► Gặp lại những công nhân thoát chết vụ sập hầm Đạ Dâng
Trở về sau tai nạn sập hầm thủy điện, chị Ngọc xin làm công nhân cho một công ty gần nhà.
82 giờ sinh tử
Sau gần 2 năm kể từ ngày được cứu sống trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), chị Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, ngụ xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) hiện là công nhân một công ty may ở xứ Nghệ.
Luôn nở nụ cười, chị tâm sự, sau lần “chết hụt”, cả hai vợ chồng quyết định về quê. Khi đã ổn định tâm lý, chị xin làm công nhân cho một công ty may gần nhà, còn người chồng vì mưu sinh vẫn tiếp tục đi làm công trình.
Quá khứ đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhớ lại ngày kinh hoàng, chị Ngọc vẫn rùng mình. Theo lời kể của chị, chiều ngày 16/12/2014, sau khi làm xong bữa cơm tối cho anh em công nhân, chị đưa cơm vào công trường đang thi công hầm thủy điện. Trên quãng đường đi dài 3km, người phụ nữ này đã dự cảm được những điều khác lạ.
“Tôi thấy thóc rơi vãi rất nhiều, nhưng nghĩ bụng có lẽ người ta bẫy chim rừng nên tiếp tục đi. Dù vậy, lòng tôi vẫn thấy nôn nao, lo lắng chuyện xấu sắp xảy ra”, chị kể.
Khoảng 30 phút sau, người phụ nữ trẻ bất ngờ nghe một tiếng ầm, đèn tắt ngấm. Sau đó là tiếng hô to: “Sập hầm rồi”. Ai nấy đều hoảng loạn.
Chị Ngọc nhớ lại: “Tôi sợ quá, đứng chôn chân. Khi nghe được một số người bảo không sao, có thuổng đào sẽ ra được, tôi bắt đầu trấn tĩnh. Nhưng sau khi mấy người lần lượt thử đào đều thất bại, nỗi sợ hãi trong tôi càng lớn dần”.
Đưa cháo và dưỡng khí qua đường ống vào hầm cho các nạn nhân
Không lâu sau, trong căn hầm tối om không chút ánh sáng, một giọng nam nói to: “Mọi người bình tĩnh”. Sau đó 12 con người dường như đang xích lại gần, tự trấn an nhau bình tĩnh.
“Thật sự lúc đó tôi rất hoang mang, lo sợ. Trong đầu cứ ám ảnh suy nghĩ “mình còn trẻ, còn chồng con, lẽ nào lại bị chết vùi nơi đây”, chị Ngọc hồi tưởng.
Sau nhiều giờ bị mắc kẹt, chị Ngọc và các nạn nhân khác nhận được sữa qua đường ống của lực lượng cứu hộ đưa vào. Cũng từ đó họ mới mong manh tia hi vọng được giải cứu. Bên ngoài, mọi người nói chuyện vào qua đường ống, chị cũng được ưu tiên tâm sự với chồng.
“Lúc đó, vợ chồng chỉ biết cố trấn an nhau bình tĩnh, chứ không biết nói gì nhiều. Vì không muốn con trai hoảng hốt, tôi cố dặn chồng gọi điện về thông báo cho bố mẹ, giấu đừng cho đứa con 5 tuổi biết chuyện”, chị Ngọc xúc động nhắc đến con trai.
Sau hơn 3 ngày chờ đợi, điện trong hầm đã được bật sáng. Nhưng khi niềm vui của các nạn nhân chưa kịp vỡ òa thì lại xảy ra sự cố khác, nước trong hầm bắt đầu dâng cao bởi lượng nước từ trên mái hầm cộng với nước từ mạch ngầm chảy ra. Tia hi vọng dần vụt tắt. Trong cơn hoảng loạn, mọi người vẫn cố an ủi, sưởi ấm, dựa vào nhau để sinh tồn.
Chị Ngọc cho hay, để duy trì sự sống, hàng ngày mọi người thay nhau, mỗi lần 2 người lội nước gần 90m lại đường ống để lấy sữa, bánh, trà gừng từ bên ngoài chuyển vào. Nhờ nguồn lương thực tạm thời đó đã giúp các nạn nhân có sức khỏe để cầm cự, chờ đợi lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ.
“Trong khoảnh khắc sinh tử đó, tôi nhớ con trai 5 tuổi da diết, chỉ muốn nghe tiếng khóc, tiếng gọi của con”, chị kể.
Trước hôm đi vào công trường, cậu con trai nài nỉ mẹ ở nhà thêm một ngày nữa, nhưng vì công việc, chị đã từ chối. Đến khi nằm trong hầm sập đếm từng giây phút trôi qua, chị không ngừng hối hận, sợ không còn cơ hội gặp lại con.
Nhưng có lẽ cũng chính đứa con đã tiếp thêm sức mạnh cho người phụ nữ cố gắng chống chọi với cái đói, cái lạnh, sự sợ hãi.
Sau 82 giờ giành giật sự sống trong thời khắc đối mặt với tử thần, chị và 11 nạn nhân đã được cứu sống nhờ sự ứng cứu kịp thời của lực lượng chức năng. Trở về trong vòng tay chồng và anh em đồng nghiệp, chị Ngọc bật khóc.
Mỗi ngày được sống đều quý giá
Chị Ngọc cho biết, sau khi chị từ “cõi chết trở về”, Công ty CP Sông Đà 505 hứa sẽ bố trí cho chị một công việc phù hợp, nhưng chị khước từ. Với chị, một lần bị chôn vùi trong hầm đã là quá đủ đối với sức chịu đựng của người phụ nữ. Hơn nữa, sau lần “chết hụt”, chị chỉ muốn được sống gần gia đình.
Ngày được đoàn tụ cùng gia đình, chị ôm chầm lấy đứa con nhỏ mà khóc nức nở. Người mẹ trẻ hạnh phúc gặp lại con mà cứ ngỡ như mơ.
Khoảnh khắc giải cứu thành công
Buổi đoàn tụ hôm đó, gia đình chồng chị đã làm mấy mâm cơm mừng con dâu sống sót trở về. Bà con lối xóm tập trung đông trước nhà để chia sẻ niềm vui với gia đình. Nhiều người còn ôm chầm lấy vợ chồng chị mà khóc nức nở vì sự sống sót kỳ diệu.
Sau thời gian nghỉ ngơi, vì muốn kiếm tiền nuôi con và phụng dưỡng bố mẹ chồng, chị Ngọc đã làm hồ sơ xin làm công nhân may mặc cho một công ty ở gần nhà. Điều may mắn là chị được lãnh đạo và mọi người trong công ty này tạo điều kiện giúp đỡ.
Chị Ngọc tâm sự, làm công nhân may mặc lương thấp hơn nhiều lần so với đi làm công nhân xây dựng công trình thủy điện, nhưng chị không còn nghĩ đến việc xin trở lại công trường vì sức khỏe, vì những rủi ro. Giờ đây, chị bằng lòng với cuộc sống hàng ngày chị đi làm ở công ty, tối về được gần con và có điều kiện chăm sóc bố mẹ chồng.
“Tôi tự ý thức rằng mình cần phải bù đắp cho con nhiều hơn. Chỉ khi cận kề cái chết, mới biết mình quý nhất cái gì”, chị ngậm ngùi.
Trải qua thời khắc sinh tử, thấm thía nỗi sợ hãi khi phải chia xa người thân, chia xa đứa con bé bỏng, chị càng thấy quý giá hơn cuộc sống của mình và khoảng thời gian gần gũi dành cho gia đình.
Với chị, ngày trở về quê hương được mọi người quan tâm, sẻ chia, chính quyền địa phương an ủi là nguồn động viên lớn để nỗ lực sống tiếp.
Ký ức gần 4 ngày sống trong hầm thủy điện vẫn đeo bám lấy người mẹ trẻ. “Nhiều đêm ôm con ngủ, tôi lại mơ thấy khoảnh khắc mình bị mắc kẹt trong hầm và mãi mãi không ra được. Giật mình tỉnh giấc, mồ hôi vã ra.
Hay nhiều đêm trời mưa, nghe tiếng nước rí rách, tôi lại thấy lạnh cả xương sống, cứ tưởng mình đang nằm dưới hầm sâu trong lòng đất”, chị Ngọc kể về những ám ảnh từ khi thoát khỏi hầm thủy điện.
Gia đình chị Ngọc là trường hợp đặc biệt bởi có đến 3 người cùng làm trong công trình hầm thủy điện khi xảy ra tai nạn, là vợ chồng chị Ngọc và người em trai chồng.
Nhớ lại ngày định mệnh thắt lòng mong ngóng tin về 3 người con, bà Hoàng Thị Bình (mẹ chồng chị Ngọc) tâm sự, mỗi lần nhớ đến là lòng bà lại quặn đau.
“May mắn con trai và con dâu tôi mới giữ được tính mạng. Giờ chúng tôi chẳng mong giàu sang, chỉ cần vợ chồng Ngọc luôn thương yêu nhau, có một công việc ổn định để sinh sống là hạnh phúc rồi”, bà Bình bộc bạch.
Bà cũng cho hay, dù gia cảnh còn thiếu trước hụt sau nhưng cứ đến ngày kỷ niệm các con được cứu thoát, bà đều làm vài mâm cơm mời xóm làng. “Trước gia đình tạ ơn trên, sau để được nghe một lần nữa lời chúc mừng của xóm làng. Chúc mừng nghĩa là các con còn sống với mình”, người mẹ nói.
Còn với chị Ngọc, chị luôn tự nhủ mỗi ngày được sống bây giờ là may mắn quá lớn và nhờ ơn của nhiều người. Chị và chồng đã tự hứa phải sống tốt và phải nhớ ân tình.
Chị Ngọc khi xuất viện
“Tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người, đặc biệt là các cán bộ, lính cứu hộ đã cho mình sinh ra lần thứ hai. Lúc chúng tôi ở trong hầm thì phía ngoài mọi người từng giây từng phút nỗ lực tìm kiếm”, nữ công nhân 28 tuổi xúc động nói.
Tác giả bài viết: Long Trần