Giáo dục

Nóng vội trong tuyển sinh: Mất nhiều hơn được

Sau khi phát hiện một số trường tuyển sinh, đào tạo sai quy định, Bộ GD&ĐT đã nhắc nhở, yêu cầu báo cáo sự việc; đồng thời lưu ý các trường tuyển sinh, đào tạo đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

Thí sinh Hà Nội trao đổi về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh họa

“Vỡ trận” vì tuyển sinh sớm

Trên fanpage chính thức, Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) thông báo tuyển bổ sung 710 chỉ tiêu ở tất cả ngành đào tạo. Thời gian nhận hồ sơ từ 8 giờ ngày 6/10 cho tới khi hết chỉ tiêu. Sau khi nhà trường thông báo ưu tiên xét tuyển bổ sung đợt 2 với thí sinh nộp hồ sơ sớm, nhiều phụ huynh đã đến xếp hàng trong đêm. Ông Phan Huy Phú - Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long thừa nhận, trường đã sai khi tuyển sinh bổ sung sớm hơn quy định. Hệ quả, nhà trường bị “vỡ trận” khi hơn 2 nghìn thí sinh và người nhà tập trung cùng lúc.

Về việc phụ huynh xếp hàng trong đêm để được nộp hồ sơ, ông Phú giải thích, nhà trường không thông báo hay yêu cầu phụ huynh đến sớm. Những phiếu đăng ký và bản photo giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT đã thu của thí sinh, chỉ là cơ sở để trường xem xét thông tin. Từ thông tin này, nhà trường sẽ sàng lọc, tính toán để tuyển sinh bổ sung, thí sinh nào có nguyện vọng vào trường thật, sẽ đến nộp bản chính giấy xác nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT sau ngày 11/10.

Lý giải về việc nhà trường thông báo tuyển sinh bổ sung sớm hơn so với quy định, ông Phú phân trần: Nhà trường mong muốn tân sinh viên kịp nhập học. Thông thường, ngày 19/10, Trường ĐH Thăng Long bắt đầu năm học mới. Năm nay, có khoảng 3.600 thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào trường. “Chúng tôi lấy vượt quá 10% chỉ tiêu để trừ ảo, trong đó chủ yếu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm, số thí sinh đó vẫn còn ảo, vì thế nhà trường phải tuyển bổ sung” – ông Phú giải thích.

Cũng theo ông Phú, kinh nghiệm tuyển sinh trong những năm gần đây cho thấy: Số thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Thăng Long dao động từ 500 - 600 em, bằng với số chỉ tiêu mà nhà trường mong muốn. Năm nay, nhà trường thông báo tuyển sinh bổ sung sớm, với nguyên tắc xét tuyển đến khi hết chỉ tiêu thì dừng. Tuy nhiên, lãnh đạo Trường ĐH Thăng Long không ngờ, sau khi thông báo tuyển sinh bổ sung, ngay trong sáng 6/10 đã có hơn 1.000 thí sinh và người nhà đến đăng ký; số lượng sau đó cứ tăng dần khiến nhà trường mất kiểm soát. “Bộ GD&ĐT đã nhắc nhở nhà trường” – ông Phú cho hay.

Cảnh thí sinh và người nhà chờ đợi để được nộp hồ sơ tại Trường ĐH Thăng Long. Ảnh: Internet

Khắc phục hậu quả sau sai sót

Trước những thiếu sót trong công tác tuyển sinh ngành Dược, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tiếp thu ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước và dư luận xã hội, đồng thời tích cực khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót. GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, sự việc trên là bài học lớn để trường rút kinh nghiệm.

Chia sẻ với báo chí, GS.TS Vũ Văn Hóa thừa nhận những sai sót trong công tác tuyển sinh ngành Dược trong thời gian qua. “Để xảy ra chuyện tuyển sinh sai phép, chúng tôi nhận sai. Trên hết, nhà trường đang tìm cách tháo gỡ, mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi cho người học” – GS.TS Vũ Văn Hóa khẳng định, đồng thời cho biết: Trường đã trình Bộ GD&ĐT phương án xử lý. Hy vọng Bộ cho phép những sinh viên chưa có chứng chỉ có thể tiếp tục học và hoàn thiện chứng chỉ trước khi ra trường.

Đề cập đến chỉ tiêu đào tạo đại học liên thông đối với ngành Dược năm nay, GS.TS Vũ Văn Hóa cho biết, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được giao chỉ tiêu là 100 sinh viên. Nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại, nhà trường đã đề nghị Bộ cho phép lấy luôn chỉ tiêu của năm sau “đắp” vào năm nay, tổng số sẽ là 200 sinh viên. Trường không tổ chức tuyển sinh ngành này vào năm sau.

Một góc khuôn viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, trường cũng đã đề xuất với Bộ cho phép liên kết với các trường trong khu vực. Theo đó, các trường này sẽ tiếp nhận sinh viên của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, sinh viên học và khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng tại trường đó. Đây là giải pháp nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi cho người học, cũng như góp phần giải quyết những vướng mắc nảy sinh vừa qua. Trong trường hợp các kiến nghị không được Bộ cho phép, nhà trường sẽ hoàn trả học phí cho học viên.

GS. TS Vũ Văn Hóa chia sẻ, để xảy ra sự việc sai sót lần này, ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của trường. Nhà trường đang tích cực khắc phục những hạn chế, thiếu sót để làm tốt hơn công tác quản lý, đào tạo.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nêu quan điểm: Những gì đã là quy định, các trường nên tuân thủ và tôn trọng. Không nên “đi tắt” và “làm ẩu” dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Ngay như Trường ĐH Thăng Long, việc thông báo tuyển sinh bổ sung sớm hơn so với quy định đã dẫn đến “lợi bất cập hại”. Nhà trường đã không thể kiểm soát khi có hàng nghìn thí sinh và người nhà đổ về để nộp hồ sơ. Hậu quả là, nhiều người mất niềm tin với trường và cho rằng, đó là cách làm thiếu chuyên nghiệp. Đây là sự việc đáng tiếc và là bài học đắt giá cho Trường ĐH Thăng Long nói riêng và cơ sở giáo dục đại học nói chung trong công tác tuyển sinh. “Hiệp hội các trường ĐH, CĐ không bao giờ đồng tình với cách làm sai quy định, trái pháp luật và thiếu chuyên nghiệp của các trường” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Để xét tuyển bổ sung, các trường phải công bố chỉ tiêu, mức điểm, thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển… và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Tác giả: Minh Phong

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok