Số hóa

Những thuật ngữ "lạ lùng" xuất hiện sau khi Internet hội nhập vào Việt Nam

Nhìn lại 20 năm Internet vào Việt Nam đã mang đến nhiều thay đổi không chỉ về mặt công nghệ, xã hội, kinh tế, mà còn ở những cụm từ bỗng nhiên xuất hiện trong đối thoại thường ngày mà chúng ta chẳng biết chúng bắt đầu từ bao giờ.

"A còng"

Trước hết, "a còng" (@) là một ký tự được cả thế giới dùng trong địa chỉ thư điện tử (e-mail) với cách phát âm là "at sign". Nguồn gốc của chữ @ bắt đầu từ chữ a (a thường), viết tắt của chữ at (nơi, tại). Đầu tiên, giới buôn bán dùng tiếng Anh, thay vì viết at the price of… (với giá là…), họ viết tắt là @. Ví dụ M có giá là X, họ viết M@X.

Tại Việt Nam, chữ @ được giới trẻ thời bấy giờ gọi đùa là "a còng", xuất phát từ việc nó có dấu móc cong ra ngoài, trông giống như dáng người còng. Xuyên suốt thời gian, người ta "gọi nhiều quen miệng" và "a còng" trở thành cách gọi tên chính thức của ký tự @ mãi tới ngày nay, dù chẳng hề có văn bản quy định nào liên quan tới cách gọi tên của nó.

"Quán nét"

Những năm đầu Internet vào Việt Nam, số người sở hữu máy vi tính tại nhà hoặc được sử dụng ở nơi làm việc có lẽ chỉ chiếm vài % trên tổng số người dùng Internet trên cả nước. Thay vào đó, những người hiếu kỳ trước công nghệ mới này, chủ yếu là giới trẻ, thường tìm đến các quán nét - là những nơi cung cấp thiết bị, kết nối Internet, và thu phí người dùng theo lượng thời gian sử dụng.

"Quán nét" cũng chính là "mảnh đất cội nguồn", nơi sinh ra hàng loạt tên gọi, thuật ngữ, trào lưu của giới trẻ mà vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay.

"Lên mạng"

Kể từ khi Internet xuất hiện, người ta bắt đầu nghĩ đến một cách gọi để áp dụng cho hành động truy cập Internet để tìm kiếm, sử dụng thông tin, và giới trẻ lúc bấy giờ đã nghĩ ra từ "lên mạng". Mãi cho tới nay, cụm từ này vẫn được sử dụng cho các mục đích tương tự, thí dụ như "Tài liệu này em lên mạng tìm rồi tải về nhé", hay "Hôm nay lên mạng tìm được bộ ảnh đẹp lắm!".

Sau đấy, hàng loạt cụm từ gần nghĩa dần dần được giới trẻ "phát minh" ra, rồi sử dụng một cách rộng rãi như "lướt web", "lướt net", "đi net"...

"Chơi game"

Ít ai biết rằng trước khi mô hình "quán nét" ra đời, giới trẻ chỉ biết tới một khái niệm đó là "quán game" - vốn là những địa điểm có trang bị máy vi tính cấu hình cao, có cài đặt sẵn trò chơi và cho phép người chơi kết nối với nhau thông qua mạng LAN nội bộ.

Sau này khi Internet hội nhập vào Việt Nam, mô hình này chia ra làm 2 nhánh, đó là "quán game" truyền thống, và những "quán nét" với máy cấu hình thấp hơn, hay còn gọi là "Cafe Internet" chỉ gồm những máy tính có cấu hình thấp để phục vụ cho các nhu cầu chat Yahoo, duyệt email, lướt web,...

Chơi game online mang đến nhiều hệ lụy như không chỉ tốn nhiều thời gian, tiền bạc; mà khi đã quá say mê với những trò chơi trực tuyến, các bạn trẻ cũng dễ dàng bị tiêm nhiễm và cuộc sống cũng chỉ xoay quanh các trò chơi. Điều này khiến các bậc phụ huynh lúc bấy giờ hết mực phiền não khi Internet ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

"Chát chít"

Bên cạnh game online thì "chat" - tức ám chỉ hành động trò chuyện với nhau trên Internet qua một công cụ nhắn tin nào đó, cũng được giới trẻ say mê trong những năm đầu Internet mới về Việt Nam. Phương tiện này đã khiến mọi người có thể rút ngắn được khoảng cách địa lí, giao lưu kết bạn được với nhiều người hơn.

Đây cũng là thời kỳ huy hoàng của Yahoo!, hay chính xác hơn là Yahoo! Messenger khi hầu như tất cả người dùng Internet đều sử dụng dịch vụ chat này và làm quen với nó. Mãi sau này khi Facebook, Zalo ra đời cùng với sự đi xuống của YM!, người ta mới rời bỏ phương tiện đã tạo nên ký ức của biết bao thế hệ 8x, 9x thời bấy giờ.

"Cứu nét"

"Cứu nét", một thuật ngữ không còn quá lạ lẫm đối với những ai sử dụng Internet từ những ngày đầu tiên. "Cứu nét" được hiểu là trả tiền "chat", tiền Internet, tiền ăn uống,... cho các cô gái ở quán net vì không đủ tiền để thanh toán với chủ hàng.

Đây là môi trường thuận lợi để các cô gái sống buông thả lợi dụng và những chàng trai, mà rất nhiều trong đó là học sinh, sinh viên đã vô tình dính vào để rồi tiếp tay cho những hành vi, suy nghĩ lệch lạc. Hơn nữa, nhiều "tình nguyện viên" đi cứu nét cũng đã ôm "quả lừa" của những phần tử xấu để rồi bị lấy hết tài sản mang theo.

"Ngôn ngữ tuổi teen"

Do việc tiếp cận với Internet từ 20 năm trước hầu hết là người trẻ, nên một số thói quen, xu thế sử dụng Internet lúc bấy giờ rất trẻ trung, cá tính và mang đậm tính "màu mè". Trong đó bao gồm cả những ký tự đặc biệt, hay còn gọi chung là "ngôn ngữ tuổi teen" đã được sớm định hình từ ngay khi Internet đặt chân tới Việt Nam.

Những dòng chữ đại loại như: "Hum ni m en kum hem, j en mì zịt tìm đêy, thèn ku hum bữa beo, hêhê, 6h wa hey” (câu đúng là: Hôm nay mày ăn cơm không, đi ăn mì vịt tiềm đi, thằng cu hôm bữa bao, 6h qua nhé?), "A.pít.chìu.e.pan. E.j.cug.pan.ui.zia.mai.j.en.tc.cui.zoi.A.A.toi.rc.E.ok" (Anh biết chiều em bận. Em đi cùng bạn rồi về, mai đi ăn tiệc cưới với anh. Anh tới rước em nhé?),... xuất hiện khá nhiều và thậm chí thành trào lưu.

Đối với những học sinh, sinh viên trường quốc tế, hàng ngày tiếp xúc với tiếng Anh trong giao tiếp, sinh hoạt thì lại có kiểu viết tắt bằng tiếng Anh. Phổ biến nhất là các từ như PLZ có nghĩa là please (làm ơn), hay OMG là Oh my God (chúa ơi!)... Chỉ riêng với WC đã vận ra đủ nghĩa: Welcome (chào mừng) hay Webcam (hình ảnh). Hay từ cám ơn (thanks you) cũng được viết tắt bằng đủ mọi thể loại: Thx, Thks, Tx hay Thaxu.

Việc sử dụng những ký hiệu trên bàn phím máy tính cũng dần trở thành một "chuẩn mực" của việc bộc lộ cảm xúc người viết. Thay vì phải nói tôi buồn, chỉ cần gõ T _T, tức một khuôn mặt đang khóc với 2 hàng nước mắt là chữ T. Còn vui ư, chuyện nhỏ, chỉ cần ^^ là người đọc biết ngay chủ nhân của nó đang vui hay có chuyện hài lòng. Trạng thái tức giận thì được biểu hiện bằng >.< rất ngộ nghĩnh. Còn muốn nói yêu hay thích ai đó thì chỉ cần 2 ký hiệu đơn giản <3 là biểu tượng của trái tim.

"Hỏi Google"

Ngay từ khi mới hội nhập Internet, chúng ta có trong tay công cụ tìm kiếm cực kì mạnh mẽ mang tên Google. Thế nhưng rất ít người biết đến chức năng này cũng như cách để sử dụng nó. Nguồn thông tin chính mà chúng ta nắm bắt được trên Internet lúc bấy giờ có lẽ chỉ đến từ những pop-up hiện lên từ cửa sổ Yahoo! News, hoặc các thông tin được chia sẻ trên Yahoo! Messenger.

20 năm sau khi Internet phổ cập vào Việt Nam, việc tìm hiểu và tải về bất cứ thứ gì trên Internet đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều với Google. "Trên Google cái gì cũng có" - đến cả một người không mấy am hiểu về công nghệ cũng có thể nói như vậy. Và rồi thuật ngữ "hỏi Google" đã ra đời, được dùng như một từ khá phổ biến để mách nước cho những ai đang tìm lời giải đáp.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok