Du lịch

Những thánh đường 'trên trời' của Ethiopia

Tại Ethiopia vẫn còn những nhà thờ, tu viện cổ nằm ở độ cao tới 200 m, và chỉ có thể tới đó bằng cách leo bám vào vách đá.

Vương quốc cổ đại Axum hiện là một phần của đất nước Ethiopia, là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Kito giáo. Tôn giáo này đã được duy trì và phát triển mạnh mẽ trong khoảng năm 330, khi Ezana đại đế tuyên bố đó là tôn giáo quốc gia và yêu cầu xây nhà thờ thánh Mary of Tsion. Theo truyền thuyết, Menelik, con của vua Solomon và hoàng hậu Sheba, là người mang hòm giao ước chứa 10 điều răn.

Vào thế kỷ 5, 9 vị thánh từ Syria, Constantinople và nhiều nơi bắt đầu lan truyền niềm tin này đi xa hơn, cả những miền nông thôn, vùng núi. Những nhà truyền giáo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ban đầu của Kito giáo ở Ethiopia.

Những nhà sư dịch kinh thánh và nhiều tài liệu tôn giáo khác từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Ethiopia giúp người dân hiểu nhiều hơn về Kito giáo.

Các khía cạnh huyền bí của tôn giáo khiến giới trẻ tò mò nhiều hơn. Khi Kito giáo phát triển, một loạt nhà thờ và tu viện được xây trên các ngọn núi cao hoặc được khai quật từ các lớp đá cứng. Ngày nay nhiều công trình trong số đó vẫn còn được sử dụng.

Một tu sĩ nhìn từ khung cửa sổ duy nhất ở nhà thờ Abuna Yemata. Nhà thờ này nằm ở độ cao gần 200 m, trên vách của ngọn núi hơn 700 m. Bức ảnh từng được in trong cuốn sách Ethiopia: The Living Churches of an Ancient Kingdom (Ethiopia: Những nhà thờ còn tồn tại từ một vương quốc cổ đại).

Những nhà thờ cổ này thường được xây ở các nơi tưởng chừng không xây nổi. Một ví dụ điển hình là Abuna Yemata ở Tgray, phía bắc Ethiopia. Nhà thờ xây vào thế kỷ 5 trên vách núi đá cao và dựng đứng.

Để tới nơi, người ta phải leo lên mà không dùng dây, chỉ đu bám men theo những lối nhỏ hẹp và băng qua một cây cầu tạm sát vách núi. Chặng cuối cuộc hành trình là leo lên bức tường đá cao gần 6 m. Nhà thờ Abuna Yemata là nơi một trong 9 vị thánh đã chọn để ẩn náu.

Hình ảnh về lối vào "độc nhất vô nhị" rất nguy hiểm của nhà thờ Abuna Yemata. Chuông của nhà thờ Abuna Yemata thực ra là hai tảng đá được treo cao giữa vách đá.

Một tu viện có từ thế kỷ 6 nằm trên đỉnh một ngọn núi bằng gọi là Debre Damo. Cách duy nhất để tới đây là leo lên một vách đá cao hơn 15 m bằng dây thừng.

Nhà thờ Petros và Paulos cũng như nhiều nhà thờ cổ khác nằm ở dãy núi Gheralta. Tại đây, khu đền thờ bị đá cắt ngang, phần còn lại được xây trên một khe đá. Để tới đây người ta cũng phải leo lên vách núi bằng tay và chân không. Ngày nay lối lên đã được trang bị thang gỗ.

Tác giả: Hương Chi

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok