Nhà cổ Bình Thuỷ: Nhà cổ Bình Thủy nằm ngay trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ngôi nhà cổ này được gia đình họ Dương xây dựng từ năm 1870 nhưng đến nay ngôi nhà vẫn còn “chắc khỏe”, đặc biệt là những vật dụng, trang trí trong nhà khá độc đáo và quý giá.
Nhà cổ Bình Thủy có hoa viên rất đẹp
Nhà cổ của gia đình họ Dương có hoa viên tuyệt đẹp với khoảng sân rộng và vườn lan với nhiều giống lan quý. Vào những năm 1980, ngôi nhà cổ từng là nơi hội tụ của những người thích chơi lan trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa và làm thơ.
Nhiều đạo diễn, hãng phim trong và ngoài nước đã chọn nhà cổ Bình Thủy làm bối cảnh cho phim của mình, như đạo diễn người Pháp J. Annaud đến đây làm bộ phim “Người tình”; Nhiều cảnh quay trong các bộ phim như: “Chân trời nơi ấy”; “Những nẻo đường phù sa”; “Con nhà nghèo”, “Nợ đời”… cũng đều được quay tại nhà cổ Bình Thủy.
Nhà cổ Bình Thủy cũng là điểm đến lý tưởng khi du khách đến TP Cần Thơ.
Ngôi nhà cổ Bình Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào tháng 3 năm 2009, mỗi năm đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong ngoài nước đến tham quan.
Cũng tại TP Cần Thơ, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt hiện tồn tại có trên 10 ngôi nhà cổ với lối kiến trúc Đông – Tây rất độc đáo. Đơn cử như ngôi nhà cổ của gia đình ông Hội đồng Trần Thiên Thoại (khu vực Tân An) tọa lạc trên diện tích 10.000m2 do chính ông - người giàu nhất xứ cù lao lúc đó đứng ra xây dựng năm 1935 hiện vẫn còn giữ được màu sơn, toàn bộ kiến trúc như xưa kia.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Hội đồng Trần Thiên cũng là một trong những ngôi nhà cổ nhất là phường Tân Lộc
Theo ghi nhận của PV, toàn ngôi nhà xây tường hai lớp bằng gạch tiểu. Phần mặt tiền nhà được xây theo phong cách phương Tây, có hàng cột chống đỡ mái với hoa văn tinh xảo. Nhưng bên trong nhà, kiến trúc, vật dụng mang đậm chất Á Đông. Tại ngôi nhà còn lưu giữ nhiều vật dùng có niên đại cả trăm năm, như đèn lồng bằng gỗ theo phong cách Trung Hoa vào khoảng cuối thế kỷ 19, đèn măng-xông, đèn dầu lửa Hoa Kỳ ở những năm đầu thế kỷ 20, những bàn ghế, chén dĩa, bình hoa được chạm khắc tinh xảo…
Mặt trước căn nhà có lối kiến trúc phương Tây độc đáo
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - Đồng Tháp: Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – cũng là tên của người tình nữ văn sĩ người Pháp Margueritte Duras hiện nằm tại tạo lạc số 255A, đường Nguyễn Huệ, Phường 2, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngôi nhà được đặt viên gạch xây dựng đầu tiên vào năm 1895 và trải qua một đợt trùng tu lớn vào năm 1917. Dù tiếp tục trải qua nhiều thăng trầm khi có nhiều đơn vị quản lý, sử dụng nhưng đến nay ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn giữ được những nét riêng với sự kết hợp giữa kiến trúc Đông – Tây một cách độc đáo.
Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Cụ thể, ngôi nhà cổ được xây dựng bằng vật liệu chính là gỗ, mang dáng vẻ của một ngôi nhà truyền thống Nam Bộ (Nhà ba gian). Nhưng đến năm 1917, ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha ông Huỳnh Thủy Lê) cho trùng tu lại ngôi nhà mang dáng dấp một biệt thự Pháp, kết hợp hài hòa giữa hai lối kiến trúc Đông -Tây.
Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – cũng là tên của người tình nữ văn sĩ người Pháp Margueritte Duras sinh sống năm xưa
Do vậy, lần đầu tiên du khách đến tham quan ngôi nhà cổ của công tử họ Huỳnh là một ngôi biệt thự Pháp qua các chi tiết kiến trúc từ mặt tiền, trần nhà, khung cửa sổ... đậm chất phương Tây. Nhưng khi du khách bước vào bên trong, một không gian cổ mở ra với các cánh cửa, cột nhà, bàn thờ... đều sơn son thếp vàng. Những cây cột ở gian chính có những bức chạm trổ chim loan, chim phượng với hoa lá bốn mùa rất tinh tế, sắc xảo.
Làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp: Trong quần thể làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, Tiền Giang) có rất nhiều ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi, trong đó có nhiều căn còn rất đẹp, kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây như ngôi nhà cụ Lê Quang Xoát ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp.
Còn đây là ngôi nhà cổ đẹp nhất tại làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang) hiện gia đình ông Lê Quang Xoát sinh sống (ảnh: Minh Giang)
Ở ngoài nhìn vào căn nhà cổ cụ Xoát là hàng cột xi măng tròn, thẳng tấp được sơn màu trắng với nhiều hoa văn mang đậm lối kiến trúc cổ của phương Tây. Tuy nhiên khi vào nhà du khách càng ngỡ ngàng với căn nhà gỗ cổ kính mang đậm phong cách kiến trúc Huế. Theo ông Xoát (hậu duệ đời thứ 6 thừa kế ngôi nhà này) cho biết, ông tổ của ông là Lê Văn Ký làm quan triều đình nhà Nguyễn nhưng không hiểu gì lý do gì vào vùng đất này lập nghiệp. Đến khoảng năm 1818 thì cho xây dựng ngôi nhà gỗ trên diện tích 750 m2 trong tổng tiện tích 1,2 ha của toàn khu đất. Đây là ngôi nhà gỗ với cột, kèo, mái ngói và vật dụng giống hệt nhà ở Huế thời điểm đó. Qua nhiều đời, đến năm 1920 thì ông Lê Quang Phiên cho xây dựng thêm mặt trước với kiến trúc Pháp nên ngôi nhà rất đặc biệt ở bên ngoài thì kiến trúc phương Tây, bên trong là kiến trúc phương Đông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn nhà cổ của cụ Xoát là ngôi nhà cổ nhất trong làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp nên hiện tại căn nhà đang xuống cấp. Một tổ chức của Nhật Bản đã đến khảo sát để tài trợ trùng tu lại căn nhà cổ này.
Với thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn gắn với các ngôi nhà cổ, Đông Hòa Hiệp đã được tỉnh Tiền Giang chọn làm nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Nam bộ; Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm làng cổ Đông Hòa Hiệp đón 100.000 lượt du khách (chủ yếu là khách nước ngoài) đến với mục đích chiêm ngưỡng kiến trúc các ngôi nhà cổ, tìm hiểu các nghề truyền thống, thưởng ngoạn những vườn cây ăn trái, tham quan chợ nổi Cái Bè... Riêng nhà cổ của ông Kiệt và nhà cổ của ông Đức, trung bình mỗi ngày mỗi nhà cũng đón gần 100 lượt khách, ngày cao điểm lên tới 600 lượt khách, ngày thấp điểm gần 50 lượt khách.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hành