Du lịch

Những truyền thống gây tranh cãi trên thế giới

Mỗi vùng đất đều có những phong tục, truyền thống văn hóa riêng. Tuy nhiên, một số điều lại gây ra các ý kiến trái chiều, như lễ hội giết cá voi hay khiêu vũ với xác chết.

Lễ săn cá voi Grindadrap, quần đảo Faroe, Đan Mạch: Cá voi hoa tiêu bơi đến gần quần đảo Faroe trong tuyến đường di cư hàng năm. Kỹ thuật săn bắt truyền thống này có từ năm 1584, trong đó cá voi bị dồn vào gần bãi biển, nơi chúng tự dạt lên bờ. Sau đó, người dân sử dụng cây thương do một bác sĩ thú y trên đảo thiết kế đâm vào cổ con cá voi, làm đứt tủy sống và khiến con vật chết trong vòng vài giây. Ảnh: The Sun.

Grindadrap có thể diễn ra nhiều lần một năm, tùy thuộc vào việc những con cá voi tới gần đảo đến mức nào. Việc giết hại loài động vật này bị cấm ở Đan Mạch và Liên minh châu Âu (EU), vì đây là loài được bảo vệ. Tuy nhiên, dù là vùng được Đan Mạch bảo hộ, quần đảo Faroe không phải là thành viên của EU. Do đó, truyền thống này vẫn tiếp tục dù vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế và các tổ chức bảo vệ động vật. Ảnh: The Sun.

Phát ngôn viên của chính quyền Faroe cho biết việc săn cá voi hoàn toàn là để lấy thực phẩm, số lượng đánh bắt được giám sát chặt chẽ. Ông nói: “Những con cá voi bị giết nhanh chóng và ít đau đớn hết mức có thể. Việc săn cá voi là một phần cuộc sống của người dân đảo Faroe. Thịt và mỡ cá voi hoa tiêu là một nguồn thực phẩm được coi trọng trên toàn đảo”. Ảnh: The Sun.

Đánh bắt cá voi, Nhật Bản: Việc săn bắt cá voi vẫn được cho phép ở Nhật, dù thế giới đã cấm đánh bắt động vật này vì lý do thương mại từ năm 1986. Giới chỉ trích cho biết Nhật Bản đã tận dụng một lỗ hổng trong Hiệp ước Cá voi Quốc tế để tiếp tục săn động vật quý hiếm này. Họ khẳng định chúng được bắt vì mục đích nghiên cứu. Ảnh: SBS.

Các hoạt động đánh bắt cá voi của Nhật đã bị cộng đồng quốc tế và các tổ chức bảo vệ động vật phản đối dữ dội, do thịt cá voi bị bán ra thị trường sau khi nghiên cứu. Thịt cá voi từ lâu đã được coi là một đặc sản của quốc gia này. Trong mùa săn 2017, Nhật Bản đã bắt và giết chết 177 cá thể. Ảnh: RT.

Tảo hôn, Ấn Độ: Ở các bang như Rajasthan và Gujarat của Ấn Độ, nhiều đứa trẻ bị bắt kết hôn khi chưa đủ tuổi hợp pháp (18 tuổi) nhằm trao đổi gia súc và tăng vị trí của gia đình trong bộ tộc. Chính phủ Ấn Độ cho biết điều này khiến trẻ em dễ bị lạm dụng hơn, không có quyền bình đẳng giới, không được học hành và không được bảo vệ về sức khỏe. Liên hiệp quốc đang nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn tình trạng này vào năm 2030. Ảnh: Tooyoungtowed.

Lễ khiêu vũ với người chết, Madagascar: Trong lễ hội Famadihana ở vùng cao nguyên trung tâm Madagascar, các xác chết được đưa ra khỏi hầm mộ và được bọc trong vải lụa mới. Lễ hội diễn ra khoảng 5 đến 7 năm một lần. Ảnh: Coastweek.

Khách tham dự lễ hội ca hát, nhảy múa cùng những người quá cố. Trước khi mặt trời lặn, các thi thể được đưa về chỗ cũ và cửa hầm mộ lại đóng chặt trong nhiều năm sau. Nhiều ý kiến cho rằng lễ hội này có thể là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng, khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn. Ảnh: Coastweek.

Thaipusam, châu Á: Đây là một lễ hội quan trọng của người theo đạo Hindu ở miền nam Ấn Độ, bày tỏ lòng thành kính với Thần Murugan. Thaipusam cũng được tổ chức ở các cộng đồng nói tiếng Ramil tại Malaysia, Singapore, Nam Phi, Sri Lanka và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhiều tín đồ còn thể hiện lòng thành bằng cách dùng móc, thanh sắt xuyên qua các bộ phận cơ thể. Một số còn kéo xe hay vật nặng bằng móc được gắn vào người. Ảnh: Huffington Post.

Lễ trưởng thành trên đảo Pentecost, Vanuatu: Những thanh niên đến tuổi trưởng thành phải tham dự một nghi lễ đặc biệt. Dân làng dựng một tháp cao 30 m bằng gỗ. Sau đó, các thành viên sẽ buộc dây vào chân và nhảy xuống. Đây là biểu tượng cho việc rời bỏ thời thơ ấu, cũng như cầu mong cho ngôi làng có mùa màng bội thu. Không ít người đã bị thương khi va chạm với tháp hay mặt đất, thậm chí có người đã mất mạng. Ảnh: Intrepid Travel.

Lễ trưởng thành của người Sateré-Mawé, Brazil: Bộ tộc Sateré-Mawé sống trong vùng rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil có một truyền thống đặc biệt: những bé trai 13 tuổi sẽ phải trải qua lễ trưởng thành đầy đau đớn. Người trong bộ tộc sẽ tìm những con kiến bullet, loại kiến có vết đốt được ví như đạn bắn, sau đó nhúng vào một hỗn hợp thảo dược để chúng tạm thời bất tỉnh. Ảnh: Nature Beads.

Kiến được buộc vào trong lòng găng tay kết từ lá cây. Khoảng một tiếng sau, chúng tỉnh dậy và trở nên hung hãn. Mỗi cậu bé phải đeo găng 10 phút và phải cắn răng chịu đựng, do việc kêu khóc thể hiện sự yếu đuối. Họ phải đeo găng khoảng 20 lần trong nhiều tháng trước khi nghi lễ kết thúc. Ảnh: Nature Beads.

Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc: Đây là một trong những lễ hội bị phản đối dữ dội nhất trên thế giới. Trong thời gian diễn ra lễ hội, hàng nghìn con chó bị đánh đập, hành hạ và giết thịt. Năm 2017, nhiều thông tin cho rằng lễ hội bị hủy bỏ, nhưng thực tế vẫn kéo dài từ 21 đến 30/6. Ảnh: Japantimes.

Tác giả: Hoàng Linh (Tổng hợp)

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: truyền thống , lễ hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok