Doanh nghiệp Hồng Ngọc khai thác đá không đúng thiết kế, gây ô nhiễm môi trường tại xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống |
Ngày 09/05/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 5043/UBND-CN về việc tạm dừng các thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản tại khu vực đang tiến hành khoanh định vùng bảo vệ khu di tích lịch sử thành Hoàng Nghiêu – Căn cứ Nguyễn Chích thuộc địa bàn xã Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn), xã Hoàng Sơn (huyện Nông Cống) và xã Đông Nam (huyện Đông Sơn).
Công nhân không được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động đang tiến hành khoan ở chân núi, phía trên là vách đá cheo leo |
Đến năm 2019, người dân xã Hoàng Sơn bức xúc trước việc Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc (Doanh nghiệp Hồng Ngọc) ngang nhiên đưa máy xúc cùng hàng chục công nhân vào phá núi để làm đường, thuộc vùng bảo vệ di tích lịch sử thành Hoàng Nghiêu – Căn cứ Nguyễn Chích. Cũng là lúc ông Lê Đình Nhiều, Chủ tịch UBND xã Hoàng Sơn cho rằng: Có nắm được việc phía Doanh nghiệp Hồng Ngọc phá núi để làm đường cả ngày lẫn đêm, nhưng chỉ nhắc nhở vì cũng muốn “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp có đường để vận chuyển đá.
Sau khi Báo Tài nguyên & Môi trường đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng trên, các cơ quan chức năng huyện Nông Cống đã thành lập đoàn kiểm tra, đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn sai phạm. Bẵng đi một thời gian, khi chính quyền địa phương “bỏ quên” sai phạm, Doanh nghiệp Hồng Ngọc lại tiếp tục sử dụng đường trái phép vào mục đích khai thác và vận chuyển khoáng sản.
Trong khi Doanh nghiệp Hồng Ngọc ngang nhiên phá núi, sử dụng “đường chui” vào mục đích vận chuyển khoáng sản, thì chính quyền địa phương lại “quên” xử lý |
Riêng đối với sai phạm về đất đai của doanh nghiệp khi tự ý xây dựng nhà để xe, lắp đặt trạm biến thế đã được UBND Hoàng Sơn “tuýt còi” và yêu cầu tháo dỡ, trả lại mặt bằng trước ngày 22/02/2018. Thế nhưng, hiện nay các công trình trái phép trên vẫn còn tồn tại, cho thấy việc xử lý nghiêm sai phạm chỉ “nằm trên giấy”.
Có mặt tại hiện trường, phóng viên chứng kiến con đường xuyên núi bị khoét sâu từ 7-10m, rộng gần 5m, có chiều dài khoảng 30m đã được hoàn thiện và sử dụng. Chỉ trong buổi sáng, hàng chục lượt xe tải cỡ lớn vô tư vận chuyển vật liệu xây dựng từ mỏ của Doanh nghiệp Hồng Ngọc qua lại “đường chui”, còn chính quyền địa phương lại không hề có biện pháp ngăn chặn.
Sai phạm về đất đai khi tự ý xây dựng nhà để xe, lắp đặt trạm biến thế đã được UBND Hoàng Sơn “tuýt còi” nhưng nay vẫn còn tồn tại |
Bên cạnh đó, tại Điều 2 của Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất số 44/GP-UBND, ngày 30/01/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho Doanh nghiệp Hồng Ngọc tại xã Hoàng Sơn, nêu rõ: Trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ phương pháp, quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, an toàn vật liệu nổ. Phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy trình khác có liên quan trong khai thác mỏ.
Vật liệu xây dựng chất cao như núi nằm sát nhà dân |
Quy định rõ ràng, nghiệm ngặt là vậy, nhưng trên thực tế theo quan sát của phóng viên tại mỏ đá của Doanh nghiệp Hồng Ngọc cho thấy: Còn tồn tại nhiều vách đá om, đá treo dựng đứng. Trong khi đó, doanh nghiệp chưa làm đường lên mỏ để khai thác theo kiểu cắt tầng, phân lớp thì có nhiều công nhân không được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động đang tiến hành khoan đục tại khu vực chân và đỉnh núi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.
Nằm cạnh mỏ, là vị trí đặt trạm xay nghiền đá, quá trình hoạt động không được phun tưới nước gây ô nhiễm môi trường. Khu vực sát nhà dân, vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang chất cao như núi, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống khẳng định: Sẽ sớm giao cho phòng chuyên môn kiểm tra, rà soát lại các vi phạm về đất đai, tự ý phá núi để mở đường, khai thác đá không đúng với thiết kế mỏ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Tác giả: Thu Thủy - Đức Duy
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường