Kinh tế

Những trang trại tiền tỷ ở Nghi Lộc

Thời gian gần đây, Nghi Lộc xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi qui mô lớn với đối tượng nuôi phong phú như bò Úc, lợn nái ngoại, bồ câu…trị giá hàng chục tỷ đồng. Hầu hết các chủ trang trại đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và được địa phương hết sức giúp đỡ trong đất đai, liên hệ với doanh nghiệp thu mua.

Bình quân mỗi năm thu lãi 2,1 tỷ đồng từ nuôi lợn nái siêu nạc. Đó là kết quả của mô hình chăn nuôi của gia đình anh Cao Văn Hoàng, xóm 1 xã Nghi Văn – huyện Nghi Lộc.

Trang trại của anh Cao Văn Hoàng đã tiếp nhận 150 con lợn nái nhập ngoại, bình quân mỗi năm xuất bán trên 3000 con lợn giống cho thu nhập 2,1 tỷ đồng


Năm 2013, anh Hoàng đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để xây dựng trang trại gần 3ha trên vùng đất hoang hoá. Đây là một trong những mô hình trang trại nuôi lợn nái được đánh giá quy mô nhất huyện Nghi Lộc hiện nay. Đến thời điểm này, trang trại đã tiếp nhận 150 con lợn nái nhập ngoại với quy trình chăn nuôi đã đi vào ổn định, đàn lợn nái phát triển khỏe mạnh. Bình quân mỗi năm trang trại xuất bán trên 3000 con lợn giống, cho thu nhập 4,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí thu lãi 2,1 tỷ đồng. Đặc biệt, trang trại của anh Hoàng hiện tạo việc làm cho trên 5 lao động với mức lương trên 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Tận dụng diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả trên địa bàn, anh Nguyễn Văn Khanh - xóm 10 - xã Nghi Kiều nhận thầu 1ha đất hoang hóa để xây dựng trang trại chăn nuôi bồ câu. Anh Khanh đã đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng trang trại và mua 4000 con bồ câu giống về nuôi.

Trang trại với 4.000 cặp bồ câu đang độ tuổi sinh sản đã cho anh Nguyễn Văn Khanh thu nhập 1 tỷ đồng mỗi năm


Với 4000 cặp chim bồ câu ở độ tuổi đang sinh sản, mỗi tháng gia đình anh Khang có khoảng gần 2000 cặp chim bồ câu xuất bán. Nếu tính giá 1 cặp chim hiện bán 60 ngàn thì mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh có nguồn thu gần 1 tỷ đồng/năm. Anh Khanh chia sẻ: Chim bồ câu rất dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, sinh sản nhanh và dễ tiêu thụ. Người nuôi chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh chuồng trại, cách phòng dịch và thức ăn. Chuồng trại phải bố trí nơi cao ráo, thoáng mát, yên tĩnh, bảo đảm tránh mưa và không có gió lùa.

Sau khi Nghi Lộc hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất vào năm 2015, đã tạo điều kiện để phát triển trang trại, nhờ đó trang trại ở Nghi Lộc tăng nhanh, cả về số lượng và qui mô. Huyện Nghi Lộc cũng đã có nhiều cách làm để trang trại được nhân rộng, nên đến nay, toàn huyện có 305 trang trại với gần 90 ngàn con gia súc và gần 1,5 triệu con gia cầm. Riêng năm 2016 này có thêm 3 trang trại. Đó là trang trại gia cầm Nghi Kiều, trang trại chăn nuôi lợn, cá ở Nghi Trung và trang trại lợn Nghi Quang. Các trang trại đều được chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo, hàng năm huyện tạo điều kiện cho các chủ trang trại được gặp nhau, trao đổi thông tin, từ đó kết nối với nhau và tự liên hệ để đảm bảo đầu ra cho trang trại của mình trong cả nước.

Đến nay, toàn huyện Nghi Lộc đã có 305 trang trại cho thu nhập cao

Ông Đồng Thanh Bình - Phó phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Nghi Lộc dồn sức cho trang trại phát triển cũng có nguyên nhân trồng trọt khó khăn, hạn hán thiên tai thường xuyên đe dọa, trong khi đó, các chủ trang trại khi đã đầu tư lớn đều rất quan tâm bảo vệ sản nghiệp của mình, họ đầu tư chống rét, chống nóng, chăm lo thú y, phòng chống dịch bệnh. Hơn nữa các trang trại góp phần tạo ra giá trị lớn trong sản xuất nông nghiệp".

Cùng với nhiều cơ chế chính sách ưu tiên của huyện trong phát triển kinh tế trang trại, thì những người nông dân Nghi Lộc đã mạnh dạn với những cách làm giàu đang dần khẳng định hướng đi đúng trong phát triển kinh tế nông nghiệp bằng sự hình thành của những trang trại cho thu nhập cao. Những ông chủ trang trại, những nông dân tỷ phú đang góp phần tô đẹp thêm bức tranh kinh tế của quê hương Nghi Lộc.

Tác giả bài viết: Hồng Vinh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok