|
Một mặt, nếu lời nói có tính tích cực thì xem như gợi mở về một cảm xúc nồng ấm, vui vẻ để mở lòng người khác. Mặt khác nếu có tính tiêu cực thì có thể xem đó là thứ chặn đứng niềm vui, thậm chí là vũ khí sát thương, giết chết xúc cảm và mối quan hệ thầm lặng nhanh nhất.
Lời nói tiêu cực có tính miệt thị hoặc kể cả vô tâm lặp đi lặp lại nếu không trực tiếp làm người ta chết ngay được thì cũng dễ làm hao mòn xúc cảm, xô ngã người ta ra xa, khiến cho người ta cảm thấy lạnh hơn băng giá. Lời nói thốt ra như mũi tên bắn đi không thu hồi được lại có khả năng giết chết người khác một cách vô cùng sắc bén.
Năm đó, khi cậu con trai làm đổ chén nước mắm do bất cẩn, anh chồng ấy quay sang, quắc mắt: “Ngu. Cái thìa to thế mà để vào thì làm sao cái bát nhỏ đỡ được mà chả đổ. Nguyên lý là nhẹ làm sao thắng được nặng. Học rồi mà ngu…”.
Thằng bé học chuyên Lý có vẻ ít được tôi luyện thực tế, mặt sa sầm, gằn giọng: “Vâng, con ngu. Thế bố tìm đứa con khôn mà nuôi đi”. Nói đoạn nó bỏ ra khỏi phòng ăn, để lại không khí ngột ngạt như kiểu vừa có trận thiên lôi mù mịt ngoài sa mạc trong căn phòng vốn được trang trí rất đẹp.
Một lần khác khi chị vợ gọi điện nhắn: “Mẹ đang dở chuyện với bác Hoa. Bố bảo con đặt cơm và luộc rau trong tủ lạnh mẹ nhặt rồi nhé”. Một lúc chị vợ về dọn cơm, thấy bát rau luộc đục ngầu. Hỏi ra mới biết, hóa ra con hiểu lầm là “rau đã rửa” chứ không phải là “rau đã nhặt nhưng chưa rửa”. Anh chồng mắng ngay tại bữa “cái tội mẹ mày thích thể hiện. Gọi điện ở nhà bác Hoa có đông người nên muốn mọi người nghĩ là mình đảm chứ gì? Ra cái điều là ta chăm chút từng tý cho gia đình chứ gì?”.
Chị vợ khẳng định là có thể hiện gì đâu, mà thể hiện gì cái việc rửa rau hay không rửa rau ấy. Thấy căng thẳng, đứa con bảo: “Thôi mà bố, không ăn giờ thì chiều nấu rau khác ăn bù, có sao đâu”. Anh chồng bực mình vì bát rau đổ đi, đay nghiến vợ: “Lại còn cãi ah? Nếu không muốn thể hiện thì chỉ cần bảo là “có rau trong tủ lạnh” thì con sẽ biết và tự hiểu là rau chưa làm sạch. Thích thể hiện ta đây đảm đang nên thế chứ còn gì nữa?”.
Chị vợ không nuốt nổi miếng cơm. Càng ngày chị càng nhận thấy, hóa ra đây chính là nguyên nhân mà 2 đứa trẻ không bao giờ tôn trọng lời mẹ nói. Chúng nhìn bố đối xử với mẹ như thế và trong mắt chúng, mẹ là người “có hành động không đúng”. Đó cũng là lý do vì sao mà người ngoài nhìn vào gia đình họ, bảo “chị vợ hạnh phúc nhỉ, chồng giỏi giang, nhà cửa con cái đầy đủ” mà sao chị vợ mặt cứ rầu rĩ, hiếm khi thấy cười vui. Chị tâm sự với chị bạn thân “em chỉ mong mình biến mất khỏi cõi đời này thôi”.
Còn cô bạn tôi lại là người “tâm Phật khẩu xà” tốt tính nhưng chết nỗi lời nói cay nghiệt cứ thốt ra một cách vô thức. Những câu nói vô tâm, bốc đồng làm tan bao nhiệt huyết dâng trào của chồng con. Lúc tranh luận không lựa lời, khi quá khích nói tùy tiện, “cả bố cả con biết gì mà nói. Chỗ mẹ làm nghiên cứu đầy đủ rồi. Đã dốt thì dựa cột mà nghe”.
Rồi một hôm khác lại ca cẩm “đàn ông nhà này chán quá. Từ con tới bố chả ai biết sửa điện…”.
Hồi các con nhỏ đã đành, chúng lớn dần với những suy tư không đơn thuần là lời khen chê, mà lời nói của mẹ trở thành lưỡi dao đâm vào lòng con trẻ.
Ông bố thì nhiều lần được phen mất mặt với các con. Anh ta trở nên ghét vợ và muốn trốn tránh khi có vợ ở nhà. Nhiều khi vợ phát ngôn quá vô tình khiến anh tan nát cõi lòng. Rồi sau một thời gian, anh ta không chịu nổi đã làm đơn ly dị, 2 đứa con nhất mực theo bố, không đứa nào theo mẹ. Những vết sẹo trong lòng anh chồng và những đứa con không bao giờ mất đi. Xúc cảm chết rồi, làm sao cứu vãn?
Khi nói lời cho sướng bản ngã, thỏa mãn sự bực tức trong lòng nhưng làm đau người thân, nghĩa là đã giết chết những tế bào yêu thương trong lòng người khác, để lại hậu quả đáng tiếc, như vậy thật chẳng đáng chút nào!
Tác giả: Vũ Tùng
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại