không dễ dàng cho phương Tây, khi vị thế của Moscow không chỉ lớn mạnh gấp nhiều lần so với cách vài năm mà thậm chí sự ủng hộ đối với Tổng thống Putin cũng lên cao đến đỉnh điểm.

Thực tế, căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân đang ở mức rất cao. Nếu đánh giá nguy cơ đối đầu quân sự giữa Washington và Moscow bằng thang điểm 10 thì con số hiện tại đang vượt ngưỡng an toàn.

Michael Kofman, nhà nghiên cứu tại trung tâm Phân tích Hải quân thuộc National Interest đồng ý rằng có nguy cơ thực sự đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ đang ở mức 6 hoặc 7.

Với đòn tấn công tập thể nhắm vào Nga hiện tại, có quan điểm cho rằng Moscow sẽ rơi vào tình cảnh vây hãm đầy khốn khó và rất có thể sẽ tổn thất nặng nề trước phương Tây.

Tuy nhiên, các chuyên gia từ National Interest đánh giá, Nga sẽ đáp trả thẳng tay nếu Mỹ cùng đồng minh đứng lên chống lại Điện Kremlin.

Vị thế mạnh mẽ của Nga

Cuộc bầu cử Tổng thống gần đây của Nga vào ngày 18/3 dường như cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những gì các nhà quan sát phương Tây dự đoán.

"Về quyền lực chính trị, đây thực sự là một tin tốt cho ông Putin với số lượng phiếu bầu lên tới 70%”, George Beebe, Giám đốc nghiên cứu về tình báo và an ninh quốc gia thuộc National Interest, nói về kết quả bầu cử.

Tổng thống Putin cũng nhận được ủng hộ tốt hơn dự kiến ​​trong một số thành phần cử tri Nga mà ông thường khó giành được tình cảm được trong quá khứ, chẳng hạn như ở Moscow và với người Nga sống ở nước ngoài.

Nước Nga dưới thời Tổng thống Putin không cúi đầu trước bất kỳ ai.

Một phần lý do nhà lãnh đạo Nga có được kết quả tốt như vậy đến từ cáo buộc đầu độc cựu điệp viên Skripal của Anh. “Đa số người Nga không tin rằng Chính phủ của họ thực hiện điều này”, chuyên gia Beebe nhận định.

Với lý do hiển nhiên là cả Mỹ và Anh đều không đưa ra được bằng chứng cụ thể về việc Nga tiến hành vụ tấn công, do đó, ý tưởng Nga đang bị vây hãm bởi các thế lực thù địch nước ngoài đã góp phần đáng kể vào quyết định bầu của cử tri.

Hơn nữa, những nỗ lực của phương Tây để thu hút sự ngưỡng mộ của người trẻ ở Nga đã chứng tỏ là một thất bại hoàn toàn.

Paul Saunders, cựu quan chức bộ Ngoại giao Mỹ, lưu ý rằng một phần mục tiêu của Mỹ ở Nga trong những năm 1990 là giành được sự yêu thích của giới trẻ và thu hút họ vào những giá trị của phương Tây.

Tuy nhiên, điều này đã không trở thành hiện thực. Thanh niên Nga lớn lên trong thời kỳ nước Nga bắt đầu khởi sắc và vào thời điểm chính quyền Putin bắt đầu khôi phục lại tầm vóc của Nga ở nước ngoài.

"Họ nằm trong số những người ủng hộ Tổng thống Putin nhất", Saunders nói. "Họ không phải là một phần nhỏ bởi vì trong suốt thời kỳ mà họ sống, Nga đã tìm lại sự thịnh vượng và vai trò trong các vấn đề quốc tế", Saunders nhận định.

Với tình hình của Nga hiện tại, những yếu tố cạnh tranh với phương Tây đang đẩy Tổng thống Putin đi theo định hướng đối ngoại nhiều hơn, nhấn mạnh quyền lực quân sự.

Chính sự xuất hiện ngày càng nhiều trên trường quốc tế cũng đồng nghĩa với việc Nga phải đối đầu nhiều hơn với phương Tây

Sẵn sàng đẩy lùi mọi thế lực có âm mưu phá hoại

Theo các nhà phân tích, nếu Washington và Moscow đối mặt với nhau, người Nga sẽ chẳng ngại ngần từ tốn đứng sang một bên hòa hoãn với Mỹ.

Một nước Nga yếu đuối sau thời kỳ Liên Xô sụp đổ đã không còn. Nga ngày nay, với quân đội hiện đại, tự tin hơn nhiều so với những năm 1990 và sẵn sàng đẩy lùi mọi thế lực có âm mưu phá hoại.

Vài tuần trước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov đã cảnh báo Mỹ rằng Moscow sẽ trả đũa nếu lực lượng của họ bị tấn công bởi lực lượng Mỹ ở Syria.

Không giống như hầu hết các nhân vật chính trị Nga, Gerasimov không chỉ cảnh báo đơn thuần mà đi theo đúng mệnh lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Khi tổng tư lệnh quân đội Nga nói điều gì đó, bạn phải lắng nghe bởi vì có người đã bảo ông ấy phải nói như vậy", chuyên gia Kofman nói.

"Người Nga khá tự tin với vị thế của mình và sẵn sàng duy trì sự đối đầu. Do đó, sẽ là sai lầm khi cho rằng Kremlin sẽ cúi đầu trước Mỹ”, chuyên gia từ National Interest nói thêm.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok