Kinh tế

Nơi nông dân Việt trở nên giàu hơn nhân viên nhà băng

Đầu tư nước ngoài biến những làng quê nghèo khó thành các khu công nghiệp lớn, đem lại thu nhập cũng như cơ hội cho người dân đổi đời.

Vài năm trước, khu vực mà bà Nguyễn Thị Dung sống là một trong những vùng nghèo nhất Việt Nam. Hàng ngày, bà nuôi gà và trồng lúa để mưu sinh. Năm nay, bà hy vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn bởi những đổi thay mà Samsung mang đến.

Bà Dung từng làm nông, nay cho thuê trọ và bán đồ ăn cho công nhân làm việc tại Samsung. Ảnh: Bloomberg.


Cách đây 7 năm, gã khổng lồ ngành điện tử Hàn Quốc đã biến những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay của tỉnh Bắc Ninh thành nơi lắp ráp những chiếc điện thoại thông minh của hãng. Theo Bloomberg, quyết định này đã biến ngôi làng ngủ yên của bà Dung thành trung tâm xuất khẩu lớn thứ 2 Việt Nam, sau TP.HCM.

"Cuộc sống của chúng tôi đi lên đáng kể từ khi Samsung đến", người phụ nữ 57 tuổi nói. Bà từng làm nông nhưng hiện tại, bà cho thuê trọ và bán đồ ăn cho công nhân làm việc trong các dây chuyền lắp ráp. Bà Dung hy vọng kiếm về 68.000 USD (khoảng hơn 1,5 tỷ) trong năm nay.

“Tôi muốn mua ôtô và bảo các con chở tôi đi chơi”, bà nói.

Samsung Electronics Co. và các chi nhánh đã xây một thị trấn công nghiệp với 45.000 lao động trẻ cùng hàng trăm nhà phân phối. Việc đầu tư này là một vận may cho các doanh nghiệp tại Bắc Ninh.

Theo văn phòng thống kê của tỉnh, gần 2.000 khách sạn và nhà hàng mới khai trương trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, giúp tăng GDP bình quân đầu người của tỉnh cao gấp 3 lần mức trung bình quốc gia.

“Sự đầu tư của Samsung tạo ra bước đột phá trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ của Bắc Ninh mà còn của Việt Nam, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa đất nước”, ông Nguyễn Phương Bắc, người đứng đầu viện kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh, nhận định.

Samsung chính là biểu tượng cho chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn các doanh nghiệp nước ngoài muốn rời khỏi Trung Quốc, nơi chi phí sản xuất và lương công nhân đang tăng nhanh.

Khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn những năm 1980 và 1990 đã giúp quốc gia đông dân nhất thế giới xây dựng những nhà máy “cây nhà lá vườn” và cuối cùng là các công ty toàn cầu của riêng họ.

Samsung Electronics mở nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1992. Giờ đây, công ty đặt cược lớn vào Việt Nam.

Xin ưu đãi riêng

Những chiếc xe bus màu trắng được trang trí với logo màu xanh của Samsung lao vun vút qua những con trâu nước chăn thả dọc trên tuyến đường từ nhà máy sản xuất pin Samsung SDI Co. Những chiếc xe tải chở hàng lô điện thoại thông minh Galaxy trên tuyến đường cao tốc Bắc Ninh – Nội Bài tới sân bay quốc tế, nơi công ty đã yêu cầu một cảng hàng hóa dành riêng cho doanh nghiệp.

Những khu công nghiệp đã khiến nông thôn nghèo khó của Việt Nam chuyển mình. Ảnh: Bloomberg.


Tuần này, giới truyền thông địa phương cho biết Samsung vừa xin phòng hải quan miễn thuế để tái nhập khẩu Galaxy Note 7 lỗi. Công ty từ chối bình luận việc sản xuất điện thoại hoặc chi tiết về vụ thu hồi sản phẩm.

Hơn một nửa trong số 856 công ty nước ngoài đầu tư tổng cộng 11,9 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh vào tháng 6 liên quan đến Samsung. Đầu tư nước ngoài hiện chiếm 60% nền kinh tế của tỉnh, ông Nguyễn Đức Cao, Phó giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, nói.

Samsung đầu tư 15 tỷ USD tại Việt Nam, đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, vận chuyển khoảng 33 tỷ USD thiết bị điện tử vào năm ngoái.

Trước khi gã khổng lồ Hàn Quốc đến, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và các sản phẩm viễn thông khác của Việt Nam là 593 triệu USD.

Ngoài 2 nhà máy tại Bắc Ninh, Samsung mở thêm một số nhà máy gần tỉnh Thái Nguyên và TP.HCM – sử dụng khoảng 130.000 lao động trên toàn quốc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công việc kinh doanh tại Việt Nam và kế hoạch mở rộng của chúng tôi phụ thuộc vào xu hướng thị trường và người tiêu dùng”, công ty tuyên bố.

Phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam đòi hỏi đất nước trở thành “một thiên đường đầu tư”, Scott Rozelle, một chuyên gia về phát triển kinh tế của Đại học Stanford, nói.

Samsung và những chuyến đi

Brian McCaig, một nhà nghiên cứu về tình trạng đói nghèo ở Việt Nam, nhận định việc chuyển đổi ruộng lúa sang dây chuyền sản xuất mang lại công việc ổn định, thu nhập và lợi ích an sinh xã hội cao hơn cho người dân. Công nhân gửi một phần thu nhập của họ cho gia đình, với số tiền gửi về chiếm khoảng 7% tổng thu nhập nông thôn vào năm 2014.

Những lao động của Samsung chờ xe đưa đón của công ty. Ảnh: Bloomberg.


“Điều kiện làm việc tại Samsung rất tốt”, Lê Thị Hoa, công nhân 22 tuổi làm việc trong dây chuyền lắp ráp của Samsung SDI tại Bắc Ninh, nói. “Doanh nghiệp chăm lo đến đời sống người lao động, gồm việc đóng bảo hiểm cũng như tổ chức đi du lịch cho nhân viên”.

Samsung giúp Việt Nam cạnh tranh với những cái tên như Bangladesh, Thái Lan và Indonesia trong quá trình kế thừa những công việc trong nhà máy của Trung Quốc. Tuy nhiên, không nơi nào hội tụ đủ các yếu tố giống Trung Quốc như lao động rẻ, nguồn vốn rẻ, thị trường nội địa lớn, cơ sở hạ tầng có sẵn, trình độ lao động cao cũng như ý chí chính trị thúc đẩy sự bùng nổ công nghiệp.

Nếu Việt Nam làm theo mô hình của Trung Quốc, đất nước sẽ cần phải phát triển các nhà cung cấp “cây nhà lá vườn”, nơi có thể cung cấp các linh kiện cao cấp hơn so với các sản phẩm cơ bản như bao bì.

“Nếu không thể tham gia chuỗi cung ứng với các sản phẩm có giá trị cao, nền kinh tế của chúng tôi sẽ phụ thuộc khá nhiều vào các công ty nước ngoài và các công ty địa phương sẽ nhận phần lợi ích rất hạn chế”, ông Bắc nói.

Samsung cho biết doanh nghiệp đã ký hợp đồng với 200 công ty Việt Nam.

Trong khi đó, cư dân Bắc Ninh đang gặt hái những vận may từ trên trời rơi xuống. Em họ của Lan, từng làm xe ôm, hiện bán rau, trứng và thịt cho nhà ăn của nhà máy Samsung SDI – nơi hoạt động suốt ngày đêm.

“Anh họ của tôi vừa mua một mảnh đất với giá 1,2 tỷ (khoảng 54.000 USD). Anh định xây một nhà nghỉ tại đó”, Lan nói.

Tác giả bài viết: Kim Ngân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok