Từ ngày 8/4, Uber sẽ chính thức chia tay Việt Nam, sau gần 4 năm làm thay đổi thị trường taxi truyền thống, tạo ra thói quen di chuyển bằng “taxi giá rẻ” cho người Việt.
Grab sẽ "một mình một ngựa" khi không còn đối thủ trực tiếp Uber. Ảnh: CNBC. |
Là một khách hàng quen thuộc của hai ứng dụng này vài năm nay, chị Ánh Hồng – nhân viên một ngân hàng ở Cầu Giấy – Hà Nội, đang lo ngại giá cước taxi công nghệ sẽ tăng theo khi không còn cuộc cạnh tranh giữa Grab và Uber. "Trước mỗi lần đặt xe, mình đều kiểm tra giá xem bên nào rẻ hơn thì sử dụng. Nhưng giờ đây chỉ còn lại Grab, sợ họ sẽ đưa ra mức giá cao", chị Hồng nói.
Anh Hoàng Việt, trú tại Nghĩa Đô (Hà Nội), người hay dùng taxi công nghệ vì có con nhỏ, cũng lo Grab sẽ ít tung ra mã khuyến mại hơn. Theo anh, Uber giá có phần rẻ hơn Grab, đặc biệt trong giờ cao điểm, ngày mưa bão. Vì vậy, khi không còn Uber, người dùng có thể sẽ thiệt thòi hơn.
Chuyện Grab độc quyền, đẩy giá cước tăng không chỉ là lo ngại của người dùng. Trao đổi với VnExpress, các chuyên gia cũng nhìn nhận nguy cơ này là hiển hiện.
Ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự đoán, Grab nhiều khả năng sẽ thao túng giá cả theo cách của họ, khi không còn đối thủ trực tiếp. “Khi độc quyền thì Grab trở nên quyền lực đối với cả khách hàng và lái xe”, ông Thành nói.
Không chỉ lo lắng về giá cước, mức chiết khấu với lái xe cũng là điều nhiều người quan tâm khi Grab tiếp quản toàn bộ Uber ở Việt Nam. Nhận thông báo "chia tay" từ Uber chiều 26/3, những tài xế vay tiền ngân hàng để mua xe chạy GrabCar như anh Hoài Nam (Hà Đông, Hà Nội) đang rất lo lắng.
“Hiện tại, chiết khấu của hai hãng chỉ chênh lệch nhau khoảng 1%. Tôi và nhiều anh em lái xe đang sợ khi giờ chỉ còn lại một mình, Grab có thể tùy ý tăng giảm chiết khấu và không cần nhìn ngó đối thủ”, anh Nam cho biết.
Một số tài xế khác cũng bày tỏ lo ngại, lái xe nào không chấp nhận được mức chiết khấu, Grab sẵn sàng cho nghỉ vì đang chào mời hàng nghìn lái cũ từ Uber chuyển sang.
Các hãng taxi truyền thống vốn không thích sự có mặt của những Uber, Grab nhưng sự ra đi của một trong hai có thể chưa phải tin vui cho họ. Ông Trương Đình Quý - Phó tổng giám đốc Công ty Vinasun cho rằng, thị trường khi chỉ còn mình Grab sẽ "càng nguy hiểm hơn" với doanh nghiệp Việt Nam. “Bởi lẽ, giờ đây Grab đang ở vị trí thống lĩnh và với tiềm lực tài chính mạnh cùng chiến lược "giá huỷ diệt", Grab đang tiến gần tới độc quyền”, ông Quý nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thành đặt vấn đề cuộc chiến giữa Grab và taxi công nghệ sẽ phức tạp, sau khi một doanh nghiệp toàn cầu như Uber vẫn có thể bị công ty này đánh bại. Do đó, theo ông, các hãng taxi truyền thống nên tập trung xây dựng cho mình chiến lược cạnh tranh với taxi kiểu mới.
Đồng thời, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, các doanh nghiệp taxi truyền thống nên thận trọng với những phương thức cạnh tranh mới từ Grab trong thời gian tới.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, sự xuất hiện của Uber, Grab vừa qua đã có tác động rất lớn thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới dịch vụ ngành vận tải taxi và là một phần tiền đề cho các cải cách về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. “Hy vọng rằng sự thâu tóm, độc quyền về một ông lớn không làm giảm sức ép cạnh tranh, đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng. Nếu không, đó lại là một tín hiệu xấu từ doanh nghiệp”, ông Tuấn bình luận.
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng vừa có văn bản yêu cầu Grab Taxi Việt Nam cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại mảng kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Tác giả: Anh Tú - Anh Minh
Nguồn tin: Báo VnExpress