Cuộc sống

Nỗi lòng cô dâu được người yêu nhường cho anh trai cưới

“Ông ấy không còn mà chú ấy cũng không còn. Ông ấy mất vì suy hô hấp cấp. Năm năm sau, chú ấy cũng ra đi vì bệnh tiểu đường tuýp 4. Dẫu tôi lấy ai, ông trời cũng không cho trọn kiếp bên người đó”, bà lão buồn bã nói.


1 SKVF jpg ashx
Hình minh họa

Ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, hàng chục năm trước có chuyện một chàng trai thuyết phục người yêu sắp cưới của mình hãy vì nghĩa cả mà kết hôn với người anh ruột của mình là một thương binh nặng. Những người trong cuộc ngày ấy, bây giờ ra sao?.

Yêu, hay đền ơn cứu mạng?

Tôi đã tìm đến người sót lại trong câu chuyện ấy, tại địa chỉ ấy. Đó là bà Hoàng Thị Hồng, năm nay tuổi chẵn 70. Chồng bà đã mất cách đây 18 năm vì tai biến do vết thương cũ trong chiến tranh tái phát. Hai con trai đầu cũng không còn vì tai nạn tàu chìm lúc đang đánh cá trên biển.

Da mặt nhăn nheo, mái tóc lơ thơ đốm bạc, dáng đi hơi còng, chân tay ốm yếu đã nói lên những nỗi buồn bao ngày tháng mà bà đã nếm trải.

Nhắc lại chuyện thời tuổi trẻ, đôi mắt bà bỗng trở nên xa xăm: “Ông ấy không còn mà chú ấy cũng không còn. Ông ấy mất vì suy hô hấp cấp. Năm năm sau, chú ấy cũng ra đi vì bệnh tiểu đường tuýp 4. Dẫu tôi lấy ai, ông trời cũng không cho trọn kiếp bên người đó”.

Bà kể, thuở đó, cả xóm chỉ có một giếng nước ngọt ở phía sát bờ sông. Hàng ngày nhà nào cũng quẩy gánh đến đó để múc nước, đưa về nhà. Mọi chuyện khởi đầu khi bà gặp chàng trai hơn bà một tuổi, ở cùng xóm. Một buổi tối, sau chiều đi mò ngao ở biển về để sáng mai đi chợ bán, bà xuống sông tắm.

Bến vắng, bà bơi ra xa. Không may, chuột rút, bà không bơi vào được. Bà kêu to, ú ớ, hai tay vùng vẫy trong nước, người chìm dần. Đang chuẩn bị quẩy gánh nước về nhà, nghe tiếng gọi cứu, chàng trai vứt luôn đôi thùng nước, lao xuống, bơi ra kéo cô gái vào bờ.

Tháng 2/1965, đế quốc Mỹ đánh vào Đồng Hới, Quảng Bình, mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Thanh nữ Hồng vừa là xã viên của tổ hợp tác nữ dệt lưới trong xã, vừa là dân quân tự vệ. Ngày sản xuất, đêm vác súng cùng tiểu đội ra canh phòng bảo vệ bờ biển. Người yêu, ân nhân của cô, như bao chàng trai thời chiến khác, tình nguyện lên đường ra trận.

Anh đi theo dấu chân của anh trai mình trước đó đã đi, đang là lính hải quân của tiểu đoàn Sông Gianh. Người em gia nhập quân đội thuộc lực lượng bộ đội biên phòng. Sau năm năm trong quân ngũ, anh ra quân rồi chuyển sang làm cán bộ công tác tại ngành vật tư. Tháng 5/1972, theo dự định của hai người, họ sẽ báo cáo, xin phép hai gia đình làm lễ dạm hỏi, sau đó sẽ tổ chức đám cưới.

Đề nghị bất ngờ

Trước đó mấy tháng, anh trai chàng trai ấy, người lính hải quân lập công trong nhiều trận đánh bảo vệ quê hương, bị thương nặng, được xếp hạng thương binh loại 2, đã ra quân.

Mấy tháng sau, sau khi điều trị tạm ổn, anh trở lại đơn vị. Trong một lần chiến đấu chống máy bay Mỹ, anh bị bom dập. Bác sĩ đã phải cắt bỏ hai xương sườn. Lá phổi bị rách, phải khâu lại. Mảnh bom còn làm ảnh hưởng đến dây thần kinh cột sống. Mỗi lần di chuyển hay thời tiết thay đổi, anh quằn quại đau, phải ra quân.

“Từ ngày anh trai người yêu tôi lúc đó ra quân, do hậu quả bom đạn Mỹ mà sức khỏe không bình thường, tôi thường lui tới chăm sóc. Sự có mặt của tôi khiến trong nhà anh ấy ai cũng quý mến. Lúc đó, tôi tự hào chưa phải là dâu con gì trong nhà nhưng cả nhà, nhất là anh trai người yêu đã dành cho tôi những tình đầy thiện cảm”, bà Hồng bộc bạch.

Sau ngày người yêu đi bộ đội biên phòng trở về, chuyện của bà Hồng bỗng… sang chương mới. Người em rất thương anh của mình. Vì những hậu quả của chiến tranh khiến cơ thể anh không còn lành lặn. Và anh cũng nhận ra do hay lui tới săn sóc mà những tình cảm nồng nàn, khát khao của anh mình với “em dâu tương lai” đã nảy sinh.

“Vậy rồi, một buổi tối, ở cơ quan về, ngang qua nhà, chú ấy dặn tôi, tối đó ra gốc đa làng, bên bờ sông để gặp. Ăn cơm, dọn dẹp xong, tôi ra ngay thì thấy chú ấy đứng đó rồi. Khác với mọi hôm, chú ấy rất trang trọng. Khuya lắm, chú ấy mới nói câu này, và đó cũng là lý do tôi chấp nhận làm chị dâu sau này của chú ấy:

“Anh đã cứu sống em khỏi bàn tay của Hà bá. Vậy, em hãy vì anh mà kết tóc se tơ với anh của anh. Anh không bao giờ quên tình nghĩa cao cả của em”, hàng chục năm đã qua, bà Hồng vẫn rấm rứt khóc khi nhớ lại chuyện cũ.

Đám cưới giữa bà và anh trai người yêu cũ của bà, được tiến hành sau đó một tháng. Từ ngày lấy được vợ, tình yêu và hạnh phúc gia đình đã làm người thương binh khỏe mạnh thêm.

Năm 1990, chồng bà qua đời vì vết thương cũ tái phát và biến chứng. Họ có với nhau bốn con trai, một gái. Hai con trai đầu đều mất tích trên biển do thuyền đánh cá bị tàu lớn đâm chìm như đoạn trên đã kể. Hai con sau đã có gia đình và cuộc sống làm ăn khá ổn định. Cô gái cả buôn bán, làm ăn giàu có, đã cho mẹ và em út tiền làm nhà hai tầng. Bà Hồng đang sống trong ngôi nhà đó.

Nhường vợ sắp cưới cho anh, hai năm sau thì người em lấy vợ. Đó là một giáo viên trường THPT trong vùng. Họ có với nhau một người con gái. Cách đây mấy năm, người em qua đời vì bệnh tiểu đường tuýp 4. Bà lão nhắc lại nỗi niềm: “Dẫu tôi lấy ai, ông trời cũng không cho trọn kiếp bên người đó”.

Tác giả bài viết: Hồ Ngọc Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok