Giáo dục

Nữ sinh tự tử vì lộ ảnh với bạn trai trên mạng và những cảnh báo

Sau khi bức ảnh nhạy cảm của nữ sinh 13 tuổi với bạn trai bị phát tán trong cộng đồng học sinh, cô bé Hope Witsell ở Mỹ trở thành đối tượng bị bắt nạt và sỉ nhục.

Ở tuổi 13, Hope Witsell phải vật lộn với cuộc sống ở trường trung học. Nguyên nhân không phải đến từ bài vở tại trường THCS Shields tại thành phố Ruskin, bang Florida, Mỹ. Tất cả xuất phát từ việc cô bé bị bắt nạt.

Kyla Stich, bạn của Hope, tiết lộ với CNN rằng nhiều học sinh đã dùng những từ ngữ thô tục để gọi Hope. Cô bé luôn phải đón nhận thái độ và hành động ác ý từ những người xung quanh.

"Chúng cháu phải tạo ra một hàng rào bảo vệ quanh Hope. Bạn ý phải ở giữa bởi mọi người có thể đến và cố gắng đánh, đẩy bạn ý hoặc làm một điều gì đó không thân thiện. Hope sợ đi bộ một mình, sợ ai đó có hành động ác ý. Vì vậy, luôn có người ở bên bạn ý", Lexi Leber, một người bạn khác, chia sẻ.

Hope qua đời ở tuổi 13 vì không thể chịu áp lực. Ảnh: CBS News.

Bức ảnh oan nghiệt và sự ra đi của cô gái

Bi kịch bắt đầu vào mùa xuân năm 2009, trong tuần cuối cùng của năm học. Tấm ảnh thân mật của Hope với bạn trai lan truyền rộng rãi trong cộng đồng học sinh, bao gồm trường của em và 6 ngôi trường khác trong khu vực.

Khi đó, nhà trường đã trao đổi phụ huynh về vấn đề này. Donna Witsell, mẹ của Hope, cho biết: "Vợ chồng chúng tôi đã đến gặp trợ lý hiệu trưởng. Người này cho hay ông chưa nhìn thấy bức ảnh song nghe nói nó là của Hope. Khi Hope đến, con bé không phủ nhận".

Tấm hình đó khiến nữ sinh trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt trong độ tuổi 11-13. Thực tế, Hope là cô bé rất ý thức về những gì thể hiện nơi công cộng, cũng như hình ảnh chia sẻ trên mạng. Mẹ của em thông tin bà đã cảnh báo con gái về mặt tối của công nghệ và chuyện xảy ra với hình ảnh nhạy cảm của thanh thiếu niên.

Hope giấu chuyện mình bị bắt nạt với cha mẹ ngay cả khi em luôn nhìn thấy những câu nói khủng khiếp về mình trên mạng xã hội. Những kẻ bắt nạt gọi em bằng những biệt danh thiếu đứng đắn và cô bé chìm trong im lặng.

Kỳ nghỉ hè đến, mọi chuyện tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, khi năm học mới bắt đầu, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn.

Ngày 12/9/2009, mọi biểu hiện của Hope vẫn như bình thường. Cô bé giúp cha cắt cỏ. Gia đình em quây quần với một bữa hải sản đặc biệt. Sau đó, nữ sinh 13 tuổi lên phòng ngủ trên gác mái trong khi bố mẹ xem tivi dưới nhà.

Donna sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc bà lên phòng chúc con gái ngủ ngon.

"Tôi đi lên lầu, vào phòng con bé để hôn nó trước khi đi ngủ. Đó chính là lúc tôi phát hiện sự việc. Tôi thất thanh gọi chồng và bắt đầu sơ cứu cho con bé", phụ nữ này nhớ lại.

Nhưng tất cả đã quá muộn, Hope đã ra đi. Cô bé sử dụng chiếc khăn mình thích nhất để treo cổ.

Sau khi Hope qua đời, mẹ của em mới biết con gái mình đã đến gặp nhân viên xã hội của trường. Một người phát ngôn của trường cho biết nhân viên xã hội đã lo lắng Hope có thể cố gắng làm tổn thương bản thân nên yêu cầu em ký vào cam kết không gây hại. Văn bản đó yêu cầu Hope nói chuyện với người lớn nếu cô bé muốn tự làm hại mình.

Donna cho hay Hope chưa bao giờ nói về bản cam kết. Bà chỉ nhìn thấy tờ giấy đó trong thùng rác sau khi cô bé qua đời.

Nhà trường cho biết họ tin nhân viên xã hội đã cố gắng gọi cho phụ huynh học sinh để cảnh báo song không chắc phụ nữ này có để lại lời nhắn hay không. Tuy nhiên, Donna cho rằng trường cố gắng chối trách nhiệm và chưa hề nhận bất cứ cuộc gọi nào.

Những ngày sau khi Hope qua đời, Samantha Beattie, chị họ của em, phát hiện tình trạng bắt nạt vẫn tiếp diễn. Ngay cả khi đã sang một thế giới khác, Hope vẫn không thể thoát khỏi nó.

Samatha cho hay trên tài khoản MySpace và Facebook của Hope, những kẻ bắt nạt vẫn không chịu buông tha và để lại những bình luận ác ý như: "Hope thực sự đã tự tử?", "Tôi không thể tin con đó lại làm như vậy".

"Đó là những điều ghê tởm mà cháu không bao giờ hy vọng đến từ một đứa trẻ 12-13 tuổi”, Samantha nhấn mạnh.

Thực tế, trường hợp của Hope không phải là duy nhất. Tháng 2/2010, tại Ấn Độ, một nữ sinh 17 tuổi và người yêu 27 tuổi đã làm điều dại dột sau khi video ghi lại cảnh cô gái hôn một bạn trai cùng lớp bị phát tán trên mạng.

Video được quay lại bởi một học sinh khác bằng điện thoại di động và lưu hành dưới dạng tin nhắn MMS.

Trước đó, năm 2008, tại Mỹ, Jessica Logan, 18 tuổi, tự tử sau khi bạn trai cũ phát tán những tin nhắn nhạy cảm mà cô đã gửi cho anh.

Những vụ việc như vậy khiến dư luận dấy lên phẫn nộ và tiếp lửa cho tranh cãi về quyền cá nhân và sự tự do.

Jessica kết thúc cuộc đời ở tuổi 18 sau khi bị bạn trai phát tán tin nhắn nhạy cảm. Ảnh: Facebook.

Cần giáo dục giới trẻ về mạng xã hội

Các chuyên gia tâm lý cho biết bẽ bàng đi đôi với những thứ mang tính chất nhạy cảm có thể là một sự pha trộn đặc biệt chết người, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Warren J. Blumenfeld, phó giáo sư tại Đại học Iowa (Mỹ), cho hay những thanh thiếu niên vướng phải tình trạng bị bắt nạt hoặc bị nhục mạ phải đối mặt nguy cơ trầm cảm, rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý và có ý định hoặc cố gắng tự tử.

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, một người có ý định tự tử thường xuất hiện những biểu hiện như nói về cái chết, sự biến mất hoặc những thứ tương tự. Đó có thể là người vừa trải qua mất mát gần đây như chia tay, ly thân hoặc ly hôn. Bên cạnh đó, họ cũng có những thay đổi tiêu cực về tính cách, hành vi, thói quen ăn uống, nhịp sinh học hay mất kiểm soát bản thân.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), tự tử là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, thường liên quan hội chứng trầm cảm.

Nó là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai ở Mỹ đối với nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 12 đến 18.
Đặc biệt, họ cảm thấy thiếu tự tin, vô dụng, xấu hổ, tự ghét chính mình, nghĩ rằng mọi người sẽ tốt hơn nếu không có mình, không còn hy vọng về tương lai và tin rằng mọi thứ chẳng bao giờ có thể tốt lên.

Đối với thanh thiếu niên, phụ huynh và nhà trường là hai yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn tự tử bởi phần lớn thời gian của những đối tượng này dành cho học tập hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa. Do đó, các nhà giáo dục có thể phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm hoặc những thay đổi trong hành vi của trẻ.

Hiệp hội các nhà tâm lý trường học Mỹ (NASP) khuyên khi gặp những trường hợp này, phụ huynh và thầy cô nên bình tĩnh, đừng phát xét, trấn an và không để người đó một mình.

Khi xử lý, nên tập trung vấn đề quan ngại nhất. Người lớn có thể hỏi trực tiếp liệu trẻ có đang nghĩ đến tự tử không và loại bỏ những phương tiện có thể khiến trẻ tự làm hại bản thân.

Orin S. Kerr, giáo sư tại Đại học George Washington (Mỹ), nhận định vấn đề tự hại bản thân trở nên trầm trọng và khó kiểm soát hơn trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, khi con người mải mê bày tỏ suy nghĩ và chia sẻ những khoảnh khắc.

"Họ hy sinh sự riêng tư của mình để kết nối và ít quan tâm về quyền riêng tư của những người khác", ông chia sẻ.

Thậm chí, thanh thiếu niên nghĩ rằng họ làm điều đó là chính đáng. Người đàn ông này cho rằng xâm phạm đời tư của một ai đó có thể gây ra những nỗi đau lớn và hành động đó cần bị trừng phạt.

Đó cũng là lý do tại sao Daniel J. Solove, tác giả của cuốn sách “Tương lai của danh tiếng: Chuyện ngồi lê đôi mách, tin đồn và sự riêng tư trên mạng”, nói rằng xã hội cần phải giáo dục mọi người về mạng xã hội.

“Chúng ta dạy mọi người về những hậu quả như lái xe không an toàn nhưng không dạy về những gì chúng ta làm trên mạng có thể gây hậu quả nghiêm trọng”, ông nói.

Tác giả: Kim Ngân

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok