Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, tiềm năng, dư địa phát triển nông nghiệp còn rất lớn khi hội tụ đủ cả 3 dạng địa hình miền núi, trung du, đồng bằng. Đây cũng là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã vào diện lớn nhất cả nước; nhiều huyện miền núi khó khăn nhưng người dân có truyền thống sản xuất nông nghiệp, chăm chỉ, cần cù và sáng tạo.
Nhận thấy lợi thế của tỉnh nhà, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch kèm theo nhiều chính sách sát thực tiễn.
Những chính sách sát thực tiễn đã trở thành chất xúc tác giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thanh Hóa phát triển bền vững. Ảnh: Võ Dũng. |
Ông Nguyễn Bá Chung, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Trung Chính (huyện Nông Cống) cho hay, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh không nằm trên giấy mà đã thực sự có sức lan tỏa sâu rộng, tạo được sự đồng thuận cao trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp và nông dân. Chính sách hay, được triển khai tích cực đã tạo động lực để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thanh Hóa chuyển mình mạnh mẽ.
“Chính sách về tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ; chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... đã trở thành “chất xúc tác” để Thanh Hóa có sự chuyển biến lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay. Có thể nói, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thanh Hóa đang được hưởng lợi rất lớn từ các chính sách tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh cũng như Trung ương” – ông Chung khẳng định.
Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, Thanh Hóa đã tập trung thực hiện các chính sách từ đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Để phát triển một nền nông nghiệp lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp. Các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách của Chính phủ về việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành.
Ông Giang cho biết thêm, các chính sách thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua nổi bật là Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Những chính sách này được thực thi hiệu quả đã làm thay đổi hẳn diện mạo của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Thanh Hóa những năm qua.
“Sau khi có Nghị quyết 13 về tích tụ đất đai, Sở đã tham mưu UBND tỉnh, giao kế hoạch cho các địa phương, đến hết năm 2020 sẽ tích tụ thêm 20,4 nghìn ha đất sản xuất. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ tích tụ được trên 100 nghìn ha đất để sản xuất nông nghiệp. Trong kế hoạch tích tụ sẽ có khoảng gần 2,5 nghìn ha được hỗ trợ kinh phí để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 31,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều mô hình đang được triển khai, với đối tượng hỗ trợ là các nhóm cây rau màu, cây dưa, cây dược liệu, cây ăn quả, tôm thẻ chân trắng...”, ông Giang chia sẻ.
"Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc hưởng các chính sách của Trung ương sẽ được hưởng chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh” – ông Lê Đức Giang chia sẻ. |
Tác giả: Võ Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam