Trong nước

Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An sẵn sàng ứng phó bão số 2

Để ứng phó với bão số 2 đang tiến dần về đất liền, các địa Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đang chỉ các ngành tập trung, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2 để kịp thời ứng phó.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các lực lượng chức năng kêu gọi tàu thuyền trước 17h ngày 16/7

Để phòng tránh cơn bão số 2(bão Talas), sáng ngày 16/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã họp khẩn và yêu các ngành chức năng khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi. Tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú bao gồm cả tàu vận tải và tàu du lịch.

Tính đến 9h ngày 16/7, toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn khoảng 1.718 phương tiện tàu, thuyền với 8.453 lao động đang hoạt động trên biển, nhưng tất cả các tàu đều giữ liên lạc với đất liền và đang tìm nơi trú ẩn an toàn.

Ngoài ra phải có phướng án tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển kha các phương án đảm bảo an toàn bến cảng, khu du lịch.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thành phố ven biển rà soát, sẵn sang triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển đảm bảo an toàn khi có lệnh di dời dân. Riêng các huyện miền núi thì cần chủ động di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Trong sáng 16/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán 57.801 hộ dân (247.867 người) khỏi vùng nguy hiểm của bão số 2.

Tại Thanh Hóa hiện có 610 hồ đập lớn nhỏ, nhưng qua kiểm tra, có tới 121 hồ không đảm bảo an toàn. Do vậy, các địa phương không được tích nước hoặc tích nước hạn chế ở những hồ đập mất an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc thì các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội, Giao Thông phối hợp với chính quyền địa phương cần bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ.

Ông Vương Quốc Tuấn – PGĐ Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Về phía Sở GTVT Thnah Hóa cũng đã có phương án cụ thể phòng tránh bão số 2 đổ bộ vào Thanh Hóa. Theo đó, Sở cũng đã chuẩn bị các phương tiện, máy móc, vật tư sẵn sàng đợi lệnh kịp thời hỗ trợ sơ tán nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng mưa, bão. Bên cạnh đó, Sở cũng bỗ trí lực lượng, phương tiện, cảnh giác trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường miền núi khi xảy ra sự cố sạt lở do mưa lũ phải ứng phó và xử lý kịp thời không gây ách tắc giao thông, đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông được thông suốt.

Ngành GTVT Thanh Hóa cũng đã có văn bản gửi các đơn vị như DN kinh doanh vận tải, vận tải hành khách, Nhà thầu đang thực hiện thi công công trình còn dang dở phải tuyệt đối đảm bảo an toàn tới tính mạng và tài sản.

Còn tại tỉnh Ninh Bình, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã có công điện yêu cầu các huyện Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp chủ động phòng chống thiệt hại do mưa lớn, dự báo lên tới trên 200 mm; đồng thời yêu cầu các địa phương cắt tỉa cành cây ở khu vực đô thị, trụ sở các cơ quan, trường học, bệnh viện… để đối với cơn bão số 2.

Tại Nghệ An, hiện có 3.912 phương tiện với 18.532 lao động trên biển, đa số tàu thuyền đã tìm được nơi neo đậu an toàn. Theo ban chỉ huy PCLB tỉnh này, đến thời điểm này còn hơn 100 tàu thuyền đang hoạt động trên biển chưa về bờ . Hiện lực lượng chức năng đã liên lạc và hướng dẫn các chủ tàu đi tìm nơi tránh trú. Từ chiều nay Nghệ An sẽ tiến hành cấm tất cả các phương tiện ra khơi.

Bên cạnh đó, ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An cũng đã tập trung toàn bộ lực lượng từ tỉnh đến các địa phương chủ động kiểm tra đê điều, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, chủ động vận hành liên hồ chứa, trực ban 24/24 giờ.

Tác giả: Phúc Tuấn - Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok