Số hóa

Nữ game thủ xinh đẹp Trung Quốc đấu tranh vì nữ quyền

Lý Uy, một game thủ Đột Kích chuyên nghiệp 22 tuổi chuyển từ sàn đấu e-sport sang một chiến trường khác đầy rẫy định kiến - xã hội.

Lý Uy là nữ game thủ chuyên nghiệp đầu tiên được lựa chọn vào đội tuyển quốc gia Trung Quốc bộ môn e-sport sánh vai cùng các nam nhân khác giành được nhiều thành tựu tại giải World Cyber Game ba năm về trước.

Lý Uy, nữ game thủ thành công nhất Trung Quốc giờ là "bà bầu" của 2 team game chuyên nghiệp.

Mặc dù gặt hái được nhiều thành công với vị trí là một game thủ chuyên nghiệp của trò chơi Đột Kích, Lý Uy thường phải gánh chịu nhiều định kiến từ mọi phía.

"Sẽ chẳng có ai thèm thi đấu với một người phụ nữ cả", một quản lý trong team từng nói.

"Nhưng kỹ năng của cô ấy rất tốt", một đồng đội bênh vực cho Lý Uy.

"Cô ta chỉ được mỗi cái ngoại hình thôi, rồi cả giải đấu này sẽ thành một trò cười mất", người quản lý đáp trả.

Trên đây là những lời trao đổi mà Lý Uy tình cờ nghe được tại giải WCA 2014 tổ chức tại Ngân Xuyên, thuộc tỉnh Giang Tô, phía tây bắc Trung Quốc. Những lời nói ấy vẫn ám ảnh tâm trí của cô gái bé nhỏ cho tới bây giờ.

Giải đấu WCA 2014 là bước tiến lớn nhất của Lý Uy nhưng cô vẫn chịu nhiều áp lực bởi định kiến.

Bất chấp những thành quả mà cả đội tuyển đã giành được, trong đó có cả công sức của Lý Uy, những người quản lý vẫn không công nhận công sức của cô và ra sức cản trở ý định thi đấu tiếp của cô gái.

Cho tới khi Lý Uy viện dẫn ra được trong điều luật của giải đấu không hề đề cập tới vấn đề giới tính cụ thể của tuyển thủ thi đấu. Cuối cùng, nhà tổ chức giải đã phải nhượng bộ và Lý Uy được cho phép thỏa sức tung hoành, giành được rất nhiều thành tích bất ngờ trong cuộc thi năm ấy.

Đối thủ của Lý Uy lúc ấy là ViVi - một nữ game thủ nổi tiếng của đội tuyển Nhật Bản. Với tai nghe đeo kín, những ngón tay thao tác trên bàn phím và chuột điêu luyện, Lý Uy chiếm giữ vị trí trọng yếu nhất của màn chơi là "Cổng".

Một tuyển thủ khác của đội tuyển Nhật Bản cũng nhận ra tầm quan trọng của vị trí chiến lược trên và ra sức tiến công hòng đoạt được nó từ tay nữ game thủ. Bảy lần anh ta cố gắng tiếp cận vị trí trên và cũng bảy lần Lý Uy hạ gục đối phương bằng khẩu AK47. Kỹ năng tuyệt vời của cô đã mang đến cho đội tuyển Trung Quốc một chiến thắng không thể thuyết phục hơn.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong giải đấu WCA năm ấy của Lý Uy là lúc tuyển thủ người Nhật kia chạy đến bắt tay cô khi trận đấu tàn cuộc.

"Anh ấy muốn làm quen với tôi", cô nói.

Bị vây quanh trong một môi trường đậm chất nam tính, thì đây là lần đầu tiên Lý Uy được thừa nhận và ngưỡng mộ bởi một nam đối thủ khác. Tuy nhiên, mọi chuyện lại không được suôn sẻ như vậy ở những giải đấu khác.

"Sau sự kiện WCA năm ấy, tôi có tham dự thêm nhiều giải đấu khác và luôn cảm nhận rằng có rất nhiều người kì thị nữ game thủ như tôi, cá biệt hơn, có lúc chỉ có mình tôi là nữ nhi trong một giải đấu nên tất cả mọi định kiến đều đổ dồn vào mình", Lý Uy kể lại.

Cuối cùng, vì không chịu nổi áp lực và định kiến từ mọi phía nên Lý Uy đã quyết định rời khỏi đấu trường e-sports chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tình yêu của cô với thể thao điện tử vẫn không hề giảm đi, Lý Uy mong muốn tự sở hữu và trở thành "bà bầu" một đội tuyển game thủ chuyên nghiệp.

Cô sử dụng nguồn vốn tích lũy được lúc ở trong đấu trường chuyên nghiệp cùng với sự trợ giúp từ bạn bè và người thân. Lý Uy đã tập hợp tất cả các game thủ chuyên nghiệp từ nam cho đến nữ về hoạt động cho mình lấy tên ViVi. Hoạt động của nhóm chủ yếu tập trung vào livestream trình diễn kỹ năng cho khán giả Trung Quốc và tham gia thi đấu chuyên nghiệp.

Nữ game thủ và streamer ngày càng gia tăng theo số lượng và chất lượng.

"Chỉ với bao nhiêu nữ game thủ như thế này vẫn chưa đủ. Nữ nhân chúng ta sẽ không còn bị phớt lờ nếu hành động theo số đông", Lý Uy tuyên bố.

Hình thức livestream đang được cộng đồng mạng đón nhận và có rất nhiều game thủ trong đội kiếm được tiền từ sự ủng hộ của người hâm mộ, nhưng như vậy vẫn chưa đủ, Lý Uy vẫn luôn xoay xở thu hút thêm các nhà đầu tư có tiềm lực.

"Trong team tôi có rất nhiều game thủ trẻ trung và năng động nên họ nhanh chóng xây dựng được một lực lượng fan hùng hậu. Một game thủ như vậy có thể kiếm được 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng", Lý Uy nói.

Mặc dù đóng góp rất nhiều cho nền thể dục thể thao của Trung Quốc nói chung và thế giới nói riêng, tình trạng phân biệt nam nữ vẫn còn tồn tại rất nhiều. Một giảng viên tại Trường cao đẳng quốc tế eSports ở Nam Kinh cho rằng các game thủ chuyên nghiệp nữ thường không thích hợp cho môi trường thi đấu chuyên nghiệp vì họ "sống cảm tính" và "dễ dàng dao động"

"Họ không tài nào hiểu được tinh thần của thể thao điện tử", vị giảng viên nhận xét.

Khi được hỏi về Lý Uy, vị giảng viên trả lời: "Cô ấy có kỹ năng tốt và luôn cố gắng khẳng định bản thân trên đấu trường e-sports". Tuy nhiên, điều làm cho các game thủ nữ bị kỳ thị trong các giải đấu quy mô lớn không phải vì bản chất giới tính mà là vì "cách thể hiện" của họ.

"Nếu họ có kỹ năng tốt thì không sao cả. Nhưng thật ra có rất nhiều nữ game thủ chỉ chăm lo cho vẻ ngoài hay tham gia đấu trường chuyên nghiệp chỉ vì danh tiếng. Đó là lý do chúng tôi rất ghét đối đầu với những đối thủ như vậy", anh ta trả lời.

Vẫn còn rất nhiều nữ game thủ chuyên nghiệp phải gánh chịu nhiều loại định kiến.

Ngoài Lý Uy, rất nhiều nữ game thủ chuyên nghiệp tài giỏi khác cũng phải gánh chịu nhiều định kiến xã hội. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC vào năm ngoái, tuyển thủ 5 lần vô địch thế giới bộ môn Counter-Strike Stephanie Harvey cho hay bất chấp thành tích đáng tự hào của mình, cô vẫn là mục tiêu của mọi hành vi quấy rối.

"Tôi bị một vài fan cuồng chỉ trích về việc sử dụng nhan sắc để vào thi đấu chuyên nghiệp và họ thường có những lời nói khiếm nhã, xúc phạm thân thể tôi", cô chia sẻ.

"Sinh ra là một phụ nữ, kỹ năng thi đấu của bản thân chưa bao giờ được mọi người chú trọng. Mọi người có xu hướng ghét bỏ nữ game thủ dễ dàng hơn một nam game thủ", Tang "Eloise" Haiyun, nữ game thủ Trung Quốc chia sẻ trên Sina.

Tác giả: Anh Thi

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: game , Nữ quyền , Nữ game thủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok