Đầu tháng 9, Vietnam Airlines có văn bản gửi Cục Hàng không (Bộ GTVT) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), kiến nghị các hãng bay khác niêm yết giá vé bao gồm thuế, phí.
Vietnam Airlines cho rằng việc niêm yết giá không đồng nhất này dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng về mức giá chênh lệch không chính xác giữa các hãng. Việc này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, tính minh bạch với khách hàng và sự thượng tôn pháp luật.
Cùng tập đoàn nhưng 2 chiến tuyến
Ngay sau đề suất của Vietnam Airlines, ngành hàng không Việt Nam dường như chia thành hai nửa với hai cách hiển thị giá vé khác nhau. Một bên là một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí và bên kia là niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ đó (net fare) bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm.
Trong khi Vietnam Airlines kiến nghị các hãng hàng không hiển thị tổng cộng giá vé và thuế phí thì công ty con Jetstar Pacific vẫn đang hiển thị giá không gồm thuế phí. Ảnh minh họa: Ngô Minh. |
Trong khi phía hiển thị gross fare chỉ có Vietnam Airlines thì ở phía bên kia là Vietjet Air, Bamboo Airways và Jetstar Pacific Airlines.
Đáng chú ý, Jetstar Pacific lại là hãng bay thành viên, phụ trách dải sản phẩm giá rẻ của Vietnam Airlines. Nói cách khác, ngay trong Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng đang có hai cách hiển thị giá vé khác nhau.
Theo ghi nhận của Zing.vn sáng 16/9, hình thức hiển thị giá vé cho các chặng bay nội địa của Vietnam Airlines vẫn đang là gross fare. Lấy ví dụ, vé cho chặng bay rẻ nhất từ Hà Nội đị TP.HCM ngày 20/9 đang được hãng hiển thị ở mức 1.889.000 đồng, trong đó bao gồm giá vé gốc là 1.399.000 cùng thuế giá trị gia tăng, phí dịch vụ soi chiếu hành lý, phí dịch vụ hành khách và phí quản trị hệ thống, tổng cộng là 490.000 đồng.
Trong khi đó, Jetstar Pacific chỉ hiển thị giá vé gốc ở bước đầu tiên cho cùng chặng bay trên. Hãng hiển thị tới hành khách giá vé 390.000 đồng ở bước lựa chọn đầu tiên. Sau khi hành khách lựa chọn chuyến bay có giá vé này, Jetstar Pacific mới hiển thị chi phí gồm giá vé và 434.000 đồng thuế phí, tổng cộng 824.000 đồng. Cách hiển thị giá vé của Jetstar Pacific là ví dụ điển hình về hiển thị net fare.
Không có cách hiển thị nào là trái luật
Ngay sau khi nhận được nội dung văn bản trên, Vietjet Air là hãng bay hiển thị net fare đầu tiên phản đối đề xuất của Vietnam Airlines.
Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, Vietjet Air cho rằng không có cách niêm yết giá vé máy bay nào là phù hợp hay trái luật. Việc ép các hãng hàng không phải hiển thị gộp cả thuế phí là không hợp lý.
Việc công ty con Jetstar Pacific vẫn hiển thị net fare khiến các hãng hàng không còn lại không thấy đề xuất Vietnam Airlines mang tình thuyết phục. |
"Với quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi cho rằng không có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định phương thức nào là phù hợp pháp luật và phương thức nào là trái luật", ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, nhận định trong văn bản.
"Vietnam Airlines kiến nghị các hãng hàng không khác phải áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp giống mình là điều không hợp lý, đồng thời thể hiện sự mâu thuẫn khi chính Jetstar Pacific do Vietnam Airlines sở hữu chi phối cũng không áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp như công ty mẹ Vietnam Airlines", Vietjet Air đề cập.
Hãng bay này khẳng định lựa chọn phương thức niêm yết chi tiết từng yếu tố cấu thành nên giá vé máy bay của hãng (net fare) để đảm bảo tính công khai, minh bạch về giá vé, tăng thêm cơ hội lựa chọn cho hành khách.
Ngược lại, nếu áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp thì sẽ không đảm bảo tính công khai, minh bạch vì khách hàng không biết được cụ thể các yếu tố cấu thành nên giá vé.
Hiện Vietjet Air hiển thị trên website sẽ gồm các yếu tố: giá gốc của vé, tiền thuế, phí, dịch vụ kèm theo, tiền suất ăn, tiền đưa đón sân bay…
Trong khi đó, giá vé máy bay niêm yết trên website của Vietnam Airlines chỉ niêm yết một mức giá gộp đã bao gồm các khoản thuế, phí, suất ăn… mà không nêu rõ từng yếu tố cấu thành.
"Khách hàng sẽ phải mặc nhiên thanh toán các khoản chi phí cho các dịch vụ mà họ không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng hết, ví dụ như định mức hành lý ký gửi 20 kg, chi phí suất ăn cố định trên máy bay… Đó là điều không hợp lý và không đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng", Vietjet Air nhận định.
Vietjet Air cũng cho rằng Việt Nam đang có 5 hãng hàng không khai thác thường lệ, trong đó Vietjet, Bamboo Airways và Jetstar Pacific (do Vietnam Airlines sở hữu 68,85% vốn điều lệ) cùng áp dụng niêm yết giá vé máy bay theo phương thức net fare. Chỉ có Vietnam Airlines áp dụng niêm yết gross fare.
Sau khi nhận được văn bản trên, Lãnh đạo Cục Hàng không chia sẻ cơ quan này đã có cuộc họp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và các hãng hàng không về việc niêm yết giá vé máy bay có hay không bao gồm thuế phí.
Theo đó, nhà chức trách hàng không Việt Nam cho biết sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sửa thông tư quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó quy định cụ thể hơn về hình thức, nội dung niêm yết thống nhất giữa các hãng bay.
Hiện quan điểm của Cục Hàng không là các hãng phải niêm yết giá vé máy bay một cách đầy đủ, bao gồm các thành phần cấu thành nên giá. Đây là các niêm yết giá vé mà Vietnam Airlines đã đề xuất trước đó.
Tác giả: Ngô Minh
Nguồn tin: zing.vn