Thế giới

Những thách thức đối ngoại bủa vây Donald Trump

Tổng thống mới đắc cử của Mỹ được dự đoán sẽ lên nắm quyền với một loạt thách thức đối ngoại mà ông phải giải quyết.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ảnh: NBC News

Nước Mỹ khi Donald Trump lên nhậm chức tổng thống vẫn là cường quốc kinh tế, quân sự quan trọng nhất thế giới. Song một Trung Quốc đang trỗi dậy và Nga hiện là những thế lực đe dọa làm thay đổi điều đó, theo NBC News.

Nga đang thử thách lòng kiên nhẫn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Trung Quốc lại tìm mọi cách mở rộng tầm ảnh hưởng tương xứng với tham vọng kinh tế. Mối đoàn kết giữa các nước châu Âu trong khi đó liên tục lung lay. Nền dân chủ bị thử thách. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sinh sôi mạnh mẽ. Hiểm họa về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân chực chờ bùng phát. Tình trạng biến đổi khí hậu khiến băng tan ở Bắc Cực, làm lộ ra lục địa mới có thể chứng kiến cuộc tranh giành giữa các cường quốc.

Tất cả những thách thức trên đang chờ đợi chính quyền tổng thống Mỹ tương lai Donald Trump giải quyết. "Cẩn thận với các tuyên bố công khai và thể hiện rõ ràng hơn những cam kết của Mỹ trên toàn thế giới nên được xếp ở vị trí ưu tiên trong danh sách việc tổng thống tiếp theo cần làm", cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng Zbigniew Brzezinski đưa ra lời khuyên cho Trump.

Tỷ phú Trump, người thực hiện một chiến dịch tranh cử tổng thống với mục tiêu "đặt nước Mỹ lên hàng đầu", đồng thời giữ thái độ thỏa hiệp trước Tổng thống Nga Vladimir Putin, cần nhanh chóng thích nghi bởi ông hiện có rất ít kinh nghiệm về chính sách ngoại giao, giới chuyên gia nhận định.

Thách thức chờ đợi

Trump dường như sẽ khởi động công việc bằng cách đặt ưu tiên vào những mối quan tâm trong nước, song "thế giới sẽ gõ cửa", gần như ngay lập tức, bắt đầu từ Syria, Nhà nước Hồi giáo (IS), Nga và Triều Tiên, cây bút Bill Neely của NBC News bình luận.

Ông Trump được thừa hưởng một nước Mỹ ít bị sa lầy trong chiến tranh hơn so với thời kỳ Tổng thống Barack Obama bước chân vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn can thiệp quân sự sâu ở một số khu vực. Năm 2016, Mỹ tiến hành không kích tại 7 quốc gia, từ Somalia tới Syria, và thực hiện không ít các chiến dịch đặc biệt trên toàn cầu.

Cử tri nói họ muốn tổng thống phải tập trung vào những vấn đề của nước Mỹ nhưng cũng quan tâm tới cuộc chiến chống IS, củng cố sức mạnh NATO và đảm bảo Mỹ luôn là cường quốc thế giới. Thỏa mãn tất cả mong muốn của cử tri là điều không dễ dàng.

"Ở một thế giới với nhiều bất ổn, cạm bẫy có thể xuất hiện tại bất kỳ đâu - Ukraine, Estonia, Kaliningrad, Triều Tiên, Biển Đông. Đồng minh ngày càng thiếu tin cậy. Anh đã mất đi ưu thế quân sự và lao đao bởi quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang chao đảo", Neely đánh giá.

Châu Âu hiện chìm trong rắc rối, không chỉ vì Brexit mà còn bởi khủng hoảng tiền tệ và tốc độ tăng trưởng chậm, vì thế đang dần "đánh mất khả năng tư duy chiến lược", nhà phân tích Philip Stephens nhận xét.

Tại châu Á, quyết định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xích lại gần hơn với Trung Quốc về kinh tế và quân sự, đồng thời quay lưng với Mỹ cũng là vấn đề mà Trump cần xử lý sau khi nhậm chức.

Theo Neely, ông Trump phải đương đầu với một thế giới mà ở đó kẻ thù luôn tìm cách lợi dụng điểm yếu của nước Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung và nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng ngày một lớn dần lên.

Mỹ vẫn trong giai đoạn phục hồi sau suy thoái kinh tế. Sự chia rẽ và tâm lý hoang mang của người dân vì cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Chính vì thế, Neely cho rằng tổng thống Trump sẽ khó lòng tập trung cho các sáng kiến ngoại giao bởi ông còn quá nhiều mối bận tâm ở trong nước.

Mặt khác, rất nhiều thách thức ngoại giao mà Mỹ phải đối mặt có mối liên hệ với nhau. Nga và Iran đang tham gia sâu vào cuộc nội chiến Syria, hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đi ngược với mong muốn của Mỹ và đồng minh. Mọi giải pháp đối với chương trình hạt nhân Triều Tiên đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Và vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi sự tham gia từ tất cả các quốc gia.

Nhưng câu hỏi lớn nhất mà ông Trump phải giải quyết có lẽ là về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, Neely nhận xét. Ông sẽ phải xác định xem liệu Mỹ có còn muốn gánh vác trọng trách toàn cầu, và nếu có, Mỹ cần chuẩn bị chiến đấu với những gì.

"Bất ngờ là không thể tránh khỏi. Chúng thường đến sớm, như những gì cựu tổng thống Mỹ George W. Bush nhận ra vào ngày 11/9, gần 8 tháng sau khi ông bước chân vào Nhà Trắng", Neely nhấn mạnh, đề cập đến vụ khủng bố 11/9/2001.

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok