Tại hội thảo Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tổ chức chiều 23/10, Lê Minh Tú (sinh viên năm nhất Đại học Văn Hiến, TP HCM) cho biết đợt xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay cô bị ba trường từ chối cho nhập học.
Lê Minh Tú (phải) kể chuyện thông qua người phiên dịch. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Tú dùng điểm khối A theo học bạ với số điểm khá cao (Toán 8,3; Lý 9; Hóa 7,2) đăng ký vào ngành Tâm lý học và ngành Thiết kế nội thất 4 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Khi đến làm hồ sơ ở trường cao đẳng, bộ phận tuyển sinh trường từ chối khi biết nữ sinh mắc tật câm điếc.
Họ yêu cầu nếu Tú theo học thì phải trả thêm khoản phí cho người phiên dịch trong những năm tới. Vì không đủ điều kiện nên cha con Tú đến trường khác.
Lần này, dù Tú dẫn theo người phiên dịch cô vẫn bị từ chối vì không thể cho người phiên dịch vào trường. Tú rất buồn, tưởng chẳng bao giờ có cơ hội học đại học. Rất may có trường đã chấp nhận cô và việc học hiện khá ổn.
Nhiều sinh viên khuyết tật khác cũng kể về khó khăn, rào cản trong việc tiếp cận học tập, các tiện ích xã hội. Nguyễn Ngọc Hiệp - sinh viên khiếm thị đang học năm cuối ngành Quản lý giáo dục Đại học Sư phạm TP HCM - cho hay đã rất vất vả trên giảng đường.
Các giáo trình do giảng viên biên soạn tuy hữu ích nhưng sinh viên khiếm thị như cô không thể đọc, phải tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc để chuyển đổi tài liệu. "Về đi lại, người khiếm thị không nhìn thấy số xe buýt nên không đón được xe. Có hôm gần đến hết giờ học tôi mới tới được trường do bị lỡ rất nhiều chuyến", Hiệp kể.
Hiện, cả nước có 6 triệu người khuyết tật. Trong đó chỉ 0,1% có bằng đại học, cao đẳng và được chia làm ba nhóm: khuyết tật vận động, khiếm thị và khiếm thính.
Theo ông Lê Hữu Thương, điều phối dự án Tiếp cận giáo dục dành cho sinh viên khuyết tật, sinh viên khiếm thị gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận tài liệu học, khó có thể theo dõi các bải giảng. Họ phải mua thêm các thiết bị như máy ghi âm, máy scan, kính lúp... hoặc người phiên dịch, người hỗ trợ cá nhân với chi phí khá tốn kém.
Ngoài ra, sinh viên khuyết tật còn khó tìm nhà trọ, đặc biệt là người khuyết tật vận động, họ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn để tìm nơi ở.
"Việc miễn giảm học phí cho sinh viên khuyết tật cũng bị hạn chế. Bởi các trường thường yêu cầu các bạn phải thuộc trường hợp khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, kèm theo điều kiện phải thuộc dạng hộ nghèo hay cận nghèo, mới được hưởng chính sách này", ông Thương nói và cho rằng những yêu cầu này bị chồng chéo nhau.
Lê Thị Liên (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) bị bại liệt từ nhỏ. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia xã hội đề xuất cần có thêm chính sách và chương trình hỗ trợ sinh viên khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Trong đó, cần ưu tiên nhóm chính sách hỗ trợ học phí, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất nhằm tạo môi trường học tập, thực hành tốt nhất cho họ.
Tác giả: Mạnh Tùng
Nguồn tin: Báo VnExpress