Giáo dục

Niềm vui và trăn trở của thầy trò vùng núi xứ Thanh trong năm học mới

Sau ngày khai giảng, học sinh trên cả nước sẽ chính thức làm quen với những bài học đầu tiên trong ngày 6/6. Năm học mới, thầy và trò vùng núi không chỉ có niềm vui mà còn không ít nỗi trăn trở.

Những ước mơ nhỏ

Năm học mới, em Vi Thị Uyên, học sinh lớp 2, trường tiểu học Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), thuộc diện học sinh nghèo vượt khó, thông minh và nhanh nhẹn, Uyên luôn được các thầy cô giáo yêu quý vì trên lớp tiếp thu bài rất nhanh và ngoan ngoãn. Uyên được trao tặng học bổng Doãn Tới với phần quà trị giá 500 nghìn đồng.

Uyên rất vui mặc dù em chưa hiểu hết được ý nghĩa của số tiền thưởng. Khi được hỏi, em sẽ dùng số tiền này vào việc gì, Uyên cho biết sẽ mang số tiền này về để mẹ mua thức ăn và mua sữa cho em trai vì em trai còn rất nhỏ.

Em Vi Thị Uyên nhận học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó

Hoàn cảnh gia đình Uyên khó khăn, bố mẹ còn trẻ nhưng lại không có công việc mang lại thu nhập ổn định. Bố Uyên đi làm thợ hồ ở Hà Nội, còn mẹ em thì ở nhà làm ruộng và chăm sóc hai con nhỏ.

“Ở nhà không ai dạy em học cả, em tự học thôi. Sau này lớn lên em muốn làm cô giáo để dạy học cho các bạn nhỏ”, Uyên nói.

Còn em Lương Hồng Quyên (lớp 4) vừa được tặng chiếc xe đạp nhân dịp năm học mới, cũng là một trong những học sinh thuộc gia đình hộ nghèo.

Quyên vui mừng chia sẻ: “Em mơ ước một chiếc xe đạp từ rất lâu rồi mà bố mẹ không có tiền mua. Em rất vui vì mong ước của em đã thành hiện thực. Từ nay em đi học không phải đi bộ nữa”.

Những niềm trăn trở

Trong kí ức của nhiều thầy cô giáo đã gắn bó hàng chục năm với học sinh ở các bản làng nghèo xã Luận Khê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), so với khoảng 7- 8 năm trước đây, hiện tại bộ mặt giáo dục ở địa phương này đã có sự “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, vẫn còn đó những niềm trăn trở.

Cô Lê Thị Sáu (SN 1965) là một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tính đến nay cô đã có 9 năm gắn bó với trường tiểu học Luận Khê. Luôn được đánh giá là giáo viên tâm huyết với nghề, chuyên môn giỏi và tận tụy với học trò. Gạt qua những thành tích về chuyên môn, cô chỉ muốn nói về tình yêu của mình với học trò, và với mảnh đất này.

Cô Sáu cho biết, trước khi được thuyên chuyển về địa bàn này thì cô đã có nhiều năm giảng dạy tại vùng biên giới xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, cũng là một địa bàn vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn.

Cô Sáu đã gắn bó với học sinh miền núi 9 năm

“Khi về với học sinh Luận Khê, điện, nước còn thiếu thốn trăm bề, trường lớp học thì tạm bợ, nơi ăn ở sinh hoạt của thầy cô giáo cũng chỉ là nhà tranh vách nứa. Mỗi lần vào bản dạy học phải lặn lội rất xa xôi, trời mưa đi bộ gian nan, vất vả. Tuy nhiên, chính những năm tháng ấy mới làm cho tình yêu của tôi với học trò và với mảnh đất này ngày càng gắn bó sâu sắc. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của nhà nước, trường lớp khang trang hơn, thầy cô cũng đã có chỗ sinh hoạt đủ đầy hơn rất nhiều”.

Chia sẻ về những mong muốn trong năm học mới, cô Sáu tâm tư: “Chỉ mong sao cho các em học sinh luôn chăm ngoan và tiến bộ. Các bậc phụ huynh quan tâm, đôn đốc con em mình trong học tập. Đồng thời, mong các cấp quan tâm để thầy và trò có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học”.

Còn cô Đặng Thị Hằng (50 tuổi), cũng là một cô giáo từ miền xuôi về với bản, đã có 10 năm công tác tại trường tiểu học xã Luận Khê.

“Hầu hết học sinh đều là người dân tộc thiểu số, các em không những phải học nói tiếng kinh mà còn phải học kiến thức, vì thế khả năng tiếp thu cũng chậm hơn. Các thầy cô giáo luôn kiên nhẫn và tận tụy giảng dạy để truyền tải kiến thức cho học sinh. Điều đáng quý nhất không phải là thành tích gì lớn lao mà chính mà tình cảm tin yêu, quý trọng của học sinh và phụ huynh dành cho mình”, cô Hằng tâm sự.

So với những năm trước đây, quả thực bộ mặt giáo dục của địa phương này đã có sự thay đổi vượt bậc. Tuy nhiên, chừng đó vẫn còn chưa đủ.

Thầy Lê Viết Công, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Luận Khê chia sẻ: “Trường có 233 học sinh với 11 lớp học. Hơn 96% là học sinh dân tộc thiểu số, đa số hoàn cảnh gia đình còn nghèo. Phụ huynh học sinh thường phó thác hoàn toàn việc học tập, rèn luyện cho nhà trường. Bố mẹ có khi không biết chữ, cũng có người đi làm ăn xa, để con cho ông bà trông nom thành ra các em thiếu sự quan tâm sát sao của bố mẹ. Điều này dẫn đến việc phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường không hiệu quả”.

Ngoài ra, thầy Công cũng tâm tư, nhiều học sinh ở các thôn bản ra học trung tâm cách xa có khi cả chục cây số, đường sá lại không thuận lợi. Bố mẹ các em không có điều kiện đưa đón hàng ngày, học sinh chủ yếu tự đi học vô cùng vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn.

Tác giả: Lương Thị

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok