Người lớn đang dần xa cách trẻ
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các khoa học Giáo dục (trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), chúng ta đã thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến giáo dục giới tính nhưng trên thực tế, chỉ triển khai cho có, cho qua công tác kiểm đếm.
"Người thực hiện các công tác giáo dục giới tính chỉ có kiến thức sách vở mà không có kỹ năng thực tiễn, không hiểu tâm lý lứa tuổi của học sinh thì chất lượng giáo dục không thể đảm bảo.
Vì vậy, tôi lo ngại chúng ta sẽ còn chứng kiến những vụ việc như thế này nữa", PGS Trần Thành Nam khẳng định.
Ở một góc nhìn khác, PGS Thành Nam đặt câu hỏi: "Liệu có phải người lớn (cha mẹ, thầy cô) đang dần trở nên xa cách, kém nhạy cảm, không hiểu và thiếu cảm thông với những đứa trẻ?
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các khoa học Giáo dục (trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội). |
Liệu khoảng cách tâm lý giữa con cái với cha mẹ, giữa học trò với thầy cô đang ngày càng xa đến mức cha mẹ và giáo viên không phát hiện được những thay đổi trong cuộc sống của việc một đứa trẻ mang thai và lâm bồn trong một thời gian dài?
Phải chăng lòng tin của những đứa trẻ với cha mẹ và thầy cô đã bị xói mòn đến mức đứa trẻ trong những tình huống khủng hoảng, khó khăn như chuyển dạ cũng không dám chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh"?
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, dường như cùng với tốc độ đô thị hóa, con người chúng ta ngày càng ít để tâm đến nhu cầu và giúp đỡ nhau hơn.
Phải chăng cuộc sống đô thị có quá nhiều áp lực khiến một bộ phận người lớn dần hình thành thói quen ích kỷ, chỉ chú ý đến nhu cầu cảm xúc bản thân.
Hội chứng "những cha mẹ vội vã"
PGS Trần Thành Nam cho hay, hiện nay hội chứng "những cha mẹ vội vã" không còn hiếm gặp trong các gia đình.
Có thể đứa trẻ thể hiện nhu cầu muốn chia sẻ nhưng thói quen vội vã, khiến phụ huynh không thấu cảm với những nỗi đau, sự khó xử của con, dẫn đến những phản ứng cáu giận mang tính trách móc và phê bình do cảm thấy bị làm phiền.
Dần dần, những phản ứng không thân thiện đó, sẽ kéo rộng khoảng cách giữa con cái và cha mẹ.
Hiện nữ sinh lớp 7 cùng con gái đã xuất viện về nhà |
"Các em không chia sẻ với cha mẹ những gì mình gặp phải vì tin rằng phụ huynh không quan tâm. Cha mẹ luôn bận rộn và sẽ chẳng có thời gian nghe mình hoặc có nghe, sẽ phản ứng tiêu cực, không thể kiểm soát nổi.
Cha mẹ sẽ không thể giữ bình tĩnh và chẳng bao giờ chịu hiểu những gì mình nói. Cha mẹ sẽ trầm trọng vấn đề hơn và làm sự việc vỡ lở khiến mình sẽ chịu những hậu quả nặng nề hơn nữa.
Và hệ quả, có thể là những sự việc đau lòng mà chúng ta đã thấy, đang thấy và sẽ thấy nếu cha mẹ, người lớn không thay đổi", PGS Trần Thành Nam nói.
PGS Thành Nam cho rằng, những đứa con của chúng ta sẽ trưởng thành lành mạnh nếu cha mẹ thực sự coi con là "sự nghiệp" của mình.
Cha mẹ cần phải dành ra những khoảng thời gian để ở bên con với đầy đủ tâm trí, cảm xúc và sự chú ý chứ không phải là sự gần gũi với một thể xác vô cảm.
Khoảng 3h sáng 3/1, trong lúc đang ở nhà với mẹ ruột và ông bà ngoại, cháu T. bất ngờ chuyển dạ sinh con. Ngay sau đó, T. vào phòng tắm của gia đình rồi một mình hạ sinh ra một bé gái nặng 2,5 kg; tự tay dùng kéo cắt dây rốn.
Nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc, mẹ của T. là chị T.T.Đ. (sinh năm 1992, ngụ xã Đá Bạc) chạy vào kiểm tra thì thấy T. đang ôm đứa bé.
Ngay sau đó chị Đ. cùng mọi người trong gia đình vội vàng đưa cháu T. cùng cháu bé sơ sinh đến Trung tâm Y tế huyện Châu Đức để chăm sóc sức khỏe. Hiện sau thời gian điều trị hậu sản, cháu T. cùng con gái đã được cho xuất viện về nhà.
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn tin: Báo Dân trí