Du lịch

Những xác ướp cổ nhất thế giới đang dần bị phân hủy

Hơn 100 xác ướp lâu đời nhất thế giới được tìm thấy ở phía bắc Chile đang dần chuyển sang dạng sệt màu đen. Năm 2016, các nhà chức trách địa phương đã đệ đơn lên UNESCO xin công nhận di chỉ khai quật xác ướp là Di sản Thế giới.

Bộ sưu tập các xác ướp cổ nhất thế giới với niên đại ít nhất 7000 năm được tìm thấy ở phía bắc Chile đang dần chuyển sang chất nhờn màu đen do độ ẩm tăng cao, mặc dù các nhà khoa học đang cố gắng ngăn chặn điều này.

Những xác ướp lâu đời nhất thế giới đang bị phân hủy
Những xác ướp lâu đời nhất thế giới đang bị phân hủy

Hơn 100 xác ướp không còn giữ được vẻ nguyên trạng như ban đầu. Năm 2016, các quan chức địa phương đã đệ đơn lên UNESCO xin công nhận di chỉ khai quật xác ướp là Di sản Thế giới. Tất nhiên, ngay cả khi được công nhận cũng không thể cứu nổi các xác ướp bị phân hủy, nhưng các nhà nghiên cứu hi vọng, sự chú ý ngày một tăng từ cộng đồng quốc tế sẽ giúp họ sớm tìm được giải pháp khắc phục. Theo nghiên cứu, chất nhờn đen được cho là kết quả của quần thể vi khuẩn sinh sôi trên da xác ướp.

Theo ông Sergio Medina Parra, nhà nhân chủng học khiêm Trưởng khoa tại Đại học Tarapaca, Chile, chia sẻ với Reuters: “Việc đệ đơn không chỉ vì mục đích xin công nhận, mà đó là khởi đầu của quá trình cải tiến các biện pháp bảo tồn giữa Chính phủ Chile và cộng đồng quốc tế”.

Người Chinchorro tiến hành ướp xác cho cả cộng đồng, không giới hạn già trẻ gái trai. Điều này khác hẳn với người Ai Cập cổ đại
Người Chinchorro tiến hành ướp xác cho cả cộng đồng, không giới hạn già trẻ gái trai. Điều này khác hẳn với người Ai Cập cổ đại

Kể từ đầu những năm 1900, khoảng 300 xác ướp được phát hiện nằm dọc theo bờ biển phía nam Peru và bắc Chile, gồm cả người lớn, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, hay thậm chí cả những bào thai chết lưu. Trong số này có những xác ướp tuổi đời từ năm 5050 trước công nguyên. Có thể nói, đây là những xác ướp cổ nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại.

Những thi thể này do một nhóm người Chinchorro chuyên săn bắt hái lượm thu thập tiến hành ướp. Họ ướp xác thi thể sớm trước người Ai Cập cổ đại khoảng 2000 năm. Bởi vậy, các nhà khoa học ước tính, những xác ướp này có tuổi đời khoảng 7000 năm trước. Tuy nhiên, nếu như người Ai Cập cổ chỉ ướp xác với người thuộc tầng lớp thượng lưu hay các Pharaoh, thì người Chinchorro lại ướp xác bất cứ ai, từ già tới trẻ. Điều này cho thấy họ duy trì một xã hội bình đẳng.

Sa mạc Atacama từng là nơi bảo quản các xác ướp trong hàng nghìn năm trước khi những thi thể bị khai quật
Sa mạc Atacama từng là nơi bảo quản các xác ướp trong hàng nghìn năm trước khi những thi thể bị khai quật

Ông Bernardo Arriaza đến từ trường Đại học Tarapaca, người chỉ đạo việc khai quật các khu mộ ở nơi này suốt 30 năm qua, nghi ngờ nước uống nhiễm độc từ những núi lửa gần đó là nguyên nhân thúc đẩy tập tục ướp xác, bởi các nhà khoa học tìm thấy chất asen trong hầm mộ.

“Ngộ độc thạch tín có thể dẫn tới tỷ lệ sảy thai cao, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cũng lớn. Nỗi buồn trước sự qua đời của thân nhân có thể là nguyên nhân thúc đẩy cộng đồng này ướp xác để bảo quản những thi thể nhỏ. Xác ướp lâu đời nhất chúng tôi tìm thấy lại là của trẻ nhỏ”, ông Arriaza nói.

Một lý do khiến các xác ướp được bảo quản tuyệt vời là do chúng được chôn tại lớp cát khô của sa mạc Atacama suốt hàng ngàn năm. Đây là một trong số những nơi trên trái đất không hề có mưa trong hơn 400 năm qua. Và tại thế kỷ 21, những thi thể này được khai quật, vận chuyển tới trung tâm nghiên cứu địa phương để bảo tồn.


Một xác ướp cổ đang bị chảy sang dạng sệt màu đen.

Một xác ướp cổ đang bị chảy sang dạng sệt màu đen.

Vào đầu năm 2015, các nhà khoa học ở Chile lên tiếng nhờ giới khoa học tại trường Đại học Harvard tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhà khoa học sinh vật học Ralph Mitchell của Harvard cho biết: “Chúng tôi biết các xác ướp đang bị phân hủy nhưng chưa tìm được nguyên nhân. Tình trạng xuống cấp này chưa được nghiên cứu trước đây”.

Phân tích mẫu mô từ xác ướp cho thấy chúng đang chứa đầy vi khuẩn. Nhưng đây không phải dạng vi khuẩn từ thời cổ đại, mà chúng là những vi khuẩn thường sống trên da người. Đây là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình xuống cấp nghiêm trọng.

“Khi có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, vi khuẩn bắt đầu dùng lớp da làm nguồn chất dinh dưỡng. Ngay cả khi các nhà khoa học địa phương giữ xác ướp Chinchorro trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, những vi sinh vật vẫn ‘ăn sạch’ xác ướp”, nhà khoa học Mitchell nói.

Tác giả: Hoàng Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok