TRÙM SHOW THỰC TẾ, HỌ LÀ AI?
Sẽ không ít người bất ngờ khi biết, tính đến nay, chỉ đếm sơ qua, khán giả Việt đã được tiếp cận gần 60 show truyền hình thực tế lớn nhỏ nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Trong đó, có thể điểm mặt ngay được một số cái tên “ông trùm” thâu tóm những chương trình đang làm mưa làm gió trên các kênh truyền hình lớn.
Trước đây, nhắc đến lãnh địa béo bở này là nhắc đến Đông Tây Promotion – đơn vị đi tiên phong trong việc mua Sao Mai điểm hẹn về Việt Nam, sau đó là show đình đám Vietnam Idol trước khi “nhả” cho BHD tiếp tục sản xuất.
Đông Tây Promotion chính là thế lực đứng sau hàng loạt chương trình truyền hình thực tế ra đời sau này như So you think you can dance, Ơn giời! cậu đây rồi, Chuẩn cơm mẹ nấu, Tuyệt đỉnh tranh tài, Người bí ẩn, The Winner Is, Bí mật đêm chủ nhật, Đàn ông phải thế, Hội ngộ danh hài, Kỳ tài thách đấu…
Sau Đông Tây Promotion là sự nổi lên như một hiện tượng của Cát Tiên Sa. Đơn vị được đánh giá là sở hữu tiềm lực mạnh, “thầu sóng” từ HTV tới VTV với loạt show truyền hình thực tế hot nhất nhưng cũng ồn ào nhất lịch sự của lãnh địa này từ khi du nhập về Việt Nam.
Có thể kể đến The Voice, The Face, The Remix, X-Factor, Sing my song, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, Thần tượng Bolero, The Voice Kids…
Thí sinh X-Factor lấy khăn Piêu làm khố. |
Nhận thấy sức hấp dẫn truyền hình thực tế, BHD cũng mua bản quyền và sản xuất loạt show như Vietnam Idol (bắt đầu từ mùa thứ 3), Vietnam’s Got Talent, MasterChef, Cuộc đua kỳ thú, Người giấu mặt, Học viện ngôi sao, Hoa khôi áo dài - đường đến vương miện…
Multimedia JSC với show tìm kiếm người mẫu Vietnam’s Next Top Model và Project Runway.
Hai năm trở lại đây, vị thế của các ông trùm bắt đầu có sự đổi ngôi. Nắm bắt được thị hiếu của khán giả, một vài đơn vị như Điền Quân, Khang Media, Jet Studio, Sóng Vàng tấn công vào lãnh địa vàng, cho ra đời hàng loạt chương trình truyền hình thực tế thậm chí hút khách địa phương tới mức ăn đứt cả đàn anh đi trước.
Điền Quân có loạt gameshow thiên về hài: Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Người hùng tí hon, Giọng ải, giọng ai, Tuyệt chiêu siêu diễn…
Cũng như Điền Quân, Jet Studio tấn công vào hài với: Cười xuyên Việt, Làng hài mở hội, Diêm vương xử án, Tiếu lâm tứ trụ, Cặp đôi hài hước….
Sóng Vàng có Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí, Khắc nhập khắc xuất….
Khang Media “nhân bản” ra loạt show về bolero sau khi chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng nhạc này: Tình Bolero, Solo cùng Bolero, Tình Bolero hoan ca, Cười xuyên Việt, Ngôi sao phương Nam, Hát cùng mẹ yêu…
Quả thực, nếu không phải người làm công việc thống kê, không thể biết được được có tới chừng này gameshow truyền hình xuất hiện dày đặc trên tất cả các kênh sóng.
Sự ra đời ồ ạt như nấm mọc sau mưa của các show truyền hình thực tế đã đẩy các ông trùm đứng sau bước vào cuộc đua khốc liệt để làm hai việc: Một là mua được sóng giờ vàng của nhà đài, hai là kéo khán giả ngồi lại trước màn hình tivi.
LŨNG ĐOẠN
Mở tivi là thấy truyền hình thực tế
Truyền hình thực tế là xu thế tất yếu của nền công nghiệp giải trí thế giới, nhưng việc nhập khẩu ồ ạt các chương trình bất chấp những xung đột, độ vênh về văn hóa, thẩm mỹ, lối sống để đạt được lợi nhuận, thì những show thực tế này đã vô tình trở thành công cụ để trục lợi của không ít thế lực đứng phía sau.
Nhiều năm trở lại đây, truyền hình thực tế nhập khẩu đã góp phần khai tử các gameshow thuần Việt thiên về việc tìm hiểu kiến thức, văn hóa, lịch sử từng huy hoàng một thời trên các kênh sóng. Nếu không phải “không còn đất sống”, thì các chương trình cũng bị đẩy sang những kênh sóng yếu thế, ít người xem hơn và dần lui vào quên lãng.
Thay vào đó, là sự lũng đoạn khủng khiếp của gần 60 show truyền hình thực tế, từ kênh địa phương tới Trung ương. Mở tivi ra là thấy truyền hình thực tế, càng những khung giờ vàng càng nhiều show ở khắp các kênh sóng.
Mở tivi là thấy truyền hình thực tế. |
Từ việc tập trung sản xuất các show cho độ tuổi từ 18 – 30, các ông trùm mở rộng đối tượng tiếp nhận, “không tha” trung niên tới người già, rồi cả trẻ em. Bất cứ khán giả nào cũng sẽ tìm được nhiều show thích hợp với lứa tuổi của mình.
Trong số gần 60 chương trình, chủ yếu thiên về ca hát, nhảy múa, vì những show này dễ kiếm thí sinh, cũng đơn giản trong cách thức Việt hóa các format. Có người còn nói vui, “cả nước ca hát, không còn việc gì làm ngoài ca hát”. Sau đó là nhan nhản các show hài, ông trùm nào cũng cố tìm cho bằng được một show dính líu tới hài để mua bản quyền phát sóng.
Không cần đợi tới cuối tuần để tìm kiếm một show giải trí. Vào bất cứ ngày nào trong tuần, chỉ cần bật tivi lên, lướt qua một lượt các kênh sóng, khán giả sẽ được ăn một “mớ hổ lốn” đến mức bội thực các chương trình truyền hình thực tế. Phải nói chính xác là “chạy không thoát” và “bị ép phải xem”, bởi không còn gì để xem ngoài những thứ ca hát, nhảy múa, hài kịch…với nhẵn những gương mặt “chạy sô” từ show này sang show khác.
Biến tướng – vô văn hóa
Thời gian đầu mới du nhập, không thể phủ nhận vai trò của truyền hình thực tế đối với khán giả. Từ những gameshow đơn thuần không nhiều chất liệu sáng tạo, truyền hình thực tế đã mang đến những món ăn hoàn toàn mới mẻ cho khán giả Việt.
Từ chỗ là người thụ động tiếp nhận, khán giả trở thành một phần của các show thực tế, với nội dung được xây dựng công phu, kết cấu chặt chẽ, thiên về giải trí hấp dẫn. Các nhà đài hẳn vẫn còn mơ ước tỉ suất người xem và sự quan tâm lớn của khán giả cho các show Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ…mùa đầu tiên. Khi mà chưa cần vận dụng chiêu trò gì, cứ trung thành format là hút khách.
Nhưng miếng bánh ngon không thể để một người hay một vài người ăn mãi, phải chia năm xẻ bảy. Các ông trùm lao vào cuộc chiến, dồn hết nguồn lực tài chính, mua về vô số show lớn nhỏ để giành giật thị phần khán giả.
Khi đó, thứ gọi là trung thành với format dần bị biến tướng, thay bằng chiêu trò, scandal, ồn ào, ầm ĩ. Càng nhiều “phốt” chương trình càng “hot”.
Từ bản chất ghi lại và biên tập tôn trọng cuộc sống, cảm xúc thật của truyền hình thực tế, các đơn vị sản xuất can thiệp thô bạo vào kịch bản, dàn dựng trắng trợn, lừa đảo để tăng tỉ lệ người xem.
Cát Tiên Sa vẫn giữ vững ngôi số 1 về chiêu trò từ khi tham gia vào lĩnh vực truyền hình thực tế. Không có một show nào của Cát Tiên Sa không mang dấu ấn của scandal. Cuộc họp báo lịch sử của Phương Uyên ở The Voice, Minh Hằng mượn giọng Lan Anh ở Cặp đôi hoàn hảo, Anh Thúy lừa dối thân phận ở X-Factor, cuộc chiến của Hà Hồ - Phạm Hương ở The Face…chỉ là vài trong vô số chiêu thức mà Cát Tiên Sa nghĩ ra để đẩy chương trình vào sự quan tâm của khán giả.
Hay người ta vẫn nói mãi về Quỳnh Anh Got Talent, Đức Anh hugo chửi giám khảo được Đăng Khoa ghi âm lại ở Vietnam Idol…như những tai tiếng để đời của BHD.
Multimedia JSC thì chỉ cần một Vietnam’s Next Top Model đã có thể “ghi danh” vào sự vô văn hóa không có đối thủ, khi mùa nào cũng mỉa mai, công kích, cãi lộn, đánh chửi như một cái chợ trên tryuyền hình.
Sau này, các ông trùm cao tay tới mức, dàn dựng ầm ĩ ngay từ khi chương trình chưa lên sóng. Chỉ mới rục rịch ra lò, Minh Hằng đã khóc tố Hà Hồ chèn ép khiến cô không thể ngồi ghế nóng The Face, Mr Đàm đã không thể ngồi chung chỗ với Phương Thanh…
Đi kèm với những ồn ào tai tiếng, việc số lượng đè bẹp chất lượng đã khiến những chương trình truyền hình thực tế ngày càng đi vào sự nhạt nhẽo, nhảm nhí, dung tục.
Hương Giang Idol nói bậc cha chú “nhét đầu vô cái cầu tiêu”. |
Trấn Thành có oan khi bị chỉ trích trao giải quán quân vào một cây hài mới được phát hiện nhạt như nước ốc? Hương Giang Idol nói bậc cha chú “nhét đầu vô cái cầu tiêu” là sự vô học đến mức nào? Kiến thức đến đâu mà Điệp vụ tuyệt mật đăng tải sai bản đồ Việt Nam, đưa vị trí Hà Nội vào sâu lãnh thổ Trung Quốc? Quán quân do Mỹ Tâm tìm ra vẫn ước mơ mua một đàn lợn hay đứng run lẩy bẩy trên sân khấu, thì tổ chức ra cả một cuộc thi làm gì?
Bao nhiêu show tìm được tài năng thực sự, hay chỉ mượn mặt các nghệ sĩ đánh bóng rồi chìm nghỉm?
Trong cuộc cạnh tranh khán giả, truyền hình thực tế bị biến tướng đã và đang mang lại điều gì cho người xem? Đó là sự hời hợt, vô trách nhiệm về nội dung, là sự bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng bắt tay nhau bán rẻ danh dự, nhân cách để đạt mục đích.
Siêu lợi nhuận – ai chối từ?
NSƯT Hữu Châu từng bức xúc mà phải thốt ra thế này: “Thà tôi coi thế giới động vật còn thích hơn gameshow”.
Nhưng NSƯT Hữu Châu, và nhiều khán giả hẳn không biết, lý do nào khiến nhà đài nhắm mắt làm ngơ cho các ông trùm lũng đoạn truyền hình. Đó là bởi khoản siêu lợi nhuận đến từ việc khai thác quảng cáo trên các kênh sóng.
Con số đó, phải dùng từ “khổng lồ” mới chính xác.
Dư luận từng sửng sốt khi nhà đài công khai 30s quảng cáo ở The Voice 2012 là 160 triệu đồng, nhưng sau scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả, con số này tăng lên 200 triệu đồng.
Những show ở thời còn rất “hot” như Gương mặt thân quen và Gương mặt thân quen nhí, báo giá 240 triệu đồng – nhiều hơn thế cho 30s quảng cáo ở tập chung kết.
Sau sự sửng sốt đó, nhà đài không còn dám công khai những con số.
Nghĩa là càng nhiều scandal, càng nóng, càng được quan tâm, số tiền chạy về túi từ các nhãn hàng càng tăng lên theo cấp số cộng, cấp số nhân.
Khi cát xê đóng phim chỉ đủ ăn một bữa cơm đạm bạc, ráo mồ hôi là hết tiền; sân khấu trong cơn “giãy chết”, mỗi tháng bù lỗ hàng trăm triệu đồng, diễn viên kịch nhận đồng lương không bằng công nhân lao động chân tay; sự sáng tạo ra những show thuần Việt hấp dẫn bị vắt kiệt, thì các ông trùm truyền thông tìm thấy mảnh đất màu mỡ để phát triển truyền hình thực tế. Những cái bắt tay, những sự thỏa hiệp, phần nào trở nên dễ hiểu.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu cứ tiếp tục sự lũng đoạn trắng trợn như thế này, các ông trùm sẽ đưa sự tiếp nhận tri thức, văn hóa của khán giả đi về đâu?. Khi người ngồi trước màn hình tivi kia, hấp thụ những thứ chợ búa, vô học, không một mẩu ý nghĩa giáo dục nhân văn kia là con, là cháu, là chính bản thân chúng ta?
Tác giả: An Yên
Nguồn tin: Báo VTC NEWS