Xa gia đình, đã từng phạm lỗi, thiếu thốn tình cảm từ phụ huynh... nhiều học sinh rất cần sự chia sẻ, động viên của thầy cô quản nhiệm và sự lắng nghe, chia sẻ của nhà trường |
Sáng 23.8, khi đang hỗ trợ ca trực văn hóa tại Trường P.V.H (Q.Gò Vấp), tôi phát hiện một học sinh cúi mặt khóc rưng rức. Người em run lên, miệng liên tục niệm Phật. Hỏi lý do thì biết em là học sinh mới, chưa quen nếp trường nên nhớ nhà. Tôi tâm sự với em một lát thì giáo viên quản nhiệm phụ trách tới dẫn em đi: “Trường hợp này có vấn đề về tâm thần, cô cứ kệ đi”. Tôi rời khu vực đó để tiếp tục công việc trực văn hóa ở lầu 2 nhưng chỉ vài phút sau thì nghe uỳnh một tiếng. Chạy xuống, tôi thấy học sinh khi nãy đang nằm dưới nền nhà. Một giáo viên đỡ em đứng dậy để di chuyển về phía phòng trực ban.
“Không ai hiểu được con”
Sau bữa cơm chiều, tôi gặp lại học sinh đó và được biết em tên Dương Vinh (học lớp 12). Khi bắt đầu câu chuyện, Vinh quỳ lạy xin tôi hãy giúp em. Tôi hứa sẽ giúp nếu em bình tĩnh kể hết mọi chuyện. Vinh kể, cuối năm học lớp 9, em thích thi vào chuyên lý Trường THPT Năng khiếu (TP.HCM) nhưng ba mẹ không đồng ý. Sau đó, em vào học một trường THPT gần nhà. Ở đây, mặc dù vẫn đạt học sinh giỏi nhưng em luôn cảm thấy mình kém cỏi và khó hòa nhập. Em bắt đầu chơi game, xem phim hoạt hình… Ở thế giới ảo, em cảm thấy mình được thấu hiểu, chia sẻ.
Khi đọc được ở đâu đó câu nói: “Khi đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, nếu có thứ gì đó giữ bạn lại thì bạn nên sống. Nếu không thì bạn có thể chết”. Muốn làm một phép thử nên Vinh đứng ở cầu thang giả bộ chuẩn bị nhảy thì bạn bè phát hiện gọi thầy cô. Mọi người cùng kéo Vinh vào khiến em nhận ra vẫn có rất nhiều người ở bên mình, muốn mình sống. Tuy nhiên, sau đó việc Vinh tự tử lại lan truyền. Em thường nghe người ta nhắc chuyện mình tự tử nên stress nặng, chìm vào thế giới ảo, chơi game xuyên đêm, đôi khi chửi bới tục tĩu.
|
Từ khi được ba mẹ đưa vào trường nội trú, Vinh biết quét nhà, giặt quần áo, biết tự lo cho mình (những việc trước đây Vinh chưa từng đụng tay) nhưng… “Ở đây buồn quá. Lên lớp muốn học cũng không được vì bạn ồn ào, quậy phá. Về phòng thì bị bạn gây chuyện, chọc cho cãi lại để... đánh nên nhiều khi không có lỗi con cũng phải xin lỗi để yên thân. Cô ơi, con muốn về nhà!”, Vinh lại khóc.
Không giống Vinh khao khát được về nhà, Bích Thủy (học sinh lớp 10) nức nở với tôi: “Con chỉ ao ước ra ngoài gặp bạn khoảng ba tiếng rồi về trường”. Tôi hỏi, vì sao ba tiếng ấy không phải để về nhà, Thủy trả lời, nước mắt chảy dài trên má: “Sau khi ly hôn, ba lấy vợ mới. Ở với dì ghẻ nên chuyện gì con cũng sai. Trong mắt ba bây giờ con chỉ là cái máy ngốn tiền. Mỗi lần cho con tiền học, tiền tiêu ba lại đay nghiến con là đồ hãm tài giống hệt mẹ con”, Thủy nhớ lại.
Mang tiếng ở với ba nhưng Thủy thường chạy xe về nhà ngoại ở. Ở đây em xin việc làm thêm, lúc rảnh thì vào tiệm chơi game. Trong game, Thủy được là chính mình. Chơi lâu rồi ghiền, có khi ba, bốn ngày Thủy mới về một lần. Tắm rửa lấy đồ xong lại đi nhưng cũng chẳng ai quan tâm.
Sống như thế mấy năm, mẹ Thủy quyết định nói chuyện với ba để Thủy vào học nội trú. Mỗi thứ bảy, chủ nhật khi thấy ba mẹ các bạn khác lên thăm, cô bé lại tủi thân, tìm góc nào đó để khóc một mình. “Đôi lúc con thấy mình thật bất hạnh. Nếu được chọn lựa, con không muốn được sinh ra để sống cuộc sống như hiện tại”, Thủy ngậm ngùi.
Về đâu?
|
Ở nội trú tới năm thứ 3 nhưng chị em N.T.Y (học sinh lớp 5) và N.H.K (học sinh lớp 3) tại một trường tiểu học nội trú ở Q.Gò Vấp vẫn chưa biết lý do mình bị đưa vào đây. Người ký hợp đồng gửi chị em Y. vào trường là họ hàng chứ không phải ba mẹ của Y. bởi mẹ em đã chết còn ba em đang ở tù với tội danh giết vợ. Lý do này vẫn được người lớn giấu kỹ.
Lúc xảy ra chuyện, Y. mới 7 tuổi còn K. lên 6. Bất đắc dĩ người thân phải gửi hai em vào nội trú mong các em sẽ không biết chuyện buồn. Ngày lễ, tết mọi người không dám đón Y. và K. về chơi vì sợ hàng xóm láng giềng lời qua tiếng lại, sợ nếu biết chuyện 2 chị em sẽ không vượt qua nổi. Trong hợp đồng ký với trường nội trú, người thân của Y. đã cam kết sẽ gửi các em tới khi học xong lớp 12.
Tức là cả tuổi thơ của chị em Y. sẽ gắn liền với trường nội trú.
Dạo gần đây, mỗi khi thấy bạn bè được người thân đón về nhà, Y. đều thắc mắc: “Vì sao ba mẹ con không đến? Giáo viên quản nhiệm phải giải thích vì ba mẹ em đi nước ngoài làm ăn, công việc khó khăn chắc lâu nữa mới về được. Giáo viên quản nhiệm cũng an ủi các em yên tâm nếu thương ba mẹ thì phải gắng học thật giỏi. Đôi lần, K. đòi gặp mẹ để khoe tranh tự tay em vẽ, giáo viên quản nhiệm phải giả gấp bức tranh vào thư để gửi cho ba mẹ K. ở nước ngoài. Vài hôm sau, cô lại tự mình viết thư trả lời với lời lẽ vui vẻ để giúp chị em Y. và K. thêm động lực.
“Tại sao ba mẹ lại bỏ rơi chị em con. Con chỉ muốn một lần được ngồi trong bữa cơm gia đình có đủ cả ba và mẹ để khoe về những cố gắng ở trường nhưng không được…”, N.T.Y ngậm ngùi.
Dù ý thức được hoàn cảnh không cho phép ba mẹ về thăm nhưng cuối tuần, chị em Y. thường đứng ở hàng rào sắt nhìn ra đường. Không ít lần thấy bạn khác được ba mẹ âu yếm chị em Y. đứng khóc rưng rức. Chứng kiến những giọt nước mắt ấy, quản nhiệm chỉ dám quay mặt làm ngơ... (còn tiếp)
Tác giả: Lam Ngọc
Nguồn tin: Báo Thanh Niên