Kinh tế

Nông dân Quỳnh Lưu nhiều biện pháp diệt nạn chuột phá hoại lúa xuân

Vụ xuân năm 2017 thời tiết tương đối thuận lợi để cây trồng phát triển, tuy nhiên ở huyện Quỳnh Lưu nhiều diện tích lúa xuân đang bắt đầu bước vào thời kỳ đẻ nhánh thì bị “giặc” chuột cắn phá, làm hư hỏng khiến cho người nông dân lo lắng.

1a++1
Nông dân Quỳnh Lưu giăng ni lông xung quanh bờ hạn chế chuột phá hoại lúa xuân

Những ngày này, nhiều nông dân ở một số địa phương trên địa bàn huyện đang triển khai nhiều biện pháp để diệt chuột, bảo vệ lúa xuân. Vụ xuân 2017, gia đình bà Vũ Thị Hải ở xóm 6, xã Quỳnh Giang gieo cấy 3 sào lúa giống Thái Xuyên 111. Năm nay, nhờ thời tiết ấm áp nên lúa bén nhanh và xanh tốt. Tuy nhiên, qua thăm đồng sau những ngày vui tết đón xuân thì bà phát hiện chuột đã cắn nát trên 50% diện tích. Bà cho biết: nhìn những cây lúa bị cắn đã héo úa nằm ngã rạ giữa ruộng mà không khỏi xót xa. Để khắc phục tình trạng này, bà mua bã sinh học, đặt bẫy, giăng ni lông ở xung quanh bờ. Đồng thời, cắm hình nộm giữa ruộng với hy vọng để cho chuột sợ, không quay trở lại cắn lúa. Bên cạnh đó, bà đi tìm những tảng mạ thừa ở trong và ngoài xã để dắm lại chỗ đã bị chuột phá hoại.
2a++3
3a++2
Vớt những cây lúa bị chuột cắn nằm ngã rạ tại ruộng

Toàn xã Quỳnh Giang có 375 ha lúa vụ xuân thì có 37 ha đã bị chuột cắn phá, làm thiệt hại 50% diện tích, tập trung chủ yếu ở khu vực Thị Rừng, Nhà Bà, Đặc Biệt. Đây đều là các cánh đồng diện tích nước không đảm bảo, giáp với đường sắt, đường nhựa, cồn cao. Bởi ở những nơi này chuột thường dễ trú ẩn, khó khăn trong việc đào bắt. Để hạn chế những thiệt hại ngay từ đầu vụ, xã Quỳnh Giang đã tích cực tuyên truyền tới bà con nhân dân thường xuyên bám sát đồng ruộng để phát hiện và khắc phục kịp thời ở những chỗ bị chuột cắn. Đồng thời, tiến hành bón phân, đạm để cho lúa tự chồi. Cùng với đó, chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, khuyến nông nhanh chóng điều tiết nước về các xứ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tháo nước vào ngập chân ruộng. Không những thế, địa phương chỉ đạo HTX chuẩn bị đầy đủ bã sinh học, đáp ứng nhu cầu cho nhân dân. Tính đến thời điểm này, HTX đã cung ứng 800kg bã sinh học. Bên cạnh đó thì các hộ gia đình còn tự đánh bẫy và đi đập chuột vào ban đêm bằng cách dọ đèn pin vào mắt chuột khiến chúng không xác định được phương hướng, sau đó dùng gậy đập vào đầu chuột. Kết quả, mỗi đêm một hộ gia đình bắt ít nhất được trên 10 con. Đối với một số hộ khác thì lại thuê người đánh bẫy, nếu thuê theo sào thì 70 nghìn đồng/ 500m2, nếu thuê theo con thì 5 nghìn đồng/ đuôi. Hiện địa phương cũng đang đề nghị với huyện hỗ trợ kinh phí giúp bà con nông dân diệt chuột. Ông Trần Văn Lợi – Cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Giang cho biết: “Năm 2016 trên địa bàn không có lũ lụt, vụ đông không có các đợt rét đậm, rét hại nên lượng chuột phát sinh gây hại trên đồng ruộng rất lớn. UBND xã chỉ đạo HTX tổ chức diệt chuột ngay từ thời điểm gieo mạ và trong thời gian cấy xong tổ chức diệt chuột lần 2 vào ngày 27 tết và tiếp tục triển khai diệt chuột vào 7/2. Nhờ đó, hiện tại trên đồng ruộng lượng chuột có giảm nhiều nhưng cũng đang phá hoại cục bộ trên nhiều diện tích.”

Bên cạnh xã Quỳnh Giang thì Quỳnh Yên cũng là một trong một địa phương bị nạn chuột phá hoại tương đối nhiều. Ông Hồ Đức Luyện – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên cho biết: Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra trên đồng ruộng, xã tổ chức huy động các ban, ngành, đoàn thể, thôn xóm thành lập tổ, đội tổ chức chiến dịch ra quân diệt chuột đồng loạt trên các cánh đồng. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn các biện pháp, kỹ thuật diệt chuột cho người nông dân và sử dụng các loại thuốc hóa học an toàn, hiệu quả. Đối với bã sinh học, người dân cần tiến hành đặt bã trên từng cánh đồng vào lúc chiều mát, trước cửa hang, đường đi lại và nơi chuột hay đi lại tìm thức ăn. Đồng thời, phát quang bụi rậm, làm sạch cỏ ven bờ để làm mất nơi cư trú của chuột. Cùng với đó, thu gom xác chết chôn theo quy định tránh làm ô nhiễm môi trường.

Nhờ tích cực triển khai các biện pháp sát thực nên các địa phương đã diệt được số lượng chuột đáng kể. Tuy nhiên, với thời tiết ấm áp như hiện nay thì được ngành nông nghiệp, trạm bảo vệ thực vật huyện dự báo chuột sẽ sinh sản và tăng nhanh về số lượng. Do vậy, huyện phân công cán bộ tăng cường đi cơ sở, làm tốt công tác điều tra, phát hiện, nắm chắc tình hình phát sinh, phát triển gây hại của chuột để cùng với các xã khắp phục kịp thời./.

Tác giả bài viết: Hồng Diện (Đài Quỳnh Lưu)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok