Kinh tế

Những ngân hàng nhiều năm ôm cổ tức

Đều đặn báo lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận chưa phân phối ngày một tăng cao nhưng nhiều ngân hàng vẫn lặp lại điệp khúc "năm nay không chia cổ tức" với cổ đông.

Đầu tư hàng chục tỷ đồng để trở thành cổ đông, chứng kiến sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngân hàng, nhưng nhiều cổ đông vẫn không thể hưởng niềm vui trọn vẹn khi khoản đầu tư của mình nhiều năm không thể sinh lời.

"Ôm" tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu

Với ngân hàng nhỏ, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích, do vốn chủ sở hữu của những đơn vị này chưa cao. Chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ củng cố thêm năng lực tài chính của các ngân hàng này. Tuy nhiên, một số ngân hàng cỡ lớn lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà nhiều năm vẫn chọn cách chia cổ tức bằng cổ phiếu và “ôm” tiền mặt.

zingvnloinhuan1songanhang9thangdaunam2016
Kết quả kinh doanh một số ngân hàng 9 tháng đầu năm 2016. Đồ hoạ: Quang Thắng.

Theo kế hoạch ban đầu của BIDV và VietinBank, hai ngân hàng này sẽ chia cổ tức năm 2015 bằng hình thức cổ phiếu thưởng. Nhưng Bộ Tài chính - đại diện phần vốn Nhà nước tại hai ngân hàng này, đã có yêu cầu cả hai đơn vị này phải chi cổ tức bằng tiền mặt. Ngày chốt đã được VietinBank thông qua.

SHB, OCB, BacABank, NamABank, Sacombank… cũng lựa chọn hình thức chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu thưởng.

Hai ngân hàng thường xuyên có mức lãi cả nghìn tỷ là MBBank và VPBank cũng chọn phương án chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu và giữ nguyên số lãi luỹ kế hàng nghìn tỷ đồng qua nhiều năm.

MBBank chọn chia cổ tức đợt 2 năm 2015 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%. Trong khi VPBank chọn phương án chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13,07% .



Nỗi buồn cổ đông

Nếu như cổ đông của những ngân hàng nằm trong diện tái cấu trúc như SCB, TPBank hay VietABank… sẽ phải “nhịn” cổ tức thêm một thời gian nữa thì có những ngân hàng tình hình tài chính tốt, kết quả lợi nhuận cao cổ đông vẫn không được hưởng niềm vui trọn vẹn.

zingvnomcotucnganhang
Cổ đông tại Techcombank và MaritimeBank đã nhiều năm nay không được chia cổ tức dù bằng cổ phiếu hay tiền mặt. Ảnh minh hoa: TP.

MaritimeBank mỗi năm vẫn đều đặn báo lãi hàng trăm tỷ đồng. Nhưng đã 4 năm nay, cổ đông của ngân hàng này chưa biết tới "mùi" cổ tức.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2016 ngân hàng này trình lên NHNN, doanh thu thuần nửa năm 2016 đạt trên 1.280 tỷ đồng, tăng 41%. Lãi trước thuế đạt 151 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết năm 2015, lãi luỹ kế của ngân hàng đạt 937 tỷ đồng.

Thế nhưng, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 4/2016, HĐQT ngân hàng một lần nữa trình cổ động kế hoạch không chia lợi nhuận năm 2015 và 2016.

Techcombank là ngân hàng với kết quả lợi nhuận cao thứ 2 trong khối thương mại cổ phần, quy mô cũng luôn nằm trong top 5 ngân hàng lớn trong hệ thống.

Năm 2015, Techcombank thu về 2.037 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 44% so với năm trước; tính tới hết quý III/2016, khoản lãi luỹ kế của Techcombank đã lên tới 5.125 tỷ đồng. Thế nhưng, ngân hàng vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch nào về việc phân chia lợi nhuận cho cổ đông.

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4/2016, các cổ đông của Techcombank đã bày tỏ ý kiến bức xúc về vấn đề không chia cổ tức 4 năm liên tiếp ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông. Trong khi đó, ngân hàng đã chi hơn 28 tỷ đồng để trả thù lao năm 2015 cho HĐQT.

Mới đây, ngân hàng cũng thông tin thưởng Tết 2017 của cán bộ nhân viên có thể lên đến 7 tháng lương, cao hơn so với 2016.

Hứng thú của cổ đông sẽ giảm?

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết việc chọn hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt là do hoàn cảnh của mỗi ngân hàng. Ngân hàng muốn thực hiện Basel II phải nâng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.

Theo lời lãnh đạo này, có thể vì thế mà các ngân hàng chọn cách lấy tiền lãi phải chia của cổ đông để tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ phiếu.

Còn đối với cổ đông, việc ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu họ không được hưởng nhiều lợi ích vì mất rất nhiều thời gian để chuyển đổi thành tiền.

“Các ngân hàng lãi nhiều mà không chia cổ tức có thể do cổ phần tại ngân hàng đó tập trung vào một số người chiếm đa số, cổ đông khi biểu quyết và họ có chiến lược phát triển của riêng mình. Những đơn vị này cũng cần tính toán hình ảnh, các đánh đổi trong chiến lược của mình. Còn quyết định cuối cùng vẫn là của đa số cổ đông”, ông Toại nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tài chính Cao Sỹ Kiêm, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt phụ thuộc vào kết quả kinh doanh và chiến lược của mỗi ngân hàng. Ngân hàng nào trả cổ tức càng cao thì càng thu hút được nhà đầu tư, càng huy động được nhiều vốn tập trung vào ngân hàng ấy.

Chuyên gia này cũng cho rằng việc một số ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể do họ không có khả năng tài chính bằng tiền mặt, hoặc kinh doanh kém hiệu quả nên phải dùng số lợi nhuận chưa phân phối để bổ sung nguồn vốn ngân hàng.

"Cũng có thể do ngân hàng đó đang có chiến lược đặc biệt cần nguồn vốn tập trung. Nhưng với nhà đầu tư thì bao giờ họ cũng tính tới việc thu được lợi nhuận. Không chia cổ tức thì lòng tin của các nhà đầu tư vào ngân hàng sẽ bị giảm, sự hứng thú của các cổ động sẽ giảm theo”, ông Kiêm chia sẻ.

Tác giả bài viết: Quang Thắng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok