Kinh tế

"Nóng" chuyện thực phẩm, hàng dỏm dịp Tết

Công tác chuẩn bị hàng hóa cung cấp cho dịp Tết 2017 đã được TP.HCM chuẩn bị chu đáo và không để xảy ra tình trạng "đội giá" làm ảnh hướng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp.

Không để tình trạng hàng hóa "đội giá"

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đi kiểm tra các đơn vị cung cấp hàng bình ổn trong dịp Tết 2017 tại TP.HCM.

Ngày 29/11, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa làm trưởng đoàn đã làm việc với TP.HCM về tình hình chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, năm 2016, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Có 86 doanh nghiệp tham gia 4 chương trình bình ổn thị trường của TP. Trong đó nhiều nhóm hàng chuẩn bị với lượng lớn, chi phối từ 35% - 52% nhu cầu thị trường.

Hiện các đơn vị đầu mối đều chuẩn bị tốt việc tăng cường bán hàng lưu động. Sở Công Thương thành phố cũng đã phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp, các tỉnh… hầu hết các đơn vị đều khẳng định bảo đảm tình hình cung ứng hàng Tết năm nay sẽ bằng và cao hơn 2016 từ 15-30%.

Tại buổi làm việc đại diện các đơn vị thực phẩm đầu mối đều cho biết công tác chuẩn bị hàng hóa Tết không gặp khó khăn và doanh nghiệp mong muốn người tiêu dùng quan tâm mua sắm những thương hiệu có uy tín để hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Đại diện Satra thông tin, hiện Satra đã chuẩn bị hơn 21.300 tấn hàng hóa, trị giá 1.600 tỷ đồng tăng khoảng 29% so với Tết năm trước. Bên cạnh nhóm hàng bình ổn thị trường, Satra cũng tăng cường tập trung 645 tỷ đồng để xây dựng nguồn hàng bình ổn như bánh kẹo, bia phục vụ cho Tết, tăng khoảng 30-35% so với năm ngoái.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, đơn vị có 81 siêu thị, 8 Co.opfood, 2 đại siêu thị trong dịp Tết năm nay sẽ mở cửa sớm hơn 1 tiếng và đóng cửa muộn hơn 1 tiếng để phục vụ người dân mua sắm. Lượng hàng hóa được Saigon Co.op chuẩn bị tăng 15% so với năm trước.

Riêng về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đại diện Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được TP chú trọng. Hiện nay, TP có 91 xã phường trồng rau an toàn với có khoảng 836 tổ chức cá nhân tham gia cung cấp khoảng 61.000 tấn rau/năm và đạt chứng nhận VietGAP…

Các đơn vị cung cấp thực phẩm lớn tại TP.HCM cam kết không để thực phẩm "đội giá" dịp Tết.


Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, hoàn toàn yên tâm với công tác chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 của TP.HCM. Bà Thoa cũng đánh giá cao việc kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp của TP.HCM. “Chương trình bình ổn tại TP HCM đã được xã hội hóa rất cao, tạo thêm sức mạnh cho chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như mang lại hiệu quả thiết thực cho TP trong việc điều phối hàng hóa, giá cả, góp phần ổn định kinh tế xã hội của cả nước”, bà Thoa nhìn nhận và lưu ý với TP HCM cần đưa hàng bình ổn đến nhiều nơi, nhiều kênh phân phối để những mặt hàng bình ổn có thể đến tận tay người tiêu dùng.

Hàng giả, nhái diễn biến phức tạp

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một kho hàng "mập mờ" nguồn gốc tại TP.HCM.


Trong buổi làm việc về vấn đề kiểm soát hàng gian, hàng giả vừa diễn ra TP.HCM, ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) cho biết, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi.

Lĩnh vực được phát hiện nhiều nhất là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng với quy mô lớn. Đáng lưu ý là việc quảng cáo quá phạm vi chuyên môn để đánh lừa người tiêu dùng.

Ông Hùng cho biết thêm, cuối năm là dịp mà các đối tượng xấu lợi dụng nhu cầu tiêu thụ của người dân để tuồn hàng gian, hàng giả ra thị trường, gây nhiều nguy hại cho người tiêu dùng. Đặc biệt, lượng hàng gian, hàng giả nhiều nhất cả nước hiện nay tập trung ở TP.HCM và Hà Nội.

Theo ông Lê Văn Giang, Cục phó cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2016, các đoàn liên ngành Trung ương và 63 tỉnh thành đã tổ chức kiểm tra 345.106 cơ sở. Qua đó phát hiện 56.978 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 16,51%; đã xử lý 13.307 cơ sở (chiếm 23,35% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 8.920 cơ sở với số tiền phạt hơn 26 tỷ đồng.

Riêng kết quả xử lý vi phạm tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ đầu năm đến ngày 22/11, đã phát hiện, xử lý 86 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 5,5 tỷ đồng. Thu hồi 16 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tạm dừng lưu thông 18 lô sản phẩm vi phạm..

Các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc trung ương và địa phương phối hợp để kiểm soát chặt chẽ hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực y tế. Cụ thể là trong 3 lĩnh vực: Thực phẩm và thực phẩm chức năng; dược và mỹ phẩm; dược liệu trong y học cổ truyền.

Theo Thứ trưởng, cần đặt lợi ích sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu, nếu phát hiện sai phạm trong việc kinh doanh, buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dưới mọi hình thức trong lĩnh vực y tế sẽ xử lý nghiêm. Việc kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm phải khách quan, tuân thủ đúng qui định của pháp luật, tránh làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các cơ sở buôn bán chân chính.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh buôn bán, thứ trưởng kêu gọi phải tuân thủ qui định của pháp luật. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng hãy sáng suốt lựa chọn sản phẩm.

Tác giả bài viết: Trung Kiên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok