Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết trong hôm nay 30-3 có 27 bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại bệnh viện này khỏi bệnh và ra viện. Đây là cơ sở y tế đang tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất trong cả nước, với 80 trường hợp (66 người Việt và 14 người nước ngoài).
Một bệnh nhân người Anh vừa được xuất viện tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Nguyễn Hiển |
Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế trên cả nước.
Bác sĩ Thạch cho biết 30 bệnh nhân nói trên đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 từ 2 lần trở lên, sức khỏe ổn định, đã được điều trị khỏi bệnh. Sau khi ra viện, bệnh nhân sẽ được chuyển theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày tại cơ sở y tế khác.
Được biết, trong số bệnh nhân ra viện hôm nay có bệnh nhân số 17 N.T.H.N. (SN 1993) ở Trúc Bạch, Hà Nội.
|
Bệnh nhân thứ 17 là chị N.T.H.N. được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tối 6-3, 4 ngày sau khi trở về Việt Nam từ London (Anh) trên chuyến bay VN0054 ngày 2-3. Đây là ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở TP Hà Nội và là ca bệnh thứ 17 ở Việt Nam sau 3 tuần Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Trước đó, bệnh nhân này đã từ Hà Nội bay đi London (Anh) vào ngày 16-2. Tại đây, chị N. ở nhà chị gái. Sau đó, hai chị em đến Milan (Ý) bằng máy bay. Chiều 20-2, cô quay trở lại London và ở đây từ ngày 20 đến 25-2. Sau đó, chị N. lên tàu cao tốc từ Anh đến Pháp. Sau đó, chị N. đi tàu cao tốc trở lại Anh và từ London lên máy bay ngày 1-3 về Việt Nam, về tới sân bay quốc tế Nội Bài lúc sáng 2-3.
Từ sân bay, chị N. lên xe riêng của gia đình về nhà tại 125 phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội), ở đó từ ngày 2-3 đến chiều 5-3, chị N. vào Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) khám bệnh. Sau khi thăm khám, với những dấu hiệu không bình thường, chị N. được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2).
Như vậy, cùng với 25 bệnh nhân đã khỏi và ra viện trước đó, tới ngày 30-3, Việt Nam có 52 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh và ra viện.
Về tình hình diễn tiến sức khỏe 3 ca bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2), Bộ Y tế cho biết liên tục trong những ngày qua, các bác sĩ của bệnh viện cùng các chuyên gia đầu ngành trong Tổ chuyên gia của Bộ Y tế đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị nên hiện sức khỏe đã có nhiều tiến triển tốt lên. Trong số này, 1 bệnh nhân đã không còn phải thở máy; bệnh nhân người Anh, 69 tuổi, đang tiến triển khá hơn, đang cân nhắc giảm chế độ máy thở và bệnh nhân số 19 là bác gái nữ bệnh nhân 17 (N.T.H.N) hơn 10 ngày qua phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), hiện sức khỏe đang tốt lên.
2 ổ dịch Covid-19 lớn nhất ở Hà Nội và TP HCM
Bệnh viện Bạch Mai kiểm soát người ra vào trước thời điểm ngừng tiếp nhận bệnh nhân - Ảnh: Ngô Nhung |
Sáng 30-3, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến với ngành y tế 63 tỉnh, thành về tập huấn nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong phòng chống dịch Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết Việt Nam hiện có 2 ổ dịch lớn là quán bar Buddha ở TP HCM và ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai có 3 tâm dịch là: Trung tâm Bệnh nhiệt đới (hiện có 2 nữ điều dưỡng mắc), khoa Thần kinh (3 bệnh nhân từng điều trị và 5 người nhà đi chăm sóc bệnh nhân ở đây đã mắc) và khu vực nhà ăn do Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ (hiện có tới 15 bệnh nhân Covid-19 là người của Công ty này).
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ cao lây nhiễm ra cộng đồng. Trong đó, ông chỉ ra 5 nhóm lớn, được xác định là nguy cơ cao nhất, gồm:
Nhóm thứ 1 là nhóm bệnh nhân đã điều trị ở đây và ra viện. Sau khi xác định đó là ổ dịch, bệnh viện đã rà soát một số đối tượng đã chuyển về các tuyến.
Nhóm thứ 2 là cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân.
Nhóm 3 là học sinh, sinh viên đến thực tập, học tập.
Nhóm 4 là người phục vụ bệnh nhân với 2 nhóm nhỏ là người nhà đến phục vụ và nhóm được người nhà thuê phục vụ bệnh nhân.
Nhóm 5 là nhân viên phục vụ tại bệnh viện với 2 nhóm chính là nhóm phục vụ tại nhà ăn của Trường Sinh, nhóm 2 là nhân viên lái xe điện, nhân viên bảo vệ, nhân viên vệ sinh môi trường…
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, nếu không được phát hiện, giám sát chặt chẽ, nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn.
Tác giả: D.Thu
Nguồn tin: Báo Người lao động