Hai tháng nay, người dân huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) vào mùa thu hoạch cói để làm chiếu. |
Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng như đổ lửa kéo dài nhiều ngày. Nông dân các xã Nga Thanh, Nga Thủy, Nga Tân, Nga Tiến... thường dậy sớm ra đồng, chong đèn làm việc để tránh nắng. |
Nông dân Nguyễn Văn Tứ (60 tuổi, ở xã Nga Liên) cho biết vợ chồng ông thường thức từ 2h. Ăn vội bữa sáng, ông mang theo bình ắc quy và đồ đạc ra đồng thu hoạch. “Mùa thu hoạch cói làm cái gì cũng phải vội vàng. Tranh thủ thời gian buổi sáng, chứ nắng lên là không làm được. Có gia đình còn không kịp ăn, cứ ra làm rồi con cái mua đồ ăn đến sau”, ông Tứ nói. |
Đến 8h, họ phải cắt cói thành từng bó rồi phân loại để mang đi phơi. |
Cói được phân thành 3 loại. Loại trên 1,75 m dùng dệt chiếu loại 1 hoặc đưa đi xuất khẩu. Loại trung bình dài 1,5 đến 1,7 m dệt chiếu cá nhân. Còn cói chết khô dùng để đun nấu hoặc lợp mái nhà. |
Ông Bình (40 tuổi) cho biết sau khi cắt gốc, người dân phơi cói ngoài đồng hoặc dùng xe chở về phơi tại sân nhà. |
Nhiều em nhỏ tranh thủ thời gian nghỉ hè để ra đồng giúp bố mẹ thu hoạch. |
Đến Nga Sơn mùa này, du khách sẽ thấy người dân phơi cói khắp nơi. Để dệt thành chiếu, cói phải trải qua 3-4 ngày phơi nắng. Người dân sợ nhất mưa vì cói sẽ hư hỏng, không thể dệt chiếu. |
Chiếu cói Nga Sơn lâu nay nổi tiếng mềm mại, óng mượt. Hiện nay, nhiều người dân không còn mặn với nghề trồng cói vì giá bán chỉ còn 12.000 đến 13.000 đồng/kg. “Cói trồng tốt lắm mới được 5 triệu đồng mỗi sào. Đó là còn chưa tính tiền thuốc bảo vệ thực vật, mất thời gian cắt cỏ. Nếu cây chết nhiều như năm nay thì may ra chỉ được 3 triệu đồng mỗi sào”, ông Mỹ nói. |
Những hộ trồng cói không còn xem đây là nghề kiếm sống. Họ duy trì vì muốn giữ nghề truyền thống cha ông để lại. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Mai Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nga Sơn, cho biết địa huyện này có diện tích đất trồng cói lớn nhất Thanh Hóa. |
Toàn huyện trước đây có tổng diện tích trên 1.450 ha cói nhưng hiện chỉ còn phân nửa. "Nguyên nhân là thị trường tiêu thụ không ổn định, chi phí lao động, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tăng cao và giá nhân công lao động tăng... Chúng tôi đang triển khai nhiều phương án với hy vọng sẽ gìn giữ và phát triển được nghề trồng cói ở địa phương”, ông Công nói. |
Tác giả: Hoàng Sa - Nguyễn Dương
Nguồn tin: Zing.vn