"Tôi thẳng tính nên nhiều người ghét"
Chào nghệ sĩ Chí Trung, mấy ngày qua nhiều người phản ứng việc anh chê phim Việt Nam. Anh có quá lời không khi cũng trưởng thành từ các vai diễn trên sân khấu và phim ảnh Việt Nam mà lại buông lời “cay đắng” đến vậy?
Tính của Chí Trung từ trước đến nay rất thẳng thắn, có sao nói vậy thôi. Bản thân Chí Trung không tham gia nhiều phim truyền hình Việt Nam, có lẽ tôi là một nghệ sĩ sân khấu nên hợp với diễn trên sân khấu hơn. Tôi đóng phim truyền hình do lời mời từ các đạo diễn thân thiết, anh em nể nhau, quý nhau thì nhận vai thôi. So với điện ảnh thế giới thì phim Việt Nam chưa thể bằng được, ý tôi không phải là so sánh mà thẳng thắn nói ra chính kiến của mình, để phim Việt có những tiến bộ hơn thôi.
NSƯT Chí Trung đang vào vai trong phim "Ghét thì yêu thôi". |
Tại sao anh không xem phim Việt Nam, kể cả phim mình đóng? Anh không sợ nói thế sẽ làm các đạo diễn chạnh lòng sao?
Phim Việt Nam sau khi quay xong, còn phải làm “hậu trường” và nhiều thứ khác nữa nên tôi không thích. Tôi làm phim vì nể bạn bè làm nghề. Khi quay, tôi cũng nói với mọi người như thế. Nhiều người ghét Chí Trung vì tôi hay nói thẳng.
Chất lượng phim Việt Nam chỉ đến tầm nào đó thôi, nên tôi cũng khó góp ý. Hơn nữa, vì mình là diễn viên sân khấu, không có chuyên môn nhiều về phim truyền hình nên không dám “múa rìu qua mắt thợ”. Tôi không thích thì nói không thích thôi. Chí Trung là người “khẩu xà tâm phật”, nói thế thôi nhưng tôi yêu nghệ thuật Việt Nam, yêu nhưng lại hay nói lời “cay đắng” chỉ vì mong nghệ thuật nước nhà được phát triển hơn.
Có phải Chí Trung và một số nghệ sĩ nổi tiếng chê phim Việt Nam một phần vì cát – xê thấp?
Đúng là phim truyền hình có cát – xê thấp lắm. Nói thẳng nhé, thấp đến hèn hạ và tôi dám chịu trách nhiệm về từ ấy. Yếu tố để chúng tôi nhận lời tham gia phim Việt chính là kịch bản. Tôi và một số nghệ sĩ phải xem kịch bản nào phù hợp với mình thì mới tham gia. Nhiều đạo diễn mời tôi đóng phim, nhưng sau khi đọc kịch bản thì... chạy luôn vì kịch bản quá tệ. Tôi không phải là người nói được những mỹ từ nhưng nói thật. Ngay như bộ phim Ghét thì yêu thôi, tôi tham gia là vì tin tưởng đạo diễn Trịnh Lê Phong. Vì đạo diễn là Trịnh Lê Phong nên tôi tin bộ phim sẽ chạm đến trái tim của người xem. Cho đến giờ phút này, tôi cũng chưa nhận được cát-xê của phim.
Chí Trung vào vai Quang Quác trong phim "Ghét thì yêu thôi". |
Mới đây, anh còn cho rằng, NSƯT Công Lý khi lồng tiếng cho nhân vật của mình trong bộ phim "Ghét thì yêu thôi" chưa ra chất “nham nhở” của Chí Trung trong phim. Anh không sợ nghệ sĩ Công Lý tự ái sao?
Ai chơi được với Chí Trung thì sẽ rất hiểu. Nói gì thì nói, tôi và Công Lý rất quý nhau, chúng tôi yêu nhau không hết thì làm gì có chuyện này, chuyện kia. Tôi là người lười lồng tiếng nhất vì tôi lồng tiếng rất kém, rất mất kiên nhẫn và không nhận việc này bao giờ. Công Lý là người hay lồng tiếng cho tôi nhất, trước đây từng lồng tiếng cho nhân vật của tôi trong: Ai chết cho người đẹp, Tết này ai đến xông nhà và mới đây là Ghét thì yêu thôi. Người lồng tiếng cho phim góp phần thành công đến 50% ấy chứ. Nghệ sĩ Công Lý và tôi chơi với nhau từ lâu, chúng tôi hiểu nhau nên không có chuyện Lý sẽ tự ái đâu.
NSƯT Chí Trung cho biết, anh và NSƯT Công Lý rất quý nhau. |
Người ta bảo, Chí Trung và Vân Dung nhìn thế thôi nhưng cũng... ghét nhau lắm. Điều đó có đúng không anh?
Ôi, thông tin này từ đâu đấy? Tôi và Vân Dung không thể tách rời nhau, chúng tôi là đồng nghiệp, là anh em của nhau. Dung như em gái, cô ấy có thể nhõng nhẽo, đòi hỏi tôi mọi thứ. Trong nghề, Vân Dung là người nghiêm túc và cầu thị. Chúng tôi cùng trưởng thành từ nhà hát Tuổi trẻ nên hiểu nhau lắm. Trong đội nghệ sĩ tham gia Táo quân, Vân Dung là cô em gái dễ thương, chăm lo cho các anh nhiều nhất. Chơi với Vân Dung, Chí Trung thoải mái thể hiện mình mà không ngại điều gì cả.
Hai nghệ sĩ Chí Trung và Vân Dung trong phim "Ghét thì yêu thôi" của đạo diễn Trịnh Lê Phong. |
Không thích việc phát vé mời
Thẳng thắn nhé, nhiều người bảo, nghệ sĩ Chí Trung dạo này thay đổi lắm. Bởi, từ khi lên Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ, anh xa cách mọi người hơn?
Chí Trung là nghệ sĩ tử tế và dễ dãi lắm, ai nhận xét như trên chắc là chưa gặp và tiếp xúc với Chí Trung rồi. Đúng là từ ngày lên chức, tôi có bận rộn hơn, ngoài các dự án nghệ thuật thì tôi còn phải lo cho đời sống của các cán bộ, diễn viên ở Nhà hát nữa nên ít có thời gian giao lưu bên ngoài. Tuy nhiên, nếu nhận được lời mời từ các đạo diễn thân thiết như Đỗ Thanh Hải, Trịnh Lê Phong... là tôi sẽ cố gắng tham gia. Đừng bảo Chí Trung thay đổi, bởi tôi vẫn thế, chỉ bận rộn hơn thôi.
Một vở kịch tại nhà hát Tuổi trẻ - nơi NSƯT Chí Trung làm Giám đốc. |
Anh có tự tin là mình sẽ làm mới hơn, hay hơn ở cương vị Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ? Ba tháng vừa qua, nhà hát Tuổi trẻ đã có gì thay đổi chưa?
Nhà hát Tuổi trẻ có nhiều khác biệt chứ, tôi đã tập trung vào một số đối tượng khán giả nhất định là lứa tuổi thanh niên và thiếu nhi. Tôi xây dựng nhiều vở kịch dành cho các em nhỏ. Tôi động viên diễn viên “cháy” với những đam mê của họ. Kể cả những đêm ít khán giả, tôi cũng không phát vé mời cho đủ rạp. Có những đêm rạp nhà hát chỉ có 25 – 30 khán giả, nhưng chúng tôi vẫn diễn. Vì tôi cho rằng, làm tốt từng đêm diễn chính là cách tôn trọng khán giả, tôn trọng mình. Tôi không thích việc phát vé mời, đó là một tư duy cũ, làm cho sân khấu ngày càng ít người xem.
|
Chương trình về Bolero là một hướng đi tạo sự khác biệt của nhà hát Tuổi trẻ?
Mới đây, nhà hát Tuổi trẻ tổ chức chương trình về nhạc Bolero, chúng tôi làm thế không phải vì để bán vé được nhiều mà do nắm bắt được thị hiếu khán giả. Vì sao vậy? Vì chúng tôi thấy hay thì làm. Bolero cũng như hài kịch là nhu cầu của khán giả và khán giả thích thì chúng tôi phục vụ. Nếu số đông mà thích thì đó chính là nghệ thuật. Đừng nghĩ Bolero là thụt lùi hay gì đó to tát, có khán giả nghe thì nhạc còn phát triển. Không nghệ sĩ nào dám vỗ ngực ta đây là số một cả. Bởi, nếu nghệ thuật không có khán giả thì cũng không có ý nghĩa gì hết.
Cảm ơn anh về những trao đổi thẳng thắn!
Tác giả: Lạc Thành
Nguồn tin: Báo Người đưa tin