Xe

Những thắc mắc về phanh tay khiến tài xế Việt dễ bối rối

Khi đỗ xe, nên kéo phanh tay rồi mới về P hay làm ngược lại, phải làm thế nào khi phanh tay mắc kẹt là những tình huống khiến nhiều người bối rối.

Phanh tay hay phanh đỗ mang chức năng cố định xe khi dừng, đỗ. Loại phanh này còn phát huy nhiều công dụng khác khi cần đề-pa ngang dốc hay dừng xe trong các tình huống khẩn cấp.

Làm thế nào khi không hạ được phanh tay?


Cấu tạo của phanh tay thực chất là một cần kéo được giữ cố định bởi các bánh răng. Cấu tạo răng cưa theo chiều hướng từ dưới lên là lý do vì sao khi kéo phanh tay từ từ, tài xế sẽ cảm nhận thấy từng nhịp va chạm "khực khực".

Để hạ phanh tay, tài xế bấm vào nút ở đầu cần để lẫy tách khỏi răng cưa, từ đó hạ xuống. Nhưng vì lý do nào đó, có thể là lực bấm nút không đủ, hoặc khi kéo phanh tay quá mạnh, lẫy cố định ở răng cưa trên cao, nên lúc này dù bấm nút vẫn không thể hạ phanh tay. Mẹo cho các tài xế là bấm nút, giữ và hơi kéo ngược phanh tay lên trên rồi mới hạ xuống thì sẽ thành công.

Nhưng cũng có trường hợp không thể hạ do kẹt cơ khí, lúc này buộc phải mở hệ thống ra tìm cách giải quyết. Lời khuyên cho các tài xế mới là không nên kéo phanh tay quá mạnh, kéo theo từng mức để cảm nhận độ vững.


Khi đỗ về P trước hay kéo phanh tay trước?

Cấu tạo của số P là có một bánh răng cóc như ảnh dưới đây khóa không cho hộp số quay.


Thói quen của tài xế là dừng xe, về P rồi kéo phanh tay, tắt máy. Nhưng thực tế cách làm này có thể gây tổn hại cho bánh răng cóc. Phanh tay là cứu cánh giúp giữ xe đứng yên ngay cả khi bánh răng cóc không thể giữ hộp số. Nếu về P trước, vì có khoảng hở dù khá nhỏ giữa bánh răng cóc và ngàm giữ nên trục ra của hộp số sẽ quay, tăng sức ép lên bánh răng cóc, sức ép này càng lớn nếu độ dốc nơi đỗ càng cao. Áp lực này về lâu dài có thể gây mòn chi tiết cơ khí.

Kéo phanh tay thế nào trong tình huống mất phanh chân?

Xe mất phanh là một trong các tình huống nguy hiểm nhất mà nhiều tài xế có thể gặp. Lúc này, bên cạnh việc dồn về số thấp thì phanh tay là một cứu cánh hữu ích. Tài xế mất bình tĩnh có thể giật mạnh phanh tay để mong xe dừng nhanh, nhưng cách làm này sẽ khiến bánh bị khóa bất ngờ, xe xoay ngang và tai nạn là điều khó tránh.

Cách xử lý đúng là bình tình kéo phanh tay từ từ, thấp tới cao theo tốc độ, trước tiên kéo nhẹ từng nấc để xe giảm tốc dần sau đó khi xe chạy chậm lại mới kéo mạnh để xe dừng.

Phanh tay điện tử sử dụng thế nào?


Nhiều tài xế mới toát mồ hôi khi ngồi lên một xe đời mới tìm khắp nơi nhưng không thấy phanh tay để kéo, đó có thể là do xe sử dụng phanh tay điện tử. Phanh tay điện tử có một nút bấm trên đó có chữ P (Parking), chỉ cần móc vào nút này là phanh tay sẽ kích hoạt, đèn sáng, khi muốn bỏ phanh tay chỉ cần ấn nút xuống. Một số hãng thiết kế ngược, tức ấn xuống là kích hoạt trong khi móc ngược là bỏ kích hoạt.

Vì sao có xe không tìm thấy phanh tay?


Có nhiều xe số tự động không tìm thấy phanh tay để kéo, cũng không có nút phanh tay điện tử, bởi nhiều khả năng bộ phận này chuyển xuống dưới chân trái, ở vị trí của chân côn trên xe số sàn. Cách sử dụng là đạp vào áp dụng phanh, đạp lần nữa để thả phanh.

Làm sao để biết phanh tay đã hạ hết hay chưa?

Nhiều tài xế do vội vàng mà không hạ hết phanh tay, vẫn còn mắc ở một hai nấc cuối cùng. Hầu hết các xe hiện nay đèn cảnh báo phanh tay sẽ sáng trên màn hình nếu phanh tay chưa hạ hết, nhiều xe có kèm theo tiếng kêu "bíp bíp" để nhắc nhở tài xế.

Nhưng với xe đời cũ không có đèn cảnh báo, tài xế nên chủ động kiểm tra bằng cách nhấn giữ nút ở đầu cần phanh, nhấc lên hạ xuống trong khoảng ngắn lặp lại vài lần để chắc chắn phanh tay đã hạ hoàn toàn.

Tác giả bài viết: Đức Huy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok