Giáo dục

Nữ sinh nổi loạn giành vé vào 8 đại học Mỹ

Sở hữu ngoại hình nhỏ nhắn và nữ tính, nhưng cô gái Nguyễn Bích Thủy, lớp 12 chuyên Pháp, THPT Chuyên ngữ (ĐHQG Hà Nội) tự nhận mình có chút “nổi loạn” và “khác người”.

8 trường, 7 học bổng

20160606151514 thuy1
Nguyễn Bích Thủy - học sinh lớp 12 Chuyên Pháp, THPT Chuyên ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Thủy cho biết mình bắt đầu có ý định xin học bổng Mỹ từ hè năm lớp 10 – khá muộn so với bạn bè. Không đầu tư nhiều thời gian như nhiều bạn, cộng với “gia đình không có nhiều điều kiện nên em chỉ thi SAT một lần”, tuy nhiên kết quả mà Thủy đạt được thực sự gây ấn tượng.

8/12 trường ĐH của Mỹ đồng ý nhận, trong đó 7 trường trao cho Thủy mức học bổng từ 20.000 USD/ năm tới 42.000 USD/ năm.

Nói về kinh nghiệm ôn luyện để đạt được điểm SAT 2270 và TOEFL 108/120, Bích Thủy đúc kết bằng một từ : “tự học”. Thủy cho rằng mình hợp với phương pháp tự học hơn vì vừa không mất thời gian đi lại, vừa không tốn kém, và quan trọng nhất là đi học thêm khiến những kiến thức mà mình nhận được thường “thụ động”.

“Cô giáo đưa ra kiến thức nào thì mình nhận kiến thức đó. Nếu tự học, mình sẽ học phần kiến thức mà mình thấy hứng thú, từ đó mang lại hiệu quả hơn” – nữ sinh Chuyên ngữ chia sẻ.

Với các môn ngoại ngữ, Thủy cho rằng “học gì cũng cần phải có đam mê”. Vì thực sự yêu thích ngôn ngữ, đam mê văn hóa nên em xem phim, nghe nhạc Mỹ rất nhiều, “dần dần nó thấm vào người”. Có niềm đam mê với ngôn ngữ, cô gái 18 tuổi này tiết lộ vẫn muốn học thêm những ngoại ngữ khác để hiểu biết thêm về nhiều nền văn hóa.

Hoạt động ngoại khóa là yếu tố không thể thiếu trong hồ sơ của cô gái trúng tuyển 8 trường đại học này. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Thủy, nếu các bạn muốn gây ấn tượng với trường, hoạt động ngoại khóa nên “tập trung”. Tập trung ở đây nghĩa là không dàn trải mỗi hoạt động một tí nhưng không sâu. “Ví dụ như em thích nghệ thuật thì những hoạt động ngoại khóa của em sẽ hướng vào các hoạt động có yếu tố nghệ thuật”.

20160606151514 thuy2
Bích Thủy chụp ảnh kỷ yếu cùng các bạn lớp 12 chuyên Pháp
Thủy từng tham gia chương trình “Trả lại tác phẩm cho học sinh” – một cách học Văn mới mẻ của trường Chuyên ngữ qua việc chuyển thể các tác phẩm văn học thành những vở kịch, bài hát, màn trình diễn thời trang…

Trong chương trình này, em đảm nhận vị trí Đạo diễn sân khấu – một công việc đòi hỏi gu thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật. Hay một hoạt động khác là AIESEC – Dash for Impact – một cuộc thi lên ý tưởng về một dự án. Nếu thuyết phục được các nhà đầu tư, dự án sẽ được rót ngân sách để thực hiện. Với ý tưởng tăng nhận thức của mọi người về vấn đề “stress”, trầm cảm ở học sinh, sinh viên Việt Nam, nhóm Thủy được lọt vào top 14 chung cuộc.

Cô gái nổi loạn

Lý do nhóm Thủy chọn đề tài này là do nhận thức được rằng ở Việt Nam, tâm lý của học sinh rất ít được coi trọng và bố mẹ đang tạo quá nhiều áp lực cho con cái. Thậm chí, bản thân em cũng từng trải qua những quãng thời gian căng thẳng và áp lực vì học hành, công việc, thi cử… “Bố mẹ lúc nào cũng nhìn điểm toán. Có 13 môn dù tất cả các môn kia tốt mà toán thấp thì vẫn bị nói. Phụ huynh Việt Nam luôn đặt các môn tự nhiên lên hàng đầu” – Thủy chia sẻ về những quan điểm đôi khi gây ra tranh cãi với bố mẹ.

Đó cũng là chủ đề mà em tập trung trong bài luận. “Em nói về xã hội Việt Nam. Mọi người quá là giống nhau, quá là khuôn đúc. Bố mẹ thì lúc nào cũng muốn mình giống những người khác. Câu chuyện mà em kể trong bài luận của mình khá khác biệt. Qua câu chuyện này em muốn nói tới việc tại sao mọi người lại phải giống nhau, tại sao mỗi người lại không phải là một sự khác biệt, tại sao lại nhìn bề ngoài để đánh giá một con người”.

Bích Thủy cười sảng khoái khi được hỏi về sự giúp đỡ của bố mẹ trong quá trình học tập và xin học bổng: “Chủ yếu gây áp lực là chính chị ạ! Bố mẹ ép học nhiều và không nghĩ các hoạt động ngoại khóa là quan trọng. Nhiều khi em phải giấu để tham gia vì em đam mê và thậm chí em học được từ đó nhiều hơn là qua sách vở”.

20160606151514 thuy3
Thủy tự thấy mình là một cô gái có phần “nổi loạn”

Tuy nhiên, Thủy khẳng định em chưa bao giờ ước rằng mình không phải học trường chuyên, và áp lực của bố mẹ tạo ra đôi khi cũng có nhiều cái lợi.

“Nó giúp em tăng khả năng chịu áp lực và bây giờ nếu phải chịu những áp lực khác bên ngoài thì chắc em cũng không còn sợ nữa. Còn vào trường chuyên là để phục vụ mục đích đi du học của em. Đó là ước mơ của em và môi trường như thế này mới tạo động lực để em cố gắng, tránh những thứ phù phiếm mà các bạn trẻ khác hay sa vào như quá chăm chút ngoại hình, chơi bời, bạn trai bạn gái…” – cô gái con một khẳng định.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok