►Từ tỷ phú thành tay trắng sau một đêm
►Nữ tỷ phú 'trắng tay' tìm cách vãn hồi công ty
Elizabeth Holmes là nhà sáng lập 32 tuổi của Theranos - hãng xét nghiệm tuyên bố muốn làm bước đột phá trong ngành thử máu với thiết bị có thể thực hiện 70 bài kiểm tra chỉ với vài giọt máu. Có thời điểm, Theranos được định giá 9 tỷ USD, giúp Holmes trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới với 4,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ tháng 10 năm ngoái, hãng này bị tố cáo thiết bị cho kết quả không chính xác. Tháng trước, Holmes bị giới chức Mỹ cấm sở hữu hoặc điều hành một phòng thí nghiệm bất kỳ trong ít nhất 2 năm. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 5/9 nếu cô không kháng cáo và thắng kiện. Bản thân Holmes cũng bị Forbes điều chỉnh tài sản ước tính xuống 0.
Dù vậy, tuần trước, trong cuộc họp của Hiệp hội Hóa học Y tế tại Philadelphia (Mỹ), Holmes đã trình bày thiết bị mới có tên miniLab. Công nghệ mới được mô tả "khác với hoạt động tại phòng thí nghiệm hiện tại" và có thể thực hiện tới 40 xét nghiệm, trong đó có phát hiện virus Zika.
Elizabeth Holmes - CEO hãng xét nghiệm Theranos. Ảnh: Reuters
Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá công nghệ này không đủ đột phá để giúp Theranos được định giá 9 tỷ USD lần nữa. Các đối thủ như Quest hay Siemens đều đã có thiết bị với công dụng tương tự trên thị trường.
"Sự kiện này tạo ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời", Joel Dudley - Giám đốc nghiên cứu công nghệ y - sinh học tại bệnh viện Mount Sinai nhận xét, "Anh phải nhìn vào giá trị thực của nó. Đây là một sản phẩm chưa qua kiểm định".
Giới phân tích cho rằng ít nhất, miniLab cũng làm được một chuyện, đó là lách được lệnh cấm của giới chức. Holmes không sở hữu hay điều hành thiết bị này. Nhưng Theranos vẫn có quyền bán nó cho các bệnh viện và phòng khám.
Dù vậy, thiết bị này chưa được nghiên cứu bởi bên thứ 3, và cũng chưa được Cơ quan Dược phẩm - Thực phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận. Mà quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.
Theranos thành lập năm 2003. Đến nay, họ mới chỉ nhận được chứng nhận của FDA về xét nghiệm Herpes giá 9 USD trên máy móc của mình.
Nhiều người tỏ ra khó tin vào khả năng công ty này có thể vượt qua khó khăn hiện tại, đặc biệt khi Holmes vẫn còn ở vị trí lãnh đạo. "Cô ấy không có quan hệ tốt với FDA. Nếu tôi là nhà đầu tư, cách duy nhất níu tôi lại là CEO từ chức", một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho biết.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Theranos còn chưa đáng giá tới 1 tỷ USD, chứ đừng nói đến 9 tỷ USD. Nhưng Tim Draper - một trong những nhà đầu tư khá sớm vào Theranos lại cho rằng: "Nếu Chính phủ hành động công bằng và cho phép công nghệ này phát triển, cải tiến, Theranos còn đáng giá hơn 9 tỷ USD nữa. Cả thế giới đều đang dõi theo, phụ nữ và những nhà phát minh trẻ cũng rất quan tâm. Tôi hy vọng Chính phủ sẽ làm điều đúng đắn".
Theranos đang rất cần vốn trong khi chờ giới chức cấp phép cho miniLab. Năm 2015, công ty đạt 68 triệu USD doanh thu, PrivCo ước tính. Con số này năm nay được dự báo còn thấp hơn.
Một lãnh đạo trong ngành công nghệ sinh học ước tính công ty này mất 15- 20 triệu USD mỗi tháng, chủ yếu để trả lương. Theranos từng cho biết có 700 - 900 nhân viên.
"Cô ấy cũng cần công khai toàn bộ dữ liệu nữa", Patricia Jones - chủ tịch AACC cho biết trên CNN. Holmes và Theranos vẫn chưa công khai các nghiên cứu đánh giá về công nghệ này với lý do bí mật thương mại. Đây là điều họ từ lâu vẫn bị chỉ trích. "Tất cả hãng công nghệ sinh học cần phải làm điều này. Công khai là huyết mạch của ngành công nghiệp chúng ta", Carrie Mantha - Giám đốc hãng chiến lược khoa học đời sống Aporia Capital cho biết.
Tác giả bài viết: Hà Thu