Từng muốn gác lại giấc mơ
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ của Nguyễn Thị Năm (sinh năm 1997) tại thôn Hồ Thôn (xã Đông Lĩnh, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) luôn tràn ngập tiếng nói cười hỉ hả. Họ hàng, làng xóm tíu tít đến chúc mừng cô bé ngày nào còn định bỏ học, nay đã trở thành Thủ khoa một trường đại học. Chỉ riêng bố của Năm, mang một niềm vui âm thầm vì không thể cười nói thoải mái do tình hình sức khỏe.
Bố của tân Thủ khoa, ông Nguyễn Văn Sinh, năm nay đã 68 tuổi, là cựu chiến binh, còn mẹ là bà Trịnh Thị Ngân (66 tuổi) vốn là cựu thanh niên xung phong. Trở về mảnh đất quê hương sau khi phục vụ đất nước, ông bà vẫn luôn gắn bó với ruộng vườn như bao gia đình thuần nông khác.
Là con út trong một gia đình có 5 người con, lại xảy ra nhiều biến cố khiến Năm từng đinh ninh rằng sẽ phải bỏ học từ sớm để đi làm phụ giúp gia đình, giống như các anh chị của mình.
"Gia đình tôi đã phải trải qua nhiều sự việc không mong muốn, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nên từ cuối năm lớp 12, tôi đã rất muốn đi làm. Các anh chị trước kia cũng bỏ học từ lúc còn học trung học cơ sở, nên tôi cũng nghĩ mình sẽ đi theo lối mòn đó. Chưa bao giờ tôi dám mơ đến việc sẽ đi học đại học" - Năm khẽ nhíu mày khi bắt đầu câu chuyện.
Nhưng người bố trước đây từng du học ở Liên Xô lại rất mong muốn con mình được học hành đến nơi đến chốn, chính vì vậy, hai ông bà đã nhiều lần động viên cô con gái út đến nỗi khóc sướt mướt.
Nguyễn Thị Năm trong lễ tôn vinh Thủ khoa tại Hà Nội. |
"Thấy bố mẹ kỳ vọng vào mình như thế, trước kỳ thi đại học khoảng 1 tháng, tôi lao vào ôn tập ngày đêm. Do trước đó không có ý định thi đại học, nên tôi cũng lơ là đôi chút... Cuối cùng, mọi nỗ lực được đền đáp, tôi đỗ vào trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp..." - cô gái 23 tuổi nhớ lại.
Năm tâm sự, cô chọn ngành Thiết kế công nghiệp không phải do bộc phát. Năng khiếu vẽ của Năm bộc lộ từ khi còn là cô bé học lớp 1, lại luôn khao khát sẽ thiết kế ra những sản phẩm dễ sử dụng, dành riêng cho gia đình. Cô lý giải: "Từ nhỏ, tôi đã nhận thấy những sản phẩm nội thất trong nhà thiết kế không phù hợp. Chẳng hạn, bàn ghế thường cao, mà người Việt Nam thì thấp, vì vậy, sử dụng rất khó chịu, có thể ảnh hưởng đến xương khớp. Hay những cái chuôi dao khi dùng lâu sẽ bị đau tay... Học ngành này, tôi mong muốn thiết kế ra những sản phẩm phù hợp với từng đối tượng, phục vụ cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là một ngành rất tiềm năng".
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngay khi "chân ướt chân ráo" lên Hà Nội ôn thi đại học, Năm đã tất tả đi làm thêm đủ mọi việc, từ gia sư, bán hàng, đến giúp việc, chạy bàn... để đỡ một phần cho bố mẹ.
Biến cố lớn lại tiếp tục ập tới vào năm 2017, khiến Năm gần như sụp đổ, khi bố được chẩn đoán bị ung thư thanh quản, mẹ ốm, anh trai bị tai nạn. Một lần nữa, Năm lại có ý định bỏ học, muốn ngay lập tức đi làm để trở thành "trụ cột" gia đình.
Mất khoảng hơn 1 tháng cô rơi vào tình trạng chán nản: "Tôi cứ nghĩ, hay mình chỉ học đến đây, dù gì cũng đã từng đi học đại học là được... Tôi cứ băn khoăn mãi trong những suy nghĩ chập chờn... Nhưng thật may mắn, sau khi bố mổ xong, sức khỏe ổn định dần, lại tiếp thêm động lực để tôi cố gắng..." - đôi mắt cô chợt đỏ hoe xúc động.
Sáng tạo đến từ trăn trở của bản thân
Khi biết tin mình trở thành Thủ khoa, Năm lập tức gọi điện thông báo cho gia đình. Trải qua bao khó khăn, cô coi đây là một thành công đầu đời. "Khi gọi điện về thông báo, bố mẹ nghe tin liền bật khóc. Vì trong họ, chưa có ai đỗ đạt như thế, nên đó cũng được xem như niềm vui "cực đại" với cả gia đình" - Năm bật cười, chia sẻ.
Hành trình trở thành Thủ khoa của cô sinh viên đến từ Thanh Hóa thực sự không dễ dàng. "Khi mới bước vào giảng đường đại học, do vừa học vừa làm, nên kết quả học tập của tôi không cao. Sau một năm học không như ý muốn, tôi phải sắp xếp lại thời gian học tập và làm việc. Tất nhiên, cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, vì công việc của tôi luôn đòi hỏi sự sáng tạo. Tôi thường trồng cây, đọc sách, nghe nhạc hoặc đi dạo để có thêm cảm hứng" - cô khoe những cuốn sách đang đọc dở trên bàn.
Cô gái năng động tham gia nhiều vị trí trong các hoạt động cộng đồng. |
Tân Thủ khoa tâm niệm, sinh viên cần đi làm thêm sớm nhưng phải đúng lĩnh vực mình theo học, bởi đó là cách tốt nhất để hiện thực hóa lý thuyết học trên lớp. Ngay từ đầu năm 3 đại học, Năm đã xin thực tập tại một công ty thiết kế giày và một công ty chuyên thiết kế đồ nội thất, quãng thời gian đó, Năm vừa học trên lớp, vừa kết hợp áp dụng ngay kiến thức trong một môi trường phù hợp.
Chính khát khao mang kiến thức phục vụ đời sống hàng ngày đã giúp Năm hoàn thành xuất sắc bài tốt nghiệp. Cô gái nhỏ nhắn đã âm thầm chuẩn bị cho bài tốt nghiệp từ trong quá trình làm thêm, vừa làm sản phẩm cho công ty, vừa ấp ủ sản phẩm cho mình. Sản phẩm đạt kết quả vượt xa kỳ vọng của Năm là bộ bàn ghế ăn mà cô thiết kế tặng riêng cho gia đình mình.
"Ở nông thôn thường ngồi ăn dưới chiếu, những ngày lễ Tết sẽ khá bất tiện. Vì vậy, tôi thiết kế bộ bàn ghế có công năng mở rộng, kết hợp bếp từ để có thể ăn lẩu. Nhưng đây cũng là một thử thách, vì bàn ghế ăn trên thị trường đã có rất nhiều. Có lẽ vì thế nên khi thầy cô biết được tâm huyết của tôi, đã đánh giá rất cao. Tôi thường chọn làm những gì thiết thực với cuộc sống hàng ngày, đến từ trăn trở của bản thân chứ không phải tô vẽ nên từ những thứ xa vời. Đây cũng là một bí quyết cho các bạn làm đồ án tốt nghiệp, nên chọn những sản phẩm cần thiết và gần gũi với đời sống" - Năm bật mí.
Cô Thủ khoa tự cho rằng mình không phải một "mọt sách", cô tham gia rất nhiều hoạt động như tình nguyện viên chương trình Hanoi March Connerting, Ngày hội Phụ nữ là để yêu thương, chuỗi sự kiện Vì một thế giới không rác thải và các hoạt động dạy vẽ cho trẻ em hay hiến máu tình nguyện...
Tác giả: Thủy Tiên – Quang Trường
Nguồn tin: doisongphapluat.com