Nhân ái

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”!

73 tuổi, sức tàn, lực kiệt với cơ thể gầy nhom chỉ có da bọc xương nhưng hàng ngày bác Môn vẫn phải trốn đòn roi của chính em trai mình. Cay đắng, nghẹn ngào, nhiều khi bác muốn chết đi cho xong, nhưng còn đó 6 con người đang sống phụ thuộc vào mình khiến bác tiếp tục phải sống, phải lao đi làm quần quật mà vẫn không lo đủ bữa cơm, bữa cháo cho cả nhà.

“Ở cái xứ này, hoàn cảnh của ông Môn là khổ nhất mà chúng tôi vẫn cứ đau đáu nhiều năm qua. Con trai ông ấy mới chết chưa được 50 ngày đâu các cô ạ. Mẹ già đã 95 tuổi rồi, giờ chỉ ngồi trên giường thôi chứ không biết gì cả. Ông Môn phải nuôi cùng lúc 2 em trai, 1 em gái và 2 mẹ con nhà người cô ruột, tất cả mấy người đó đều ngẩn ngơ không biết gì cả, nhưng lại đánh lại cả ông Môn khiến ông ấy khổ tâm lắm”. Một vài câu kể ngắn gọn của chú Trần Trung Tặng - trưởng xóm 9, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định về gia đình đặc biệt của bác Môn khiến chúng tôi cứ trăn trở mãi trước khi về thăm.

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”! - 1

2 em trai và 1 em gái của bác Môn không bình thường.

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”! - 2

Cô ruột của bác Môn là bà Sen giữa trời nắng chang chang vẫn khoác lên mình 10 chiếc áo.

Đã quá trưa, khi đó tầm khoảng 1h chiều, theo chân cán bộ thôn, xã trở vào thăm bác Môn nhưng bác đi làm cỏ thuê chưa về. Ngó trước, nhìn sau, trong ngôi nhà thấp nhỏ có cụ Phạm Thị Nhớn đã 95 tuổi là mẹ của bác Môn đang nằm trên giường yếu ớt. Ngoài nhà là 3 em của bác gồm cô Doãn Thị Hòa, chú Doãn Văn Đê, Doãn Văn Nam đang thi nhau kể những câu chuyện không liên quan gì đến nhau. Ngoài sân là cô của bác Môn, bà Doãn Thị Sen giữa cái nắng hè hầm hập vẫn khoác trên mình chiếc áo bông to xù và khoác chiếc bị chuẩn bị đi xin ăn.

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”! - 3

Ngày nào bà Sen cũng đi xin ăn nhưng không bao giờ có gì mang về cả.

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”! - 4

Chú Nam (em trai bác Môn) là người hay đánh bác và gây sự với mọi người trong gia đình.

Theo như người làng kể lại, đó là công việc thường ngày của bà nhưng vì bản tính hâm hâm không biết gì nên có khi xin được, về đến nửa đường bà lại vứt đi nên chẳng khi nào có gì mang về cả. Còn con trai bà là anh Doãn Văn Ngốc cứ lang thang hết nhà nọ, đến nhà kia từ sáng đến tối mịt cũng không chịu về nếu như bác Môn không lọ mọ soi đèn đi tìm về.

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”! - 5

Chú Đê thì lành tính, nhưng không biết làm gì cả.

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”! - 6

Cả người chú Đê nổi lên đầy những u cục.

Đứng ngó nghiêng một lúc thì bác Môn về, trên người mồ hôi túa ra như tắm với gương mặt tái nhợt, như không còn sức sống. Bác xin phép đi lấy bát cơm nguội cho mẹ và mình ăn rồi tiếp chúng tôi ở ngoài sân vì trong nhà hai chú em đang ngồi thì khó có ai vào ngồi cùng được. Gương mặt hơi lấm lét, sợ sệt, bác Môn vừa tâm sự, vừa canh chừng chú Nam ra đánh: “Cô Hòa và chú Đê thì hiền lành không làm gì tôi cả, nhưng chú Nam là sợ lắm. Cứ lên cơn là chú ấy đánh đuổi, chú ấy còn đuổi cả hai mẹ con cô Sen, em Ngốc đi không cho ở đây nữa… Vẫn biết các em mình bị bệnh là khổ thân lắm rồi nhưng một mình tôi không cáng đáng được hết các cô chú ạ”.

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”! - 7

Bác Môn thời gian này còn chịu đựng nỗi đau đớn mất con.

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”! - 8

Bác nghẹn ngào khi nhắc đến cuộc đời của mình.

Đã 73 tuổi, bác Môn không còn khỏe mạnh nữa, nhưng gánh nặng cơm, áo luôn đè nặng lên đôi vai gầy khiến bác không có sự lựa chọn nào cả. Trước mắt là mẹ già yếu đau, lại cô và các em đều bệnh tật không biết gì nên bác phải gánh cả. Cuộc sống chật vật khó khăn, bữa rau, bữa cháo… ấy vậy mà bác cũng chẳng yên bởi những đòn roi của chính em trai mình. Nước mắt chảy dài xuống gò má, bác nghẹn lại: “Nó đánh mình không đau vì đòn, mà mình đau trong tim bởi nó không được khôn, không được như người ta mới thế…”

Nỗi đớn đau của người đàn ông đến “chết cũng không hết khổ”! - 9

Bao nhiêu nỗi niềm, trăn trở, bủa vây lấy người đàn ông 73 tuổi này.

Trời về chiều, bác lại vội vã ra đồng làm việc tiếp cho đến khi tối mịt mới trở về. Thân già còm cõi, công việc bắt buộc của bác sau đó là “điểm danh” mọi người trong gia đình để rồi phát hiện thiếu ai là lại phải vác đèn pin đi tìm khắp các ngõ ngách hay quanh những bờ ao ở làng. Cuộc sống cứ thế trôi qua, đánh dấu lên gương mặt khắc khổ của bác là những nếp nhăn ngày một dày lên chi chít với đôi mắt mờ đục đã cạn khô nước cho bao ngày đau khổ.

Thương bác, chúng tôi chỉ ước đôi chân ấy còn dẻo dai và bữa rau, bữa cháo được đủ đầy… để những phận người khốn khổ trong gia đình ấy được bù đắp phần nào những thiếu thốn, thiệt thòi hiện có.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 3304: Bác Doãn Hồng Môn (Xóm 9, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Số ĐT: 0977.935.221

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok