Trong tỉnh

Nông Cống: Tiềm ẩn rủi ro với dịch vụ chuyển, rút tiền qua ATM tự phát

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Nông Cống “bỗng” xuất hiện nhiều cửa hàng, đại lý trưng biển chuyển, rút tiền. Đi sâu tìm hiểu, mỗi cửa hàng một mức phí khác nhau, chưa rõ về mặt pháp lý, song những loại hình dịch vụ này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như mất tài khoản, thông tin cá nhân của khách hàng...

Không khó để chúng tôi có thể tiếp cận với một trong các loại hình dịch vụ này tại huyện Nông Cống. Gần như ở đây xã nào cũng có 1 vài cơ sở. Tại xã Thăng Long, ngay ở trục đường trung tâm, mặc dù là cửa hàng, đại lý kinh doanh, buôn bán hàng hóa thế nhưng hộ này lại trưng biển chuyển, rút tiền..., thậm chí còn treo cả băng rôn, khẩu hiệu dọc hai bên đường.

Nhiều cơ sở, dịch vụ chuyển, rút tiền từ ATM tiềm ẩn rủi ro.

Hỏi người dân xã này cho hay: “Họ mới hoạt động chưa lâu, thấy cũng thuận lợi, đỡ phải xuống huyện, qua ngân hàng, nhiều thủ tục... Vào đây, chỉ cần đọc số tiền cần chuyển, chuyển cho ai, số tài khoản... tích tắc 3 đến 5 phút là xong. Đóng phí thì 10 đến 15 nghìn đồng, tùy mức chuyển. Còn việc họ được phép hay không thì chúng tôi không rõ, rủi ro thế nào thì người dân cũng chưa thấy rủi ro gì. Ngẫm lại nếu như phản ánh, nguy cơ mất tài khoản thì cũng thấy lo thật!”

Tại một cơ sở khác ở thị trấn Nông Cống, trong vai một khách hàng đi chuyển tiền cho bạn, chúng tôi khá bất ngờ với quy mô, mô hình hoạt động khá chuyên nghiệp của cơ sở này. Theo quan sát, bố trí nơi làm việc chuyên nghiệp, khách hàng trong lúc chờ đợi được dành riêng khu vực bàn ghế chờ. Bên trong là 3 đến 5 nhân viên được trang bị đồng phục, hệ thống máy móc hoạt động và bảng biểu phí ghi rõ ràng như: Số tiền giao dịch từ 50 nghìn đến dưới 2 triệu đồng, trong giờ hành chính phí 10 nghìn đồng, ngoài giờ hành chính phí 15 nghìn đồng; tương tự từ 2 đến dưới 10 triệu đồng mức phí trong và ngoài giờ hành chính lần lượt từ 15 đến 20 nghìn đồng cho đến trên 1 tỷ đồng...

Tại quầy giao dịch, một nhân viên nữ niềm nở hỏi nhu cầu khách hàng. Sau khi trao đổi nội dung muốn chuyển tiền cho bạn, nhân viên này hỏi số tài khoản cần chuyển đến, ngân hàng nào... Vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động, tích tắc giao dịch chuyển tiền của tôi đã thành công, mức phí 15 nghìn đồng, giao dịch viên bảo như vậy là xong, không phiếu biên lai, chứng từ...

Khi chúng tôi yêu cầu thì được giải thích, đa phần sau khi giao dịch xong, có xác tín từ hai bên thì hoàn thành, ai có nhu cầu thì mới cung cấp. Sau yêu cầu, chúng tôi được cung cấp 1 giấy nộp tiền với vài thông tin sơ sài, không dấu má, kèm số tiền chuyển và mức phí 15.000 đồng... Quá trình giao dịch, một khách hàng khác hỏi, bên mình có chuyển tiền ra nước ngoài không thì nhân viên giao dịch trả lời: “Bên em chưa có dịch vụ trên, mới chỉ có dịch vụ nhận chuyển từ nước ngoài về”...

Theo phản ánh từ Agribank Nông Cống, thì qua rà soát của đơn vị, từ 6 xã, thị trấn có dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền thì đến nay gần như xã nào cũng có. Về quy mô, không chỉ giới hạn bởi một đơn vị, mạng lưới mà nhiều đơn vị khác nhau trưng biển, hoạt động dịch vụ này... Điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chính thống từ ngân hàng cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về mất thông tin của chính khách hàng mình.

Một lãnh đạo Agribank Nam Thanh Hóa cho biết, đây là một trong những hình thức cho thuê tài khoản, quy định cấm. Các đơn vị lợi dụng những khe hở của các sản phẩm từ các ngân hàng để trục lợi. Ví dụ ở một số ngân hàng khuyến khích giao dịch không dùng tiền mặt, khi nộp tiền vào tài khoản 500 triệu đồng thì mọi giao dịch trên tài khoản đó không tính phí. Tuy nhiên, các đối tượng lại lợi dụng chính sách đó để hoạt động và thu phí khách hàng trái phép...

Bên cạnh đó, nguy cơ khách hàng bị mất thông tin tài khoản, cá nhân là rất cao. Ví dụ 1 khách hàng ra chuyển tiền, 1 thẻ ATM thì chỉ hệ thống của ngân hàng đó biết, nhưng khi đi rút tiền ở các cơ sở này thì thông tin khách hàng bị lộ như số chứng minh thư, tên khách hàng, địa chỉ, số điện thoại... Ngoài ra, các cơ sở này đều trang bị hệ thống nhiều camera, nguy cơ khách hàng khi rút tiền mất số tài khoản, mã thẻ là rất cao...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh An - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Đây là một trong các trung gian dịch vụ thanh toán như bưu điện, bưu chính, viễn thông, ngân hàng và 1 số ví điện tử khác... Tuy nhiên, đây là những đơn vị đã được cấp phép. Đối với những đơn vị báo chí phản ánh này thì phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa cũng đang phối hợp với các đơn vị hữu trách như công an nắm bắt, rà soát.

Cũng theo ông An lý giải: Nếu các đơn vị này được cấp phép thì giấy phép hoạt động phải do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp. Song, trước mắt nếu những cơ sở này được cấp phép thì hiển nhiên ngoài Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa để nắm bắt và quản lý hoạt động. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa chưa hề có thông tin những đơn vị này.

Thực tế cho thấy, do nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ về các quy định cũng như tiện ích từ việc sử dụng dịch vụ chuyển, rút tiền thông qua phần mềm ứng dụng của các ngân hàng trên điện thoại di động, chính điều này đã là cơ hội cho nhiều cá nhân, tổ chức tự ý mở các dịch vụ chuyển, rút tiền nhằm trục lợi. Mặt khác, giao dịch tại các ngân hàng thường mất nhiều thời gian, quy trình hơn. Trong khi, thực hiện dịch vụ này tại các cửa hàng kinh doanh này lại đơn giản, nhanh chóng, bất kể thời gian nào...

Để giải quyết tình trạng trên, đòi hỏi cơ quan chức năng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về các loại hình giao dịch chuyển, rút tiền như trên. Đồng thời, các ngân hàng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, nhà mạng viễn thông tăng cường kiểm tra, giám sát những đơn vị, cá nhân được cấp máy POS, bảo đảm hoạt động đúng quy định. Kiên quyết xử lý những điểm không được phép kinh doanh dịch vụ rút, chuyển tiền, tránh những rủi ro cho người dân.

Tác giả: S.Đ

Nguồn tin: vanhoadoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok