Kinh tế

​Nông dân lại phải đổ bỏ thanh long

Thời điểm này tại các vùng trồng thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang nhiều nông dân tiếp tục đổ bỏ thanh long. Một phần do thanh long bị bệnh, một phần do Trung Quốc giảm mua...

Nông dân xã Long Trì, Châu Thành, Long An phải bỏ hàng ngàn dây thanh long do bị bệnh đốm trắng. Ảnh: Ngọc Tài


Ông Nguyễn Văn Vĩnh, HTX thanh long Long Trì (Châu Thành, Long An), cho biết hiện nhiều nhà vườn tại Châu Thành phải liên tục đổ bỏ thanh long do chỉ 10% thanh long có mức giá từ 10-15.000 đồng/kg ruột trắng và 20-35.000 đồng/kg ruột đỏ, còn lại trái bệnh giá thấp, bán không ai mua.

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nhiều tháng qua vườn có tỉ lệ thanh long đổ bỏ chiếm 5-10% sản lượng khá phổ biến, thậm chí nhiều vườn phải đổ bỏ 50-60% do bệnh đốm trắng quá nhiều.

Ông Hiệp cũng cho biết, thanh long ít bệnh có giá 10.000-15.000 đồng/kg ruột trắng không nhiều, trong khi trái bị bệnh nặng nhiều, có loại giá bán chỉ 500 đồng – 1.000 đồng/kg, tiền bán không đủ trả công thu hoạch nên người dân đổ bỏ tại vườn.

Theo nhà vườn, điều kiện bình thường sản xuất 1 kg thanh long ruột trắng/vụ 2-3 tháng tốn 7.000-7.500 đồng, ruột đỏ 9.000–10.000 đồng. Nhưng nhiều tháng qua, phải cắt bỏ cành bệnh, vệ sinh vườn nên chi phí tăng lên gấp rưỡi, giá bán lại giảm nên bị lỗ liên tục.

Theo đại diện công ty chuyên xuất khẩu thanh long Chuỗi Cung ứng toàn cầu (TPHCM), giá thanh long giảm do thời điểm này Trung Quốc ít “ăn hàng”, hầu hết các đơn vị xuất qua thị trường này phải giảm 30-50% lượng hàng so với thời điểm khác trong năm.

​Nông dân lại phải đổ bỏ thanh long

Hia đình ông Nguyễn Văn Thành (Long Trì, Châu Thành, Long An) lựa những trái bị bệnh ra ngoài để đổ bỏ. Ảnh: Nguyễn Trí


Ông Vương Đình Khoát, giám đốc công ty TNHH Hugo (TPHCM), cho biết dù xuất chính ngạch có hợp đồng nhưng đơn vị đưa sang 10 container thanh long thì thương lái TQ tìm đủ mọi cách ép, như hàng bán không được, bị hư do bệnh… trừ đầu trừ đuôi mất 3 container. Nhiều đơn vị do không có hợp đồng mua bán, hàng lại đã ra tới biên giới nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” để xuất, ông Khoát khẳng định.


Theo TS Nguyễn Hữu Đạt (Hiệp hội rau quả VN), về nguyên tắc các nước nhập khẩu thanh long VN hiện nay không xem bệnh đốm trắng là đối tượng phải kiểm dịch thực vật hoặc cấm xuất. Tuy nhiên, trái bị bệnh đốm trắng không có thẩm mỹ, bảo quản không tốt bệnh sẽ lây nhiễm nhanh, thậm chí gây hư hỏng lô hàng nếu vận chuyển dài ngày. Để hạn chế rủi ro, nhà xuất khẩu không xuất thanh long bị bệnh đi thị trường khó tính.

Thanh long bị bệnh chất lượng bên trong vẫn tốt

Theo ông Nguyễn Thành Hiếu, trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện cây ăn quả Miền Nam), do không có thuốc đặc trị hiệu quả, nấm bệnh trên thanh long chỉ chết trong môi trường 60 độ C trở lên, lại lây qua nguồn nước, gió, dụng cụ làm vườn… nên hiện bệnh đốm trắng khó kiểm soát, tuy nhiên, trái nhiễm bệnh không nguy hiểm.

Ông Hiếu nêu những trái bệnh không bán tươi được nhà vườn có thể liên hệ bán cho các đơn vị chế biến rượu hoặc sấy khô. “Thanh long bị bệnh đốm trắng chỉ làm vỏ xấu đi, còn chất lượng trái bên trong vẫn tốt như trái không bệnh”, ông Hiếu khẳng định.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trí

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok