Ngày 25/1, chị Ngô Thị Thúy Vân (Ba Đình, Hà Nội) gửi đơn thư kêu cứu tới cơ quan báo chí về trường hợp của con gái chị là cháu P.M.N (SN 2000), sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam bị điện giật và chứng kiến bạn bị điện giật đến tử vong dẫn đến hoảng loạn tinh thần, stress cấp khi đang học quân sự tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Quân khu 2 (Vĩnh Phúc).
Đơn thư gửi cơ quan báo chí của chị Ngô Thị Thúy Vân. |
Trong đơn thư, chị Vân cho biết, vụ điện giật tại nhà tắm của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Quân khu 2 - Thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra ngày 8/1/2019 đã khiến 1 sinh viên bị tử vong, 1 sinh viên khác bị thương nặng và cháu P.M.N– con gái chị Vân bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng. “Cháu vừa là nạn nhân, vừa là nhân chứng. Con gái tôi cũng có mặt trong nhà tắm lúc đó, cháu cũng bị điện giật cánh tay phải khi đang đẩy cửa nhà tắm lúc đó. Cháu chứng kiến 2 bạn bị điện giật hút vào nhau, cùng ngã đổ vỡ cửa phòng tắm lúc đó. Cháu N. đã lao vào cứu bạn thì tay va vào cửa và cũng bị điện giật tê cứng. Cháu hoảng hốt hô hoán các bạn xung quanh để kịp cứu các bạn kia”.
Theo chị Vân, việc tận mắt chứng kiến 2 bạn cùng lớp bị điện giật, một người chết và một nguy kịch đã khiến cháu N. bị sang chấn tâm lý, hoảng loạn, sợ hãi. “Con tôi liên tục gào khóc, sợ hãi, ăn cơm hay uống nước cũng đều dùng bút thử điện để thử. Cháu bị ám ảnh đến mức phải nhập viện điều trị tại Khoa Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai và sau đó là bệnh viện Vinmec".
Tuy nhiên, trong lúc sinh viên này đang bị hoảng loạn nghiêm trọng, phía Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An Ninh Quân khu 2 đã liên tục lấy lời khai, bắt cháu N. diễn lại và viết bản tường trình về sự việc. “Tôi đã có mặt kịp thời để ngăn việc bắt con tôi ra hiện trường để diễn lại mọi việc vì điều này khiến con gái tôi một lần nữa phải chịu tổn thương”, chị Vân bức xúc.
Phiếu khám bệnh của Bệnh viện Vinmec nêu rõ bệnh nhân P.M.N trong trạng thái sợ hãi, khóc lóc, lo lắng vì bị điện giật. Tư duy ám ảnh về chuyện bị điện giật. Hành vi: đi đâu cũng cầm theo bút thử điện, rối loạn giấc ngủ. Chẩn đoán sơ bộ P.M.N bị phản ứng với stress cấp. Bệnh viện cũng yêu cầu phụ huynh không được cho trẻ quay lại nơi xảy ra tai nạn.
|
Chị Vân cho biết, ngay sau đó, gia đình đã thông báo lại sự việc với Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An Ninh Quân khu 2. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, Học viện thanh thiếu niên Việt Nam và phía bên Trung tâm vẫn chưa hề có bất cứ sự động viên, thăm hỏi nào với con gái tôi. Đặc biệt, đến nay, con gái tôi phải chịu thêm tội oan là nghỉ học không phép, tự ý nghỉ học, vô kỷ luật khi cháu còn đang phải điều trị tại khoa tâm thần”.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam thừa nhận có việc 2 sinh viên bị thương vong do điện giật lúc tắm khi học quân sự tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Quân khu 2. Tuy nhiên, Học viện không hề hay biết về việc sinh viên P.M.N cũng bị điện giật và hiện đang phải điều trị tâm lý. “Chúng tôi chỉ biết việc gia đình xin cho cháu nghỉ, còn chuyện cháu cũng bị điện giật và bị sang chấn tâm lý thì Học viện không nhận được báo cáo. Nếu biết, chúng tôi tất nhiên sẽ có sự thăm hỏi với cháu để động viên”.
Giám đốc Học viện cũng nói thêm rằng, theo quy định của quân đội, nếu nghỉ học, sinh viên phải báo cáo lý do. Ngay cả khi có lý do chính đáng, nhưng không đủ số buổi học thì sinh viên vẫn phải học lại theo đúng quy định.
Giám đốc Học viện cho hay, sau khi xảy ra sự việc đã phối hợp với Trung tâm để trấn an tâm lý, động viên tinh thần sinh viên.
Tuy nhiên, khi hỏi về việc Học viện đã có sự can thiệp ra sao để đảm bảo an toàn cho sinh viên trước tai nạn nghiêm trọng dẫn đến thương vong về người, ông Đăng cho biết đã “đưa các cháu sang sử dụng phòng tắm khác ở bên cạnh thay vì sử dụng phòng tắm đã xảy ra tai nạn và động viên tinh thần các cháu”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn tin: Báo VOV