ẢNH TRÊN MẠNG XÃ HỘI |
Trận đấu được xem như chung kết của vòng loại bảng A AFF Cup 2018 diễn ra vào 19 giờ 30 ngày 16.11 nhưng ngay từ đầu giờ chiều, mạng xã hội Việt Nam đã nóng rực khí thế quyết thắng. Cơn sốt vé những ngày qua đủ để thấy SVĐ Mỹ Đình tấp nập đến như thế nào.
Vẫn như những lần thi đấu khác, cộng đồng mạng hăng say đăng tải hình ảnh, video cập nhật từng phút diễn biến họp fan trái bóng tròn, chuẩn bị cờ, áo, quá trình di chuyển của các đoàn... (ảnh 1). Những gương mặt hớn hở khiến ngay cả dân mạng “mù” bóng đá cũng thốt lên: “Không biết gì về bóng đá nhưng nhìn những hình ảnh này thấy vui vui sao á!”.
Facebooker nhiệt tình bình luận bất cứ chủ đề nào đề cập đến trận đấu. Nhiều người nhanh tay tag bạn bè, nhắc nhau tụ họp gấp “không tí nữa tắc đường” dưới ảnh hiện trường các con phố Hà Nội rợp cờ hoa.
Một số dân mạng khóc không ra nước mắt, nhờ vả: “Xin hãy chờ em tan làm về đã rồi hẵng xông pha các bác ơi”. Bộ phận dân mạng “giỏi kinh tế” nhanh nhạy đăng ảnh quảng cáo gian hàng di động bán đồ phục vụ cho công tác cổ vũ, mong hết hàng trước khi tiếng còi vào trận.
Từ kình địch dịp này không chỉ dùng giữa 2 đội, 2 ban huấn luyện mà ở cả khí thế cổ động viên. VN hừng hực như thế mà CĐV Malaysia cũng máu lửa chẳng kém (ảnh 2). CĐV đội bạn được cộng đồng mạng VN miêu tả bằng những từ “hàng ngàn”, “ầm ầm kéo về Mỹ Đình”, khiến người ta “choáng ngợp”… đủ để thấy năng lực fan Malaysia “không đùa được đâu”.
Tuy nhiên, Facebooker VN lạc quan và không quên nhắc nhau “vui văn minh, đừng đốt pháo trong sân, bị phạt lại mất vui”.
Dừng xe giữa đường tám điện thoại
Khi đang điều khiển phương tiện giao thông trên đường, nếu có điện thoại thì việc dừng lại và nghe máy là điều bình thường và được khuyến khích. Tuy nhiên, dừng lại không tấp vào lề mà chễm chệ ngồi trên xe giữa đường, ngay vòng xoay đông đúc người, xe như một thanh niên (ảnh 3) trong video được đăng trên Facebook thì muôn phần nguy hiểm.
Hành vi coi thường luật giao thông, coi thường tính mạng của anh ta bị dân mạng lên án dữ dội. Facebooker chỉ trích, mỉa mai người hành động như vậy là: “trẻ trâu”, “óc bằng hạt nho”, “mang nón bảo hiểm nhưng quên mang não”… Họ đặt câu hỏi: “Đến khi nào thì những hành vi tương tự không còn xuất hiện nữa?”.
Tác giả: Tạ Ban
Nguồn tin: Báo Thanh Niên