Cuối cùng, sau 9 năm đàm phán, hoàn thiện các thủ tục, lô thanh long Việt Nam "made in Long An" đã được xuất khẩu sang thị trường Úc, vào chiều 20-9 vừa qua. Tin vui này còn được nhân lên gấp bội khi Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới được cấp phép xuất khẩu thanh long tươi vào Úc.
Điệp khúc "được mùa mất giá" vẫn là nỗi niềm của người trồng thanh long ở Bình Thuận |
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn quốc có 32 tỉnh, thành trồng thanh long. Trong đó, "thủ phủ" của trái thanh long là Bình Thuận, với trên 22.000 ha (chiếm hơn 70% tổng diện tích thanh long cả nước), đạt sản lượng gần 500.000 tấn/năm. Do vậy, khi nghe tin Long An chính thức xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Úc - một thị trường "khó tính" nhất nhì thế giới - khiến người trồng thanh long ở Bình Thuận canh cánh nỗi niềm.
Không canh cánh sao được khi thanh long được xác định là loại trái cây chủ lực của Bình Thuận nhưng hàng chục năm qua, người chuyên canh thanh long của tỉnh vẫn không thể khá lên vì giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận cho thấy ít nhất trên 75% sản lượng trái thanh long được xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch mỗi năm. Và rất nhiều lần, khi thị trường Trung Quốc bất ngờ đình trệ thì hàng chục ngàn nông dân và doanh nghiệp chuyên mua bán thanh long ở Bình Thuận lại rơi vào tình cảnh khốn khó vì hàng bị ứ đọng, phải bán đổ bán tháo, thậm chí đổ bỏ cho bò ăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, giới đầu nậu Trung Quốc ít khi xuất hiện ở Bình Thuận mà chủ yếu thông qua "cò" trong tỉnh để thu gom thanh long. Giới thương lái Trung Quốc rất ma mãnh. Trước khi trái thanh long được thu hoạch rộ, họ điều nghiên rất kỹ sản lượng. Nếu thanh long được mùa họ sẽ ép giá cho "cò". Ngược lại, họ có thể tăng giá nhưng chỉ chút ít, không tương xứng với nguồn cung. Không chỉ thương lái trong nước, cả nông dân Bình Thuận liên tục rơi vào tình cảnh "lên bờ xuống ruộng" với tư thương Trung Quốc là vậy.
Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận - từng chia sẻ với chúng tôi rằng: "Không ai cứu mình bằng chính mình. Muốn vậy, bà con phải quyết tâm theo định hướng của ngành nông nghiệp là đầu tư canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, nâng chất lượng trái thanh long, để nó trở thành mặt hàng giá trị, tiến sâu vào thị trướng các nước Âu, Mỹ".
Hiện nay, Bình Thuận chỉ có hơn 10 trang trại canh tác thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) với tổng diện tích khoảng hơn 220 ha. So với tổng diện tích thanh long toàn tỉnh thì con số vừa nêu quả là quá nhỏ.
Thật ra, trái thanh long Bình Thuận từng xuất chính ngạch thông qua hợp đồng thương mại sang Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, kể cả Mỹ nhưng chỉ sau thời gian ngắn lại bị đình trệ, do chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu.
Cuối cùng, thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực của trái thanh long Bình Thuận.
Câu chuyện thị trường cho trái thanh long Bình Thuận, từ nhiều năm qua, vẫn trong vòng luẩn quẩn. Vậy nên, một khi những quyết sách hữu hiệu của UBND tỉnh và các ngành chức năng Bình Thuận chưa được thực hiện đồng bộ thì người trồng thanh long ở Bình Thuận vẫn còn canh cánh nỗi niềm.
Tác giả: Lê Trường
Nguồn tin: Báo Người lao động