Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, sau thành công với vai Chiến - chàng chiến sĩ công an gan dạ, không quản ngại nguy hiểm để dấn sâu vào hang ổ của các tổ chức tội phạm trong “Cảnh sát hình sự”, sau đó với loạt phim “Vua bãi rác”, Chuyện phố phường… Thế nhưng năm 2007 Võ Hoài Nam lại đột ngột quyết định rời xa màn ảnh. Anh và vợ tập trung vào công việc kinh doanh nhà hàng.
Mới đây, NSƯT Võ Hoài Nam bất ngờ quay trở lại với điện ảnh bằng bộ phim “11 niềm hy vọng”. Trong phim anh vào vai huấn luyện viên đầy nhiệt huyết. Một vị tướng truyền lửa cho đội tuyển, không ngại đụng chạm khi lợi ích chung của đội tuyển bị ảnh hưởng.
Khán giả cảm thấy bất ngờ khi NSƯT Võ Hoài Nam xuất hiện với điện ảnh sau nhiều năm vắng bóng. |
PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện cùng anh về vai diễn mới nhất và cuộc sống của anh trong thời gian “rời xa phim ảnh”.
Điều gì thôi thúc anh trở lại điện ảnh sau nhiều năm rất hạn chế đóng phim? Cảm nhận của anh về vai diễn của chính mình trong phim điện ảnh lần này?
Tôi trở lại bởi đây là lần đầu tiên thử sức vào dạng vai mà tôi chưa bao giờ đảm nhận. Không điều gì diễn tả được cảm xúc của tôi vì tôi cảm thấy đây là vai diễn khá thành công. Dĩ nhiên thành công của phim đến từ tập thể và tổng hòa mọi thứ. Bản thân tôi khi xem cũng có những đoạn làm tôi rơi nước mắt dù là do tôi diễn. Đó là phân cảnh anh em đoàn kết với nhau đưa đội tuyển Việt Nam đến thành công.
Với vai diễn lần này, anh có tự tin sẽ “đủ mạnh” để vượt qua những thành công trước đó?
Bộ phim này tôi cảm thấy thành công ở việc thử sức trong dạng vai mới, nhưng không thể so sánh giữa phim này với phim khác bởi mỗi phim đều có sự khác biệt.
Là diễn viên thành công tại Hà Nội, vậy khi anh làm việc với diễn viên và môi trường trong Nam anh cảm nhận sự khác biệt như thế nào?
Thực ra chuyện Nam - Bắc cũng là Việt Nam cả. nhưng có những cách làm khác nhau. Khi làm phim ở trong Nam tôi cảm thấy sự chu đáo với diễn viên bài bản và quy mô hơn ngoài Bắc. Có nhiều vấn đề, có thể về kinh tế ngoài Bắc eo hẹp hoặc cách chi tiêu, về phong cách làm, vì luật lệ gì đó…
Tôi cảm thấy làm trong Nam thoáng hơn vui vẻ đoàn kết và chu đáo hơn, cảm thấy người diễn viên muốn sáng tạo hơn, không bị o ép thỏa sức làm những gì mình mong muốn, như mình nghĩ, được trao đổi chỉnh sửa đi đến kết thống nhất khi làm. Đặc biệt qua bộ phim vừa rồi tôi cảm thấy muốn quay lại với sân khấu, nghiệp diễn liên tục hơn.
Huấn luyện viên Phạm Hoài Nam và dàn cầu thủ trong phim |
Đã lâu lắm rồi mới thấy anh trở lại màn ảnh, thời gian qua vì sao anh vắng bóng lâu như vậy?
Tôi cũng như bao nhiêu người phải lo cơm áo gạo tiền cho gia đình cho bản thân, còn điện ảnh khi làm không nghĩ đến tiền mà chỉ là “đốt cháy chính mình”, đạt được mong muốn của mình và mang đến khán giả những vai diễn trọn vẹn nhất.
Điện ảnh với tôi là niềm đam mê chứ không phải là nơi để “kiếm cơm”, là nơi để trao dồi nghề nghiệp và để đốt cháy đam mê của mình càng ngày càng tốt hơn.
Hiện tại anh làm gì để tăng thu nhập nếu không phải là phim ảnh?
Người ta gọi là làm phim còn tôi gọi là “chơi phim”. Tôi “chơi” với điện ảnh với truyền hình, chính vì thế tôi chơi thì phải chơi cho hết mình. Còn chỗ tôi làm việc ngoài mảng sân khấu thì có buôn bán nho nhỏ để kiếm kinh tế nuôi bốn đứa con. Hai vợ chồng làm sao để các cháu không thua kém nhiều quá so với mọi người.
Mơ ước của tôi cũng chỉ vừa và đủ, không cần giàu sang để khi mình bắt đầu với điện ảnh thì không phải lo cơm áo gạo tiền. Điều đó sẽ làm cho mình cống hiến tốt hơn, vai diễn tròn trịa hơn.
Bây giờ anh đã đủ kinh tế để bắt đầu với điện ảnh?
Thực ra đủ thì đã lâu rồi, nhưng để có một bộ phim phù hợp để làm thì không dễ dàng gì. Sự lựa chọn của tôi hơi khắt khe, chính vì điều đó nên đã lâu tôi không làm phim.
Nếu một người nổi tiếng với nghiệp diễn thì họ sẽ không gặp khó khăn về kinh tế nhưng vì sao anh lại không tiếp tục công việc này mà phải chuyển sang kinh doanh?
Như tôi đã nói thù lao phim ngày xưa rất thấp. Như phim "Cảnh sát hình sự" tôi đóng hai năm liên tục, chiếc xe Jeep tôi đi liên tục, tự đổ xăng. 2 năm đó người ta trả cho tôi một triệu một tập và 10 tập cuối đạo diễn còn ăn bớt của tôi 2 triệu nên tôi còn 38 triệu. Trong vòng 2 năm trời chỉ có 38 triệu thì tôi ăn bằng cái gì? Cuối năm 97 đến năm 2000 mỗi tập phim quay ít nhất 15 ngày lấy gì mà giàu.
Tôi chỉ biết làm diễn viên, tôi không có gì để bán, chỉ “bán thân cho nghệ thuật” nên cứ phải nghèo thôi. Nhưng giàu nghèo không quan trọng, quan trọng là mình được lên màn ảnh làm tròn vai diễn được khán giả yêu thích. Trời cho 4 đứa con thì ai giàu bằng tôi (cười).
Thời điểm đó có phải gánh nặng kinh thế thuộc về vợ anh?
Cả hai cùng vất vả, lúc đó vợ tôi ở nhà mở quán nhậu bán, vì khi tôi đóng phim được quần chúng yêu mến nên vợ tôi bán còn tôi phải uống rượu tiếp khách. Hồi đó tôi ốm nhách như “thằng nghiện”, nhưng sau này tôi bỏ rượu vì cũng lớn tuổi rồi (cười).
Diễn viên Võ Hoài Nam và vợ hạnh phúc sau nhiều năm gắn bó |
Sau thời gian lo cho gia đình khi quay trở lại với điện ảnh vợ anh có ủng hộ không?
Cô ấy là người ủng hộ tôi nhiều nhất, “đẩy” tôi ra đường nhiều nhất nhưng tôi không đi. Vợ tôi cứ bảo tôi đi làm cho đỡ buồn, cho vui nhưng tâm trạng đâu mà làm khi những cuộc sống còn đang thiếu thốn, từ tiền điện, tiền nước, tiền con đi học… Mọi thứ cần phải lo chưa đủ thì mình còn cần phải lo.
Với anh, khi mình có đến 4 đứa con thì "ai giàu bằng tôi" |
Với vai trò một người làm kinh tế và người làm diễn viên thì với anh có cái sự khác biệt như thế nào?
Tôi nghĩ cần phải rạch ròi, khi mình làm kinh tế mình chú trọng vào kinh tế. Còn khi làm diễn viên thì chú trọng vào vai diễn, nhân vật. Phải rạch ròi nếu không thì cái nào cũng sẽ dở dang.
Nhiều người cứ tiếc hộ khi đang nổi tiếng mà lại bỏ không đóng phim nữa. Nhưng tôi cảm thấy không có gì để tiếc. Tôi nghĩ dù 10 nay 20 năm tôi không đóng thì danh tiếng cũng không mất được. Nhưng tôi sẽ mất ngay lập tức nếu tôi làm bộ phim dở không ra gì, chỉ vì tiền.
Quãng thời gian không tham gia diễn vì lo kinh tế gia đình, khi nhìn những đồng nghiệp xuất hiện trong phim ảnh, cảm giác của anh lúc đó như thế nào?
Phim điện ảnh bây giờ làm ra rất nhiều thứ chứ không chỉ vì nền điện ảnh. Thực sự tôi chỉ chọn cái gì phù hợp nhất với mình nên dù rất khao khát tôi cũng không làm phim với vai diễn không phù hợp với tiêu chí chọn phim khắt khe của mình. "Thèm" mà vẫn "nhịn" chứ không nhận vai diễn ẩu (Cười).
Có bao giờ anh vì áp lực kinh tế mà ảnh hưởng đến niềm đam mê của mình?
Có chứ, rất nhiều năm tôi không làm phim là vì vậy. Khi mình chưa cảm thấy vừa và đủ cho gia đình thì mình phải cố gắng làm sao để vượt qua điều đó. Khi đủ mới quay lại với điện ảnh, nếu có gia đình mà lúc nào cũng lên đường đi làm phim thì đó là sự ích kỷ cho bản thân mà sống cho cộng đồng gia đình thì không nên. Phải luôn làm sao để hòa hợp giữa đam mê và gia đình hạnh phúc.
Tác giả: Băng Châu
Nguồn tin: Báo Dân trí