Kinh tế

Nước mắm Chinsu, Nam Ngư bị tố hóa chất, Masan phản pháo

Sau khi có thông tin cho rằng hai nhãn hiệu nước mắm của mình chứa nhiều hóa chất, Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan đã có những phản bác.

Theo thông tin gửi đến báo chí, doanh nghiệp này khẳng định đã đầu tư cơ bản về nguyên liệu đối với ngành hàng nước mắm. Hiện công ty đang sở hữu nhà thùng ủ chượp nước mắm cốt tại Phú Quốc với quy mô gần 500 thùng chượp có tổng sức chứa trên 10.000 tấn cá.

Đây là cơ sở cung cấp khoảng 15% tổng nhu cầu nước mắm cốt nguyên liệu cho sản phẩm nước mắm Chinsu và Nam Ngư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hợp tác thu mua nước mắm cốt từ các nhà sản xuất nước mắm cốt uy tín.

Uớc tính khoảng 60% tổng sản lượng nước mắm của các vùng sản xuất nước mắm chính tại Việt Nam như Phú Quốc, Kiên Giang, Nha Trang, Phan Thiết... Tất cả nguồn nước mắm cốt nguyên liệu này đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.


Nước mắm Nam Ngư của Masan đang bị tố là nước mắm hóa chất. Ảnh: NCĐT.


Theo hãng này, các sản phẩm nước mắm của Masan được chế biến và đóng chai theo quy trình công nghệ khép kín trên các thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu, với phòng Lab đạt tiêu chuẩn ISO 17025 và hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng tại Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) hoặc Sở Y tế địa phương theo đúng quy định của Luật An toàn Thực phẩm, được ghi nhãn rõ ràng và đầy đủ theo đúng quy định của Nhà nước về ghi nhãn hàng hoá.

Doanh nghiệp cũng nhắc lại thông điệp đã được trình bày tại hội thảo ngành trước đó, rằng “không phải cứ đạm cao thì mới ngon. Không phải cứ đạm cao là tốt. Không phải cứ muối mặn là sạch". Đây cũng là nội dung gây nhiều phẫn nộ cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, tạo nên cuộc khẩu chiến giữa đại diện của 2 dòng sản phẩm.

Masan đặt vấn đề thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam đang ở mức báo động do các nguyên nhân như nguồn nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát. Nhà sản xuất lạm dụng các loại hoá chất không được phép, không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm...

Doanh nghiệp này cho rằng việc không tuân thủ và đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm là hết sức nghiêm trọng.

"Điều này có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của hàng triệu người tiêu dùng. Không những vậy, còn tác động xấu đến việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam ra thế giới", đại diện Masan nêu.

Trong khi đó, nhãn hàng cũng nêu rõ, kể từ năm 2011, Masan đã tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm nêu trong quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, hãng đã thực hiện công bố chất lượng sản phẩm trong đó nêu rõ các chỉ tiêu chất lượng và hàm lượng kim loại nặng mà đơn vị tuân thủ đối với sản phẩm nước mắm (thuộc nhóm nước chấm trong).

Song song với việc thực hiện công bố chất lượng sản phẩm, hãng cũng áp dụng quy trình sản xuất và quản lý chất lượng chặt chẽ, thực hiện kiểm tra thường xuyên chỉ tiêu hàm lượng kim loại nặng, đặc biệt là arsen (thạch tín), tại Viện Y tế Công cộng TP.HCM.

Đơn vị ngày cho biết đã gửi công văn kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo và tiến hành thanh tra toàn diện, chú trọng việc tuân thủ quy định về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, đặc biệt là arsen (thạch tín).

Kết quả thanh tra cần được công bố rộng rãi cho công chúng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính, Masan đề nghị.

Trước đó, báo Thanh Niên phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường.

Theo báo này, chai nước mắm thương hiệu Nam Ngư bày bán trên các chợ truyền thống, siêu thị Coop.Mart, TP.HCM, được nhiều người dân tin dùng có đến 17 hoá chất ngoài nước, muối, đường và tinh cốt cá cơm.

Ngày 10/10/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 22/10.

Báo dẫn lời bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía nam của Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam nhận xét: “Việc một chai nước mắm mà phụ gia có đến 17 loại có thể ví như hành động đong nước hoà hoá chất để bán lấy tiền chứ sao gọi là nước mắm?”.

Tác giả bài viết: Bình Nguyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok