Theo khảo sát, đình làng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được xây dựng, tu bổ lớn ở thế kỷ XIX, một số ngôi đình hiện đang lưu giữ các cấu kiện kiến trúc, mảng chạm khắc niên đại thế kỷ XVII - XVIII. Trên địa bàn tỉnh có gần 500 ngôi đình, trong đó có 161 đình được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 148 di tích cấp tỉnh). Hiện có khoảng hơn 300 di tích đình đang trong tình trạng xuống cấp và chưa được triển khai thực hiện việc tu bổ, phục hồi. Trong đó có hàng chục ngôi đình cổ đang phải lâm vào tình thế “chờ sập”.
Vùng đất chiêm trũng Hà Trung là địa phương còn giữ được số các đình cổ nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa với tổng số 51 di tích, trong đó có 30 ngôi đình đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật các cấp (3 di tích quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh). Các đình làng đều có tuổi đời từ 200 đến 700 năm tuổi. Tuy vậy, tính đến hết năm 2021, có gần 20 đình cổ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng cần tu bổ, tôn tạo.
Nhiều di tích đình làng ở Thanh Hóa xuống cấp |
Những nét tinh hoa được hội tụ ở đình Quan Chiêm (xã Hà Giang) xây dựng thời vua Gia Long thứ 6 (1806) đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Điều đặc biệt, trên các xà ngang, kèo có chạm khắc rất tỉ mỉ và mềm mại như hình rồng hay hình hoa lá... Trải qua hơn 200 năm tuổi nhưng nét chạm khắc vẫn rất tinh xảo. Hiện ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà Đại đình có quy mô 5 gian 2 chái, 4 hàng cột, hình thức kiến trúc tàu đao 4 mái, đang trong tình trạng mục hỏng, sập xệ; nhiều cấu kiện gỗ bị mối mục, nứt vỡ, hệ thống cột, xà, câu đầu... bị mối mục, hoành rui mè mục gãy, mái ngói đã qua nhiều lần đôn đảo...
Thấy di tích bị phơi mưa phơi nắng, mối mọt tấn công ngày đêm, người dân, chính quyền địa phương vô cùng xót xa. Tuy nhiên nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo rất lớn, muốn phục dựng, tôn tạo cần qua rất nhiều công đoạn. UBND xã Hà Giang cũng chỉ biết làm văn bản cầu cứu cấp trên về sự xuống cấp của di tích. Gần đó là đình Đô Mỹ (xã Hà Tân), được xây dựng năm 1850. Hiện nay đình còn giữ được các hạng mục công trình, gồm tiền đình và hậu cung, được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, có diện tích 250m2; kết cấu đình làng gồm 5 gian, 2 chái với 6 vì kèo, có 12 cột lớn và 12 cột quân tuyệt đẹp đều đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Bên trong tường nứt, nền đúc bị vỡ loang lổ. Các kết cấu gỗ bị mục khiến kèo, xà, cột đều gãy... Chính vì thế thay vì tấm biển di tích cấp tỉnh thì ở đó có dòng chữ cảnh báo “nguy hiểm cấm lại gần”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Hoàng Văn Long tâm tư: Có những thứ mất đi rồi thì không thể làm lại được. Hiện nay nhiều di tích trên địa bàn huyện bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí để trùng tu, nhất là các ngôi đình. Do ngân sách huyện chỉ hỗ trợ được một phần rất nhỏ, không đủ để thực hiện tu bổ, chính vì thế huyện khuyến khích các địa phương thực hiện xã hội hóa. Tuy nhiên đối với di tích là đình của một làng nên chỉ có thể vận động được trong phạm vi hẹp. Số tiền vận động được ít ỏi, việc trùng tu chỉ mang tính chắp vá.
Thiếu nguồn lực để tôn tạo, tu bổ |
Tại vùng đất khoa bảng Hoằng Hóa có 21 đình đã được xếp hạng, nhưng mới chỉ có 7 đình được trùng tu, số đình còn lại cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Còn tại huyện Vĩnh Lộc, đa số các đình làng ở huyện đã bị hư hỏng, trong đó 4 đình cổ xuống cấp nghiêm trọng và cần được chống xuống cấp khẩn cấp. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, dù đã rất cố gắng nhưng chính quyền địa phương chỉ có thể bảo tồn bằng cách chằng chống, đặt biển cảnh báo nguy hiểm chứ chưa tu bổ được các hạng mục chính của đình.
Thống kê của Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho thấy, 5 năm gần đây đã có 165 lượt di tích trên địa bàn toàn tỉnh được tu bổ, trong đó kinh phí đầu tư cho công tác này từ nguồn ngân sách tỉnh hơn 176 tỉ đồng, nguồn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa gần 7 tỉ, nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 781 tỉ đồng. Thực tế cho thấy, nguồn lực tu bổ, tôn tạo di tích ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn hạn chế (nguồn ngân sách tỉnh Thanh Hóa chỉ hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp đối với một di tích cấp quốc gia tối đa 400 triệu đồng, cấp tỉnh 300 triệu đồng). Công tác xã hội hóa đối với tu bổ di tích chưa được người dân mặn mà. Một số địa phương nóng vội đã đập bỏ, thay mới bằng bê tông cốt thép làm mất đi giá trị của di tích.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý