Kinh tế

Những sai lầm tuyển dụng trong giai đoạn khởi nghiệp

Tuyển người từ đối thủ cạnh tranh, tuyển người mình thích hay dựa trên thành tích trong quá khứ nhưng không phù hợp... là những sai lầm phổ biến.

Cái giá của việc thuê sai người chính là sự lãng phí về tiền bạc và thời gian. Sau đây là 6 sai lầm thường thấy của các nhà tuyển dụng trong giai đoạn khởi nghiệp.

Tuyển nhiều nhân viên khi chưa có doanh thu ổn định

Trong giai đoạn khởi đầu, doanh nghiệp còn hạn chế về doanh thu, đồng thời bộ máy nhân sự hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Nếu tuyển nhiều nhân sự khi chưa có kế hoạch cụ thể sẽ lãng phí. Điều này có thể tạo ra áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Chủ dự án khởi nghiệp nên tự làm nhiều việc thay vì thuê ngay nhân viên mới khi chưa ổn định.

Để lấp chỗ trống

Khi có một thành viên trong dự án vừa nghỉ việc, doanh nghiệp vội vàng tuyển một nhân viên mới thế chân vào vị trí đó. Điều đó chỉ khiến công việc trở thành thảm họa.

Khi doanh nghiệp bắt đầu phải gánh chịu áp lực do thiếu hụt nhân sự, hoặc do tình hình kinh doanh phát triển một cách nhanh chóng, thay vì tìm những ứng viên thích hợp cho từng vị trí công việc, các nhà quản lý lại mắc sai lầm bằng việc thuê những người chỉ giải quyết được công việc nhất thời mà công ty đang gặp phải.

Chủ dự án khởi nghiệp nên tự làm nhiều việc thay vì thuê ngay nhân viên mới khi chưa ổn định. Ảnh: H.N.


Quá tốn thời gian để kiếm người phù hợp luôn là lý do mọi người thường đưa ra. Kết quả là chi phí dài hạn phải bỏ ra cho một nhân viên không có tầm nhìn, nghị lực, sự trung thành là quá lớn. Do đó, không thể vội vàng trong quyết định tuyển dụng ban đầu.

Dựa trên kinh nghiệm và thành tích trong quá khứ

Kỹ năng chuyên môn là điều cần có của mỗi ứng viên. Ứng viên có thành tích làm việc xuất sắc trong quá khứ đáng là người để doanh nghiệp xem xét tiếp nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên tiêu chí này là chưa đủ.

Một nhân viên kinh doanh có thể đạt doanh số cao ở một công ty lớn chưa chắc đã đạt thành tích tương tự nếu làm việc cho một công ty nhỏ không tên tuổi. Tính chất sản phẩm không giống nhau dẫn đến phong cách bán hàng khác nhau.

Hơn nữa, người này chưa chắc có thể tiếp ứng với văn hóa doanh nghiệp khởi nghiệp. Giai đoạn khởi nghiệp cần tư duy, kiến thức, kỹ năng và thái độ hoàn toàn khác. Và họ không có hoặc chủ quan hoặc không biết mình không biết. Chỉ có những người biết cách thích nghi, biết cách quên đi cái cũ, nhường chỗ cho cái mới mới có thể thành công.

Lựa chọn ứng viên mình thích thay vì phù hợp

Tuyển dụng là để chọn người tài, phù hợp với công việc về phục vụ cho công ty chứ không phải để chọn người nói chuyện hay, hợp với bất kỳ ai. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà tuyển dụng có xu hướng đánh giá cao những ứng viên tạo ra sự thích thú. Ví dụ như đẹp trai, ăn nói dễ nghe thay vì dựa vào năng lực. Đừng để điều đó tác động quá nhiều đến tâm lý của bạn.

Tuyển người chỉ vì quen biết

Một số chủ doanh nghiệp rất đồng cảm với những người gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc trở thành vị cứu tinh giúp đỡ người khác có thể không mang lại lợi ích gì cho việc kinh doanh của bạn.

Đó có thể là bạn bè, đồng nghiệp cũ, người trong gia đình hoặc con cái của chính bạn. Người chồng có thể thuê chính vợ của mình và ngược lại, kể cả thuê làm bán thời gian. Bạn bè và người thân thường nghĩ vì sở hữu mối quan hệ với chủ dự án khởi nghiệp nên họ phải được đối xử theo tiêu chuẩn khác. Các mâu thuẫn có thể phát sinh chính từ sự ưu ái khác biệt này.

Tuyển từ đối thủ cạnh tranh

Khi tuyển một người chỉ vì họ đã từng làm cho đối thủ mà không quan tâm đến khả năng, hiệu quả công việc của họ là một sai lầm rất lớn. Nhiều công ty đã mắc sai lầm khi chỉ chấp nhận lấy những người có thành tích làm việc khá bình thường nhưng chỉ vì họ từng là nhân viên của các đối thủ cạnh tranh.

Họ sẽ không giúp đỡ được nhiều cho công việc kinh doanh khởi nghiệp, thậm chí còn khiến năng suất lao động giảm, hiệu suất làm việc kém và kinh doanh đình trệ.

Tác giả bài viết: Thạc sĩ Ngô Thị Mai

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok