Là cơ sở duy nhất chuyên đào tạo nghề cho người khuyết tật, ngoài chức năng phục hồi, các giáo viên ở đây còn phải dạy văn hóa, định hướng nghề nghiệp cho người khuyết tật, nhà trường đưa vào giảng dạy các nghề may, thêu, mộc, điện dân dụng và tin học văn phòng.
Việc dạy nghề thành cho một người bình thường đã khó, đối với trẻ khuyết tật thì công việc này khó trăm bề.
Tiết học thực hành tại lớp điện dân dụng.
Thầy Thái Khắc Minh – Lớp điện dân dụng, người đã gắn bó hơn 13 năm với nghề chia sẻ: Nghề điện dân dụng chưa có chương trình học riêng cho trẻ khuyết tật nên tôi phải tìm tòi, chọn lọc kiến thức phù hợp với các em. Bên cạnh đó, trình độ văn hóa các em học sinh trong lớp đều thấp, bộ môn liên quan đến an toàn về điện, chân tay các em hay rung nên ảnh hưởng đến quá trình học. Thế nhưng, ngày ngày lên lớp, thấy được sự nỗ lực cố gắng của các em trong việc tiếp thu kiến thức thầy truyền tải nên tôi tự nhủ bản thân phải càng cố gắng để giúp các em có cái nghề sau này.
Ngoài các đối tượng khuyết tật vận động, khiếm thính, lớp dạy nghề mộc còn tiếp nhận đối tượng thiểu năng trí tuệ.
Dưới sự hướng dẫn của thầy Dũng, những trẻ khuyết tật có thể tạo ra những sản phẩm đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ.
Đối với thầy Phan Bùi Dũng dạy nghề mộc, do ở lớp có những em thiểu năng trí tuệ nên bắt các em theo ý thầy rất khó, do vậy, chính thầy phải thay đổi để thích nghi với tính cách của các em học sinh. Bởi vậy những món quà, những bông hoa tươi từ các em học sinh nhân dịp ngày 20/11 là điều thầy Dũng chẳng bảo giờ nghĩ đến. Thầy chỉ mong các em tiếp thu kiến thức của thầy để chuẩn bị hành trang vào đời.
Một tiết học tại lớp dạy nghề thêu.
Để tạo nên những đôi bàn tay khéo léo như thế này là công lao rất lớn của thầy, cô giáo...
Các sản phẩm tranh thêu do chính các học viên tạo ra.
Tận mắt chứng kiến hình ảnh cô giáo Trần Thị Minh Hạnh ân cần và kiên trì dạy cho các em học sinh khiếm thính từng đường kim, mũi chỉ mới thấy hết tình cảm vô bờ mà cô dành cho học sinh khuyết tật. Các em không thể nghe, nói và không hiểu được hết những gì giáo viên truyền đạt, cô thường dùng cử chỉ và ngôn ngữ ký hiệu trong giao tiếp và buộc phải cầm tay chỉ việc. Cô Hạnh chia sẻ: Để các em biết đến nghề phải mất 1 năm. Còn để thêu thành thạo, em nào nhanh cũng phải mất đến 2 – 3 năm.
Khi được hỏi về ngày 20/11, cô Hạnh nhận mình là một giáo viên may mắn vì học sinh của cô đều đã có ý thức đối với giáo viên. Mặc dù không có những bông hoa tươi nhưng qua cử chỉ, hoặc những bông hoa trên giấy do học sinh dành tặng đã khiến cô xúc động và thêm yêu nghề trong 27 năm qua.
Cô giáo Lê Thị Hòa có hơn 30 năm gắn bó với nghề, với biết bao vất vả nhưng được nhìn thấy các học trò khiếm khuyết của mình biết ước mơ về một cái nghề khiến cô luôn cảm thấy hạnh phúc.
Chính những mong ước giản dị của người thầy đã đem đến cho các em có ước mơ giống như em Hoàng – Học viên lớp nghề điện dân dụng: Sau khi học về có thể bày lại được cho các em nhỏ và có cái nghề để nuôi sống bản thân. Nhân dịp 20/11 em chỉ biết cố gắng học tốt hơn nữa để các thầy, các cô vui lòng.
Cảm nhận được tình cảm chân tình từ các thầy, cô giáo, món quà 20/11 của các em khuyết tật dành cho thầy cô của mình chính là những bài báo tường do các em tự tay viết ra và trang trí.
Ngày 20.11, không được nhận hoa và những lời chúc ngọt ngào từ học sinh nhưng với các thầy, cô giáo như thầy Minh, thầy Dũng, cô Hạnh..., hạnh phúc giản dị là được nhìn thấy học trò từ những đứa trẻ bị khiếm khuyết, mặc cảm đã dần thay đổi, tự tin và có ước mơ về tương lai của mình.
Tác giả bài viết: Thùy Dương
Nguồn tin: